Zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng da gây ra do virus varicella zoster (VZV), loại virus này tồn tại trong cơ thể dưới trạng thái ngủ sau khi gây bệnh thủy đậu. Khi mắc zona, người bệnh cần kiêng khem trong đời sống sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ và áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để bệnh chóng lành, không biến chứng, không để lại sẹo gây mất thẩm mỹ. Một trong những thắc mắc thường gặp của người bệnh là bị zona có kiêng nước không? Bài viết này sẽ giải thích lý do nên hay không nên kiêng nước khi bị zona thần kinh, cũng như phương pháp vệ sinh, tắm rửa đúng cách khi mắc bệnh.
Tổng quan về bệnh zona
Zona thần kinh là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính với triệu chứng lâm sàng điển hình là những nốt mụn nước viêm nhiễm ngoài da, gây ra bởi virus varicella zoster, đây cũng là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu. Sau khi bệnh thủy đậu khỏi, VZV không bị tiêu diệt mà ẩn nấp trong các tế bào và hạch thần kinh, khi có điều kiện thuận lợi, virus sẽ tái hoạt động và di chuyển dọc theo các dây thần kinh, gây bệnh zona thần kinh. Bệnh zona thường có triệu chứng phát ban mụn nước trên một phần của cơ thể, thường là ở một bên lưng, cổ hoặc mặt.
Bệnh zona có thể nhận biết qua các dấu hiệu sau:
- Ớn lạnh, sốt, đau đầu và mệt mỏi: Đây là những triệu chứng ban đầu của zona, xảy ra do dây thần kinh bị xâm nhập bởi virus. Nhiều người không để ý đến những triệu chứng này vì lầm tưởng với các bệnh hô hấp khác như cúm, viêm phổi.
- Da ở một số vùng mặt, mắt, hông, lưng,… có dấu hiệu ngứa, sưng, đỏ và đau: Đây là triệu chứng tiếp theo của bệnh zona, thường xuất hiện sau vài ngày khi virus bắt đầu hoạt động. Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu và nhạy cảm ở những vùng da có các nốt mụn nước xuất hiện. Điều đặc biệt là zona chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, không lan sang bên kia.
- Nhiều mụn nước nhỏ li ti mọc trên các vùng da bị viêm: Đây là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh zona, mụn nước có chứa dịch trong suốt và sẽ to dần lên. Sau khoảng một tuần, chúng sẽ khô chuyển sang màu vàng, đóng thành vảy, sau 7-10 ngày vảy sẽ tự bong. Nếu người bệnh gãi hay làm vỡ mụn nước, dịch sẽ chảy ra và có thể lây nhiễm sang những vùng da khác hoặc lây sang cho người khác, gây viêm nhiễm nặng hơn.
![cơ chế hình thành bệnh zona](https://vnvc.vn/wp-content/uploads/2024/01/co-che-hinh-thanh-benh-zona.jpg)
Bị zona có kiêng nước không?
KHÔNG NÊN kiêng nước khi bị zona. Nhiều người quan niệm, bị zona phải kiêng nước, kiêng tắm, không cho các nốt mụn nước zona tiếp xúc trực tiếp với nước để tránh nhiễm trùng. Tuy nhiên, đây là những quan niệm hoàn toàn sai lầm. Các chuyên gia khẳng định, người mắc zona thần kinh cần vệ sinh cơ thể và vệ sinh môi trường sống một cách sạch sẽ, giữ cho cơ thể luôn thoáng mát, việc kiêng nước, kiêng tắm có thể khiến bụi bẩn, mồ hôi, dầu thừa của người bệnh tích tụ trên vùng da thương tổn, gây ra tình trạng nhiễm trùng, ngứa ngáy, mồ hôi sẽ thấm vào các nốt mụn nước dễ gây ra tình trạng bội nhiễm
Chính vì thế, tắm gội và vệ sinh cơ thể sạch sẽ khi bị zona là rất cần thiết, tuy nhiên cần tránh làm tổn thương vết thương hoặc gây nhiễm trùng.
