Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim giúp giảm triệu chứng, kiểm soát nhịp tim và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Mục tiêu điều trị rối loạn nhịp tim bác sĩ Tim mạch hướng đến
Nhiều trường hợp người bệnh bị rối loạn nhịp tim nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào, hoặc các biểu hiện khá mơ hồ như có cảm giác khó chịu ở ngực, cảm thấy không khỏe trong người không rõ nguyên nhân.
Các triệu chứng thường gặp của rối loạn nhịp tim cũng rất đa dạng, có thể khác nhau tùy theo mức độ từ nặng đến nhẹ. Một số triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, hụt hơi, khó thở, yếu sức… có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người bệnh. Đặc biệt, các triệu chứng cho thấy người bệnh có khả năng bị loạn nhịp nặng, cần được điều trị sớm như đổ nhiều mồ hôi, đau ngực, chóng mặt, hoa mắt, gần ngất hoặc ngất, người mệt đừ…
Một số loại rối loạn nhịp tim có thể không gây ảnh hưởng đến kể đến sức khỏe như ngoại thu tâm thất thưa - không triệu chứng, ngoại thu tâm nhĩ. Tuy nhiên, có những loại rối loạn nhịp tim nếu không được phát hiện, điều trị sớm sẽ làm suy giảm chức năng tim hoặc gây ra các triệu chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
>> Xem thêm: Bệnh rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không? 7 biến chứng thường gặp
Tùy thuộc vào loại rối loạn nhịp, mức độ nghiêm trọng của bệnh, các bệnh lý mắc phải và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho từng trường hợp bệnh. Ở mỗi bệnh nhân, phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim có thể khác nhau, tuy nhiên đều có chung các mục đích là:
- Giúp giảm các triệu chứng do bệnh gây ra như khó thở, đánh trống ngực, hụt hơi, giảm khả năng gắng sức, chóng mặt…
- Giúp kiểm soát nhịp tim hoặc khôi phục lại nhịp bình thường nếu có thể.
- Điều trị các bệnh lý/tình trạng có liên quan đến rối loạn nhịp tim.
- Ngăn ngừa hình thành cục máu đông để ngừa nguy cơ đột quỵ.
- Giảm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim và đột quỵ. (1)
Cập nhật các cách điều trị rối loạn nhịp tim
Người bệnh đến thăm khám rối loạn nhịp tim tại chuyên khoa Tim mạch, sẽ được bác sĩ kiểm tra và đánh giá tình trạng tim mạch chung, hỏi về bệnh sử và các triệu chứng liên quan. Sau đó, có thể chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp.
Những kiểm tra thường được chỉ định để chẩn đoán rối loạn nhịp tim như: điện tâm đồ, máy theo dõi nhịp tim 24 giờ, máy ghi sự kiện, siêu âm tim, nghiệm pháp gắng sức, nghiệm pháp bàn nghiêng…
Điều trị rối loạn nhịp tim cần dựa vào tình trạng nhịp tim của người bệnh đập nhanh hay đập chậm, hoặc đập không đều. Một số rối loạn nhịp tim có thể không cần điều trị, nhưng người bệnh cần đến gặp bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe tim mạch theo định kỳ. Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim thường được áp dụng là:
1. Thay đổi lối sống
Những thay đổi trong lối sống có thể hỗ trợ điều trị chứng rối loạn nhịp tim, người bệnh nên áp dụng các cách như sau:
- Quản lý tốt huyết áp và lượng đường trong máu, nếu bị huyết áp cao nên có máy đo huyết áp tại nhà để theo dõi thường xuyên chỉ số huyết áp.
- Ngưng hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử và tránh xa khói thuốc lá.
- Nên giảm bớt lượng rượu tiêu thụ.
- Hạn chế những sản phẩm có chứa caffeine.
- Nên duy trì cân nặng ở mức bình thường, giảm cân khoa học nếu bị thừa cân - béo phì.
- Tránh làm việc căng thẳng, áp lực, thay vào đó nên dành thời gian để thư giãn tinh thần.
2. Điều trị thuốc
Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng một hoặc nhiều loại thuốc, hoặc kết hợp thuốc với các phương pháp khác để điều trị rối loạn nhịp tim. Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị rối loạn nhịp tim như:
- Tại phòng cấp cứu, bác có thể cho người bệnh dùng thuốc điều trị nhịp chậm như atropine, nếu bệnh nhân bị rối loạn nhịp nhanh có thể được chỉ định dùng adenosine.
- Thuốc chống loạn nhịp giúp chuyển nhịp nhanh thành nhịp xoang hoặc ngăn ngừa rối loạn nhịp tim.
- Thuốc kiểm soát nhịp tim.
