Nhiệt miệng là tình trạng loét lành tính trong miệng, tuy không nguy hiểm nhưng nếu kéo dài sẽ gây nên nhiều bất tiện trong việc ăn uống, sinh hoạt khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu. Vậy cách trị nhiệt miệng hiệu quả tại nhà là gì? Bác sĩ nội trú chuyên khoa I Phan Sơn Long, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ hướng dẫn ngay bài viết dưới đây.
Bị nhiệt miệng nguyên nhân do đâu?
Nhiệt miệng hay còn gọi là loét aphthous ở miệng xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, khó để biết chính xác nguồn gốc gây ra bệnh, dưới đây là các trường hợp phổ biến nhất được các chuyên gia nghiên cứu gây ra tình trạng nhiệt miệng: (1)
- Stress, thiếu ngủ.
- Ăn đồ cay nóng hoặc thực phẩm chứa nhiều gluten gây tổn thương miệng.
- Chấn thương bên trong miệng hoặc vô tình cắn mạnh vào những khu vực trong miệng (lưỡi, má…) gây nên tình trạng lở loét.
- Tiêu thụ thực phẩm giàu tính axit như cam, quýt, dâu tây, thơm.
- Sử dụng thuốc chống viêm như ibuprofen.
- Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
- Niềng răng hoặc răng giả không vừa vặn gây cào xước, tổn thương bên trong miệng. Đặc biệt, trong quá trình vệ sinh răng miệng gây chảy máu cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng.
- Nhiệt miệng cũng có thể liên quan đến tình trạng cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng như vitamin b12, kẽm, axit folic hoặc sắt.
- Ngoài ra, những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc đang mắc các bệnh như: lupus, behcet, celiac, viêm loét đại tràng, crohn, HIV/AIDS… khả năng nhiệt miệng gây loét trở nặng rất cao.

Bệnh nhiệt miệng có chữa khỏi được không?
Bệnh nhiệt miệng hoàn toàn có thể chữa khỏi được bằng các phương pháp dân gian hoặc thuốc, thông thường bệnh sẽ khỏi sau 10-14 ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài hơn 3 tuần, hãy đến gặp bác sĩ ngay để chữa trị kịp thời.
Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình điều trị nhiệt miệng
Nhiệt miệng thường tự khỏi, không kéo dài sau 3 tuần, nhưng do tình trạng sức khỏe của mỗi người và thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh dẫn đến thời gian hồi phục diễn ra lâu hơn. (2)
- Hệ miễn dịch yếu: Những người mắc các bệnh nền như tiểu đường, HIV/AIDS hoặc trong quá trình điều trị ung thư thường gặp khó khăn trong việc hồi phục nhiệt miệng.
- Chăm sóc răng miệng không đúng cách: Không thường xuyên vệ sinh răng miệng khiến vi khuẩn tích tụ, làm vết loét thêm nhiễm trùng.
- Chế độ ăn uống không phù hợp: Tiêu thụ nhiều đồ cay, nóng hoặc thực phẩm có nhiều gia vị làm cho vết loét thêm kích ứng. Ngoài ra, thiếu hụt các vitamin b12, sắt, kẽm cũng dẫn đến tình trạng phục hồi niêm mạc miệng lâu hơn.
- Thói quen không lành mạnh: Sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, thường xuyên ngủ không đủ giấc do thức khuya cũng ảnh hưởng đến tốc độ lành vết thương.
- Không sử dụng phương pháp điều trị đúng cách: Tự ý sử dụng thuốc điều trị không kê đơn hoặc chữa nhiệt miệng bằng phương pháp dân gian mà không hỏi ý kiến của bác sĩ khiến vết loét không những lâu lành mà còn nhiễm trùng.

Hướng dẫn cách trị nhiệt miệng an toàn hiệu quả dễ áp dụng
Cách hết nhiệt miệng an toàn và hiệu quả bao gồm các biện pháp chữa nhiệt miệng bằng nguyên liệu tự nhiên tại nhà hoặc điều trị bằng thuốc, tùy vào tình trạng của từng người.
1. Chữa nhiệt miệng bằng các phương pháp dân gian tự nhiên
Trong trường hợp nhiệt miệng gây đau rát, khó chịu khiến bạn