Hạch bạch huyết là những cấu trúc nhỏ, tròn, hình hạt đậu, có vai trò quan trọng trong việc chống lại nhiễm trùng của cơ thể. Nổi, sưng hạch bạch huyết thường do nhiễm trùng từ vi khuẩn hoặc virus. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể và có thể tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, nổi hạch bạch huyết có thể là dấu hiệu của những bệnh nghiêm trọng. Vậy tình trạng này là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị ra sao?
Cần biết gì về hệ thống bạch huyết của cơ thể?
Hệ thống bạch huyết là mạng lưới gồm các mạch, nút mạch và hạch bạch huyết chạy khắp cơ thể. Hệ thống bạch huyết tương tự như hệ thống tuần hoàn máu. Trong đó, mạch bạch huyết phân nhánh và vận chuyển một chất lỏng không màu (bạch huyết) đến khắp các cơ quan trên cơ thể, tương tự động mạch và tĩnh mạch.
Hệ thống bạch huyết là một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch và có nhiều chức năng quan trọng như: (1)
- Thu thập chất lỏng từ các mô của cơ thể và đưa vào máu. Bên cạnh đó, hệ thống bạch huyết cũng lọc các chất thải và tế bào bất thường từ chất lỏng này.
- Giúp cơ thể hấp thụ chất béo: hầu hết các chất dinh dưỡng đều di chuyển qua các lỗ nhỏ xíu trên thành mao mạch, sau đó được cơ thể hấp thụ và sử dụng. Tuy nhiên, một số chất béo và các phân tử lớn khác không thể di chuyển theo cách này. Vì vậy, hệ thống bạch huyết sẽ có nhiệm vụ thu thập chất lỏng từ ruột có chứa các phân tử này và vận chuyển trở lại máu.
- Bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại: hệ thống bạch huyết là một phần của hệ thống miễn dịch. Cơ quan này có chức năng tạo và giải phóng các tế bào lympho (một loại tế bào bạch cầu) và tế bào miễn dịch khác. Những tế bào này sẽ tìm kiếm và tiêu diệt những tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, chẳng hạn như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm.
Mỗi ngày có khoảng 20 lít huyết tương (phần chất lỏng trong máu) chảy qua các lỗ nhỏ xíu trên thành mao mạch. Khi máu lưu thông khắp cơ thể, chất lỏng này sẽ rò rỉ từ mạch máu vào những mô của cơ thể, mang thức ăn đến các tế bào, tắm các mô của cơ thể và tạo thành dịch mô.
Chất lỏng sau đó sẽ thu thập các chất thải, vi khuẩn, những tế bào hư hỏng hoặc bất thường và chảy vào mạch bạch huyết. Phần chất lỏng chảy vào mạch bạch huyết được gọi là bạch huyết.
Bạch huyết chảy qua các mạch bạch huyết vào tuyến bạch huyết - nơi lọc vi khuẩn và tế bào bị hư hỏng. Từ các tuyến bạch huyết, bạch huyết di chuyển vào các mạch bạch huyết lớn hơn rồi nối lại với nhau và di chuyển đến đáy cổ (ống ngực). Ống ngực sau đó sẽ đưa bạch huyết trở lại tuần hoàn máu.
Sưng, nổi hạch bạch huyết là gì?
Sưng, nổi hạch bạch huyết là tình trạng một hoặc hai bên cổ xuất hiện những cục u, sờ vào thấy mềm và đôi khi hơi đau, u có thể di chuyển bằng cách ấn ngón tay. Sưng hạch bạch huyết là một phản ứng tự nhiên của cơ thể, cho thấy hệ thống miễn dịch đang hoạt động để loại bỏ nhiễm trùng, ngăn virus hoặc vi khuẩn xâm nhập.