- Thuốc chống đông máu hoặc thuốc điều trị chống kết tập tiểu cẩu (như warfarin, aspirin…) giúp làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Thuốc điều trị các tình trạng liên quan có thể gây ra nhịp tim bất thường. (2)
Khi được chỉ định dùng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cũng đều cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, uống đúng và đủ liều, không tự ý thay đổi, điều chỉnh hoặc ngưng thuốc. Nếu liều quá cao có thể khiến cho tình trạng rối loạn nhịp tim trở nên trầm trọng hơn. Khi đó, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ để được kiểm tra và điều chỉnh liều thuốc thích hợp với tình trạng bệnh.
3. Liệu pháp điều trị
Ngoài việc sử dụng thuốc, một số bệnh nhân có thể cần các liệu pháp điều trị hoặc loại bỏ tình trạng nhịp tim không đều. Bác sĩ sẽ xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh và trao đổi kỹ về những lợi ích cũng như rủi ro có thể xảy ra khi áp dụng phương pháp điều trị.
- Chuyển nhịp: Liệu pháp chuyển nhịp là phương pháp cấp cứu nhanh, điều trị nhanh chóng các triệu chứng rối loạn nhịp tim. Đây là phương pháp sốc điện giúp khôi phục lại nhịp tim bình thường cho người bệnh, thường được sử dụng trong các trường hợp huyết động không ổn định, rối loạn tri giác, suy tim, bệnh nhân bị cuồng nhĩ, rung nhĩ, nhịp nhanh nhĩ, nhịp nhanh trên thất và nhịp nhanh thất có huyết động không ổn định…
- Cắt đốt qua ống thông (catheter): Bác sĩ sẽ luồn một ống thông (catheter) qua mạch máu và đi đến tận tim. Các điện cực ở đầu ống thông sử dụng nhiệt hoặc năng lượng lạnh để tạo ra những vết sẹo nhỏ trong tim, chặn các tín hiệu điện bất thường và khôi phục nhịp tim bình thường. Liệu pháp này có thể điều trị hầu hết các tình trạng rối loạn nhịp trên thất như cuồng nhĩ, rung nhĩ, nhịp nhanh nhĩ hay các tình trạng rối loạn nhịp thất như ngoại tâm thu thất, nhanh thất…
4. Điều trị bằng thiết bị
Người bệnh có thể được chỉ định đặt một số thiết bị để điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim như:
- Máy tạo nhịp tim vĩnh viễn: Nếu bệnh nhân bị nhịp tim chậm do những nguyên nhân không thể điều chỉnh được, bác sĩ thường sẽ chỉ định điều trị bằng máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Đây là phương pháp giúp tăng nhịp tim một cách hiệu quả, duy trì nhịp tim bình thường và giữ cho tim không bị đập quá chậm.
- Máy khử rung tim cấy được (ICD): Người bệnh khi được cấy máy khử rung tim ICD, thiết bị này liên tục theo dõi nhịp tim. Khi phát hiện nhịp tim rất nhanh, bất thường, máy sẽ cung cấp năng lượng cho cơ tim để giúp tim đập lại bình thường. Thiết bị này thường được gắn cho những bệnh nhân bị nhanh thất hoặc rung thất - hai loại nhịp tim đe dọa tính mạng của người bệnh. Nếu bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột hoặc mắc một số bệnh tim làm tăng nguy cơ gây ngừng tim đột ngột, bác sĩ cũng có thể chỉ định gắn máy khử rung tim cấy được. (3)
- Máy đồng tái đồng bộ cơ tim (CRT): Máy tái đồng bộ cơ tim giúp đồng bộ hóa sự co bóp của hai tâm thất. Với cấu tạo đặc biệt, máy sẽ giúp cho 2 tâm thất co bóp cùng lúc, từ đó giúp co bóp tim hiệu quả, giảm tình trạng suy tim cho bệnh nhân.
5. Điều trị phẫu thuật
Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim bằng phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Bệnh nhân bị bệnh động mạch vành nặng, triệu chứng dai dẳng, có rối loạn nhịp tim và các phương pháp điều trị nội khoa không tối ưu, không phù hợp đặt stent mạch vành cần được phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Phẫu thuật này giúp khôi phục nhanh chóng dòng máu nuôi tim, từ đó giúp điều trị các rối loạn nhịp liên quan đến thiếu máu cơ tim.
- Phẫu thuật Maze: Khi thực hiện phẫu thuật Maze, bác sĩ tạo một loạt vết rạch nhỏ trong mô tim ở nửa trên của trái tim (tâm nhĩ) để tạo ra một mê cung gồm các mô sẹo. Vì mô sẹo không dẫn điện, nên nó cản trở các xung điện lạc hướng, từ đó giúp điều trị một số loại rối loạn nhịp tim, giúp tim đập lại nhịp bình thường.
>> Xem thêm: Bệnh rối loạn nhịp tim có chữa khỏi được không? Liệu khả năng tái phát sau điều trị có cao không?