Xem thêm: Bị zona thần kinh kiêng gì?
Lợi ích của việc tắm khi bị zona thần kinh
Việc tắm khi bị zona thần kinh không chỉ có tác dụng vệ sinh các nốt mụn nước trên da, mà còn có thể giúp giảm ngứa, giảm đau và làm dịu các triệu chứng khó chịu. Theo một nghiên cứu, tắm bằng nước ấm có thể làm giảm cường độ đau, ngứa và cải thiện chất lượng tinh thần của người bệnh zona thần kinh. Ngoài ra, khi tắm người bệnh cũng có thể thêm một số thành phần tự nhiên vào nước tắm để tăng cường hiệu quả, như bột nghệ, bột ngô, dầu tầm xuân, dầu oải hương, mật ong, nha đam,… Những thành phần tự nhiên này có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, làm mềm da, giảm ngứa và giảm căng thẳng khi người bệnh phải cách ly khi mắc zona thần kinh.
Các bác sĩ da liễu khuyên rằng cần tắm và vệ sinh da sạch sẽ khi bị zona thần kinh để có thể mang lại những lợi ích sau đây:
- Làm dịu cơn ngứa: Người bệnh zona tắm với nước ấm có thể giúp làm dịu da, giảm cơn ngứa do các nốt mụn nước zona gây ra. Khi tắm người bệnh cũng có thể thêm một ít bột yến mạch, bột nghệ, trà hoa cúc,… vào nước tắm để tăng hiệu quả làm dịu da giảm ngứa ngáy.
- Giữ vệ sinh cho vết thương: Tắm với nước ấm có thể giúp rửa sạch bụi bẩn, vi khuẩn và chất nhầy từ vết mụn nước. Điều này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và làm mau lành vết thương.
- Giúp cơ thể mát mẻ, dễ chịu hơn: Tắm với nước ấm có thể giúp giảm nhiệt độ cơ thể, giảm sưng và đau ở vùng da bị ảnh hưởng. Tắm cũng có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn, giảm căng thẳng và lo lắng do bệnh zona gây ra.
- Bôi thuốc lên vết thương: Khi bị zona, người bệnh có thể bôi thuốc methylen (1), acyclovir (2), calamine (3)… lên vết mụn nước, bên cạnh đó có thể dùng thuốc kháng virus và thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chỉ nên bôi thuốc một lớp mỏng lên nốt mụn nước, không bôi quá nhiều để tránh tình trạng gây nhiễm trùng không mong muốn. Đặc biệt nên lưu ý tránh bôi thuốc lên vùng mắt, miệng, mũi hoặc tai.
Xem thêm: Bị zona bôi thuốc gì nhanh khỏi?
![bị zona có tắm được không](https://vnvc.vn/wp-content/uploads/2024/01/bi-zona-co-tam-duoc-khong.jpg)
Hướng dẫn cách tắm khi bị zona thần kinh
Để tắm đúng cách khi bị zona thần kinh, người bệnh có thể thực hiện theo các bước sau:
- Chuẩn bị nước tắm: Nên tắm với nước ấm hoặc mát, không quá nóng hoặc lạnh. Nước quá nóng có thể làm kích thích da và tăng cơn ngứa, còn nếu nước quá lạnh có thể làm co cứng cơ và gây đau nhức. Có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để tắm nước ấm kết hợp với bột nghệ, bột yến mạch hoặc dầu cọ vào nước tắm để tăng hiệu quả làm dịu da.
- Ngâm mình vào nước ấm: Có thể ngâm mình vào nước tắm từ 10 đến 15 phút. Không nên tắm quá lâu hoặc quá nhiều lần vì có thể làm tổn thương vết mụn nước.
- Rửa sạch vết thương: Nên dùng một miếng bông hoặc khăn mềm làm ướt, nhẹ nhàng rửa sạch vết thương. Không nên dùng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, cồn hoặc chất khử trùng để làm sạch nốt mụn nước vì có thể làm tổn thương thêm vết thương hoặc gây kích ứng. Nên tránh chà xát, cào hoặc nặn vết mụn nước vì có thể làm vỡ, gây nhiễm trùng hoặc để lại sẹo sau khi khỏi bệnh.