Ngoài hai bên cổ, người bệnh cũng có thể có hạch bạch huyết nổi lên ở nách (bệnh hạch nách), dưới hàm và háng. (2)
Nguyên nhân sưng hạch
Các hạch bạch huyết được sắp xếp theo nhóm và mỗi nhóm chịu trách nhiệm dẫn lưu một vùng cụ thể. Người bệnh dễ nhận thấy hạch bạch huyết nổi hoặc sưng ở một số khu vực nhất định, chẳng hạn như vùng cổ, dưới cằm, nách và háng. Vị trí nổi hạch có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng này.
Xem thêm: Nổi hạch dưới cằm là gì?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng hạch chủ yếu do nhiễm trùng và cũng có thể do ung thư nhưng khá hiếm.
1. Nhiễm trùng
Gồm nhiễm trùng thông thường và nhiễm trùng đặc hiệu. Nhiễm trùng thông thường có thể xuất phát từ viêm họng liên cầu khuẩn; bệnh sởi; nhiễm trùng tai, áp xe răng; bệnh bạch cầu đơn nhân; nhiễm trùng da hoặc vết thương, chẳng hạn như viêm mô tế bào; virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV).
Với nhiễm trùng đặc hiệu, thường do bệnh lao; một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như giang mai; Toxoplasmosis - tình trạng nhiễm ký sinh trùng do tiếp xúc với phân mèo nhiễm bệnh hoặc ăn thịt chưa nấu chín; sốt do mèo cào, cắn dẫn đến nhiễm trùng.
2. Bệnh tự miễn
Lupus và viêm khớp dạng thấp là hai bệnh tự miễn gây nổi, sưng hạch bạch huyết. Lupus là bệnh viêm mạn tính ảnh hưởng đến khớp, da, thận, tế bào máu, tim và phổi. Viêm khớp dạng thấp cũng là bệnh viêm mạn tính nhưng ảnh hưởng đến các mô lót khớp (synovium).
3. Ung thư
Một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư hạch xuất phát từ hệ bạch huyết hay bệnh bạch cầu (ung thư mô tạo máu của cơ thể, bao gồm cả tủy xương và hệ bạch huyết) có thể gây nổi hạch. Ngoài ra, những bệnh ung thư khác đã di căn đến các hạch bạch huyết cũng có thể gây nên tình trạng sưng này.
4. Nguyên nhân khác
Một số loại thuốc có thể gây nổi hạch bạch huyết nhưng hiếm gặp bao gồm: thuốc chống động kinh phenytoin (Dilantin), thuốc phòng ngừa bệnh sốt rét.
Dấu hiệu nổi hạch bạch huyết
Khi các hạch bạch huyết sưng lần đầu tiên, người bệnh có thể thấy sưng, đau ở khu vực nổi hạch bạch huyết. Hạch sưng có thể có kích thước bằng hạt đậu, thậm chí lớn hơn. (3)
Tùy vào nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết, các dấu hiệu và triệu chứng có thể gặp gồm:
- Chảy nước mũi, đau họng, sốt và các dấu hiệu khác do nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Sưng hạch bạch huyết khắp cơ thể: xảy ra khi người bệnh nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), bệnh bạch cầu đơn nhân hoặc mắc phải các rối loạn hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như lupus, viêm khớp dạng thấp.
- Các hạch cứng, cố định và phát triển nhanh chóng, có thể do ung thư đã di căn hoặc ung thư hạch.
- Người bệnh sốt kéo dài 3 - 4 ngày hoặc đổ mồ hôi đêm.
- Hạch sưng ngay bên dưới hoặc phía trên xương đòn.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, nổi và sưng hạch bạch huyết có thể là dấu hiệu của ung thư hạch (ung thư hệ bạch huyết). Ngoài ra, còn có các nguyên nhân ít phổ biến hơn gồm chấn thương, AIDS và ung thư di căn từ hạch bạch huyết đến những bộ phận khác trên cơ thể.
Ngay khi có bất kỳ các triệu chứng sau đây, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời:
- Các hạch bạch huyết có đường kính lớn hơn 1cm.
- Các hạch gây đau, cứng, dính chặt vào da hoặc phát triển nhanh.