Một số biến chứng sau điều trị rối loạn nhịp tim có thể xảy ra
Tác dụng phụ và biến chứng sẽ khác nhau tùy vào phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim.
- Người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc điều trị nhịp như: phản ứng dị ứng với thuốc, chóng mặt, nhức đầu, đau bụng…
- Chuyển nhịp tim có thể gây ra các biến chứng như: thuyên tắc mạch máu, tổn thương vùng da…
- Biến chứng do cắt đốt: nhiễm trùng, chảy máu, nguy cơ hình thành cục máu đông, đột quỵ, chấn thương tĩnh mạch hoặc mô tim…
- Đối với đặt thiết bị có thể gây: sự cố về thiết bị, nhiễm trùng, chảy máu…
- Đối với phẫu thuật có nguy cơ gây biến chứng như: chảy máu, nhiễm trùng, đột quỵ…
Cách chăm sóc người bệnh rối loạn nhịp tim sau điều trị
Người bệnh sau khi được điều trị rối loạn nhịp tim, vẫn nên theo dõi thường xuyên nhịp tim tại nhà để kịp thời phát hiện bất thường và đến gặp bác sĩ sớm. Trong chế độ ăn uống, cần chú ý hạn chế lượng rượu và cafein vì những thức uống này có thể gây rối loạn nhịp tim. Quản lý huyết áp cao, bệnh tiểu đường cũng như các bệnh lý khác có liên quan đến rối loạn nhịp tim. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi hợp lý, dành thời gian để thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng.
Người bệnh nên báo cho người thân trong gia đình và bạn bè, đồng nghiệp xung quanh biết về tình trạng rối loạn nhịp tim của bản thân. Như vậy sẽ giúp người bệnh trong các trường hợp triệu chứng rối loạn nhịp tim trở nên nghiêm trọng, hỗ trợ đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Biện pháp ngăn ngừa rối loạn nhịp tim tái phát sau điều trị
Để ngăn ngừa rối loạn nhịp tim tái phát sau khi điều trị, người bệnh nên tuân thủ sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn và điều chỉnh lối sống phù hợp:
- Lựa chọn những thực phẩm tốt cho tim mạch;
- Duy trì cân nặng bình thường;
- Hạn chế căng thẳng, áp lực;
- Không hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử;
- Giảm lượng rượu, tốt nhất là nên ngừng uống rượu;
- Vận động thể dục đều đặn, chú ý tập luyện nhẹ nhàng, tránh các môn cần dùng sức quá nhiều hoặc những hoạt động tiếp xúc có thể làm lệch vị trí của máy điều hòa nhịp tim hay máy khử rung tim cấy ghép;
- Ngủ đủ giấc mỗi ngày;
- Tái khám đúng định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ.
Một số câu hỏi thường gặp về điều trị rối loạn nhịp tim
1. Rối loạn nhịp tim có điều trị dứt điểm được không?
Rối loạn nhịp tim vô hại sẽ khỏi nhưng sẽ tái phát lại nếu người bệnh có các nguyên nhân gây bệnh. Đối với người mắc các rối loạn loạn nhịp tim khác, đặc biệt là những bệnh nhân có nguy cơ bị ngừng tim, cần được điều trị suốt đời.
2. Bao lâu sau điều trị người bệnh rối loạn nhịp tim có thể hồi phục?
Tùy thuộc vào thủ thuật hoặc loại phẫu thuật được chỉ định, người bệnh có thể cần vài tuần hoặc vài tháng để hồi phục. Nếu bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp cắt đốt có thể bị rối loạn nhịp tim trong vài tuần khi chờ hồi phục.
3. Rối loạn nhịp tim nhẹ có thể chữa tại nhà không?
Người bệnh có thể thực hiện một số cách chữa rối loạn nhịp tim nhẹ tại nhà. Tuy nhiên, vẫn nên đến bệnh viện để thăm khám, kiểm tra kỹ và được bác sĩ hướng dẫn về phương pháp điều trị thích hợp, tránh để rối loạn nhịp tim trở nên trầm trọng hoặc nguy cơ gây ra các biến chứng.
Khi có các triệu chứng rối loạn nhịp tim như khó thở, đau ngực, chóng mặt, ngất xỉu, nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch để thăm khám và điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển nặng.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có Trung tâm Tim mạch chuyên điều trị các bệnh lý về tim mạch, mạch máu và lồng ngực, trong đó có điều trị rối loạn nhịp tim. Trung tâm có hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch sẽ trực tiếp thăm khám, hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân giúp điều trị hiệu quả tình trạng rối loạn nhịp tim, ngăn ngừa biến chứng gây tổn thương tim.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Tùy thuộc vào loại rối loạn nhịp tim, mức độ nghiêm trọng, bệnh lý kèm theo cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim tốt nhất, giúp cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên có sự kết hợp với lối sống lành mạnh để giúp việc điều trị đem lại hiệu quả cao.