- Lau khô cơ thể: Nên dùng khăn sạch và mềm để lau khô cơ thể nếu người bệnh đổ nhiều mồ hôi. Nên lau khô nhẹ nhàng, không cọ xát hoặc chà mạnh. Nên lau khô vết thương kỹ lưỡng để tránh ẩm ướt.
Một số lưu ý khi tắm đối với người mắc bệnh zona
Mặc dù tắm có nhiều lợi ích cho người bệnh zona thần kinh, ngoài những hướng dẫn trên, cũng nên lưu ý một số điều sau khi tắm đối với người mắc bệnh zona:
- Không tắm với nước lạnh hoặc nước quá nóng: Nước lạnh có thể làm co cứng cơ và gây đau nhức. Nước quá nóng có thể làm kích thích da và tăng cơn ngứa. Người bệnh nên tắm với nước ấm hoặc mát, không quá nóng hoặc lạnh.
- Không dùng bông tắm và xà phòng có tính tẩy rửa mạnh: Dùng bông tắm có thể làm vỡ mụn nước, lở loét và lây nhiễm. Chỉ nên dùng tay nhẹ nhàng rửa vùng da có vết mụn nước. Không dùng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh có thể làm khô da và gây kích ứng, chỉ nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ được chiết suất từ các thành phần thiên nhiên. Nên tránh dùng xà phòng có mùi hương, chất tạo bọt hoặc chất bảo quản vì có thể làm tổn thương da hoặc gây dị ứng.
- Không nên chà mạnh lên vùng da có vết thương: Việc chà mạnh, cào, nặn mụn nước/vết thương có thể khiến nốt mụn nước vỡ ra, gây tổn thương thêm vết thương, đau rát, có thể gây nhiễm trùng hoặc để lại sẹo. Chỉ nên tắm bằng nước vòi sen chảy nhẹ hoặc ngâm cơ thể trong bồn tắm. Người bệnh nên dùng một miếng bông hoặc khăn mềm để nhẹ nhàng rửa sạch vết thương.
- Không tắm quá lâu hoặc quá nhiều lần trong ngày: Chỉ nên tắm trong khoảng 10 đến 15 phút mỗi lần. Không nên tắm quá lâu vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây kích ứng da.
- Chọn sản phẩm tắm gội lành tính: Không nên dùng những loại xà bông có tính kiềm cao, mùi hương nồng hoặc chất tẩy rửa mạnh. Nên ưu tiên chọn những sản phẩm dịu nhẹ, không gây kích ứng da sẽ giúp người bệnh tránh gây nhiễm trùng vết thương.
- Lau khô cơ thể và vết thương kỹ lưỡng: Dùng một chiếc khăn sạch và mềm để lau khô cơ thể, lau khô nhẹ nhàng, không cọ xát hoặc chà xát mạnh làm vỡ mụn nước.
- Thoa kem sau khi tắm: Có thể dùng kem acyclovir do bác sĩ chỉ định, bôi lên vùng da bị tổn thương sau khi tắm, kem có tác dụng làm dịu da, giảm ngứa, hạn chế cảm giác gãi ở người bệnh.
![lưu ý khi tắm cho người bệnh zona](https://vnvc.vn/wp-content/uploads/2024/01/luu-y-khi-tam-cho-nguoi-benh-zona.jpg)
Mặc dù bệnh zona thần kinh thường lành tính, không nguy hiểm nhưng có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm và chăm sóc tốt. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín gần nhất để được thăm khám và điều trị bệnh zona một cách kịp thời và hiệu quả.
Tóm lại, bị zona có kiêng nước không? Việc tắm khi bị zona không phải là điều cấm kỵ, mà ngược lại tắm khi mắc zona mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Tuy nhiên, cần tuân thủ một số nguyên tắc và lưu ý khi tắm để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp và nhanh chóng hồi phục.