- Hạch đang chảy mủ hoặc các chất khác.
- Các triệu chứng như: sụt cân, đổ mồ hôi đêm, sốt kéo dài, khó thở hoặc mệt mỏi.
- Các hạch sưng gần khuỷu tay, xương đòn hoặc phần dưới cổ.
- Da đỏ hoặc viêm trên các hạch bạch huyết sưng.
Hạch bạch huyết nổi ở đâu?
Hạch bạch huyết ở những bộ phận khác nhau có thể nổi do những nguyên nhân khác nhau. Người bệnh có thể cảm nhận tình trạng này ở cổ, mang tai, cằm, nách, háng, vùng chẩm (đáy sọ).
Nổi hạch bạch huyết có nguy hiểm không?
Hầu hết, nổi hạch bạch huyết không đáng lo ngại và sẽ biến mất khi tình trạng nhiễm trùng khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một số trường hợp nổi hạch bạch huyết do nhiễm trùng nhưng tình trạng trở nặng, không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến hình thành áp xe. (4)
Áp xe là tình trạng tụ mủ cục bộ do nhiễm trùng. Mủ chứa chất lỏng, bạch cầu, mô chết, vi khuẩn hoặc những yếu tố khác. Tình trạng này có thể cần phải dẫn lưu và điều trị bằng kháng sinh.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý, khi các hạch bạch huyết nổi lên nhưng không có nguyên nhân rõ ràng, chẳng hạn như gần đây bạn không cảm lạnh, cúm hoặc nhiễm trùng. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra, điều trị sớm.
Phương pháp chẩn đoán sưng hạch bạch huyết
Để chẩn đoán nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết, bác sĩ sử dụng các phương pháp sau:
1. Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ trao đổi về tiền sử bệnh, thời điểm sưng hạch bạch huyết và những triệu chứng bạn gặp phải. Đồng thời kiểm tra các hạch bạch huyết gần bề mặt da để biết kích thước, độ mềm, độ ấm và kết cấu. Vị trí các hạch bạch huyết sưng cùng với những dấu hiệu và triệu chứng sẽ giúp xác định nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng này.
2. Xét nghiệm máu
Một số xét nghiệm máu như xét nghiệm chức năng gan, thận có thể giúp xác định và loại trừ những nguyên nhân tiềm ẩn gây sưng hạch bạch huyết. Ngoài ra, xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC) cũng giúp đánh giá sức khỏe tổng thể và phát hiện một số các rối loạn, bao gồm nhiễm trùng và bệnh bạch cầu.
3. Chẩn đoán hình ảnh
Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: siêu âm (sử dụng sóng âm thanh tần số cao tạo hình ảnh bên trong cơ thể), chụp cộng hưởng từ MRI (sử dụng nam châm và sóng vô tuyến mạnh để tạo hình ảnh chi tiết về các cơ quan và mô), chụp X-quang ngực hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan)… Các kỹ thuật này có thể giúp xác định nguyên nhân, yếu tố gây sưng hạch bạch huyết.
4. Sinh thiết
Bên cạnh những phương pháp trên, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sinh thiết để giúp chẩn đoán chính xác yếu tố gây sưng hạch bạch huyết. Theo đó, bác sĩ sẽ thực hiện lấy mẫu mô từ một hoặc toàn bộ hạch bạch huyết, sau đó mang đến phòng thí nghiệm kiểm tra bằng kính hiển vi.
Nổi hạch bạch huyết có tự khỏi không?
Nổi hạch bạch huyết là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề, lúc này cơ thể đang chống lại nhiễm trùng hoặc sự xâm nhập của vi khuẩn, virus.
Hầu hết, tình trạng nổi hạch bạch huyết sẽ tự khỏi sau vài tuần và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nổi và sưng hạch bạch huyết có thể là triệu chứng của một bệnh hoặc tình trạng nghiêm trọng. Do đó, khi phát hiện hạch bạch huyết sưng lâu ngày mà không rõ nguyên nhân, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị sớm.
Nổi hạch bạch huyết bao lâu thì khỏi?
Nổi hạch bạch huyết thường kéo dài vài tuần, chủ yếu là nổi hạch ở cổ, nguyên nhân phổ biến do nhiễm trùng đường hô hấp trên. Những bệnh nhiễm trùng dạng này có thể mất từ 10 - 14 ngày để khỏi hoàn toàn.
Điều trị sưng hạch bạch huyết như thế nào?
Sưng hạch bạch huyết do virus thường sẽ khỏi hẳn sau khi tình trạng nhiễm trùng đã được giải quyết. Thuốc kháng sinh không dùng để điều trị cho tình trạng này.
Ngoài ra, tùy vào từng nguyên nhân gây sưng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau, gồm:
- Sưng do nhiễm trùng: kháng sinh là phương pháp điều trị phổ biến nhất, nếu các hạch bạch huyết sưng do nhiễm vi khuẩn.
- Rối loạn miễn dịch: sưng hạch bạch huyết do lupus hoặc viêm khớp dạng thấp, việc điều trị sẽ tập trung vào giải quyết triệu chứng và tình trạng bệnh.
- Ung thư: nếu hạch sưng do ung thư, bác sĩ sẽ tập trung vào điều trị ung thư. Tùy vào loại ung thư, việc điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.
Nếu các hạch bạch huyết sưng tấy và gây đau nhức, bạn có thể cải thiện tình trạng bằng cách thực hiện những điều sau:
- Chườm ấm: dùng khăn mặt nhúng vào nước ấm, vắt khô và chườm lên vùng có hạch sưng.
- Có thể dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như: paracetamol, ibuprofen, aspirin,…. Lưu ý, cần thận trọng khi dùng aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Dù aspirin được chấp thuận sử dụng cho trẻ trên 2 tuổi, tuy nhiên, không nên dùng aspirin cho đối tượng này, nhất là khi trẻ đang hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc có các triệu chứng giống cúm. Do đó, phụ huynh nên tham khảo bác sĩ trước khi cho con dùng thuốc.
- Nghỉ ngơi và thư giãn: bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi, tránh căng thẳng nhằm hỗ trợ và đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Biện pháp phòng ngừa hạch bạch huyết sưng đau
Sưng hạch bạch huyết là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng hoặc tác nhân gây hại khác. Do đó, không có biện pháp phòng ngừa cho tình trạng này. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn nhiễm trùng bằng cách hạn chế để vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Các biện pháp gồm:
- Rửa tay thường xuyên và đúng cách bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Tránh chạm tay vào mắt và mũi.
- Hạn chế tiếp xúc với những người đang bị bệnh.
- Khử trùng các bề mặt trong nhà, tay nắm cửa hoặc bàn làm việc để hạn chế vi khuẩn và virus sinh sôi.
- Xây dựng và duy trì thói quen sinh hoạt khoa học bằng cách ngủ đủ giấc; hạn chế thức khuya; tránh căng thẳng; ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết; tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày.
Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong thăm khám, tư vấn, điều trị và chăm sóc toàn diện các bệnh lành tính đầu mặt cổ; các bệnh ung thư vùng đầu cổ (ung thư vòm hầu, ung thư vùng hốc mũi, ung thư vùng hốc miệng…); bệnh lành tính và ác tính của tuyến giáp, tuyến nước bọt.
Với trang thiết bị hiện đại, cùng phác đồ điều trị được cập nhật liên tục, Đơn vị Đầu mặt cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM là địa chỉ chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, toàn diện, giúp người bệnh sớm hồi phục sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bài viết đã cung cấp những thông tin về tình trạng sưng, nổi hạch bạch huyết là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị? Sưng hạch bạch huyết là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại nhiễm trùng, ngăn vi khuẩn, virus xâm nhập. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng sưng sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu triệu chứng sưng tấy nghiêm trọng, hạch cứng, không di chuyển được, người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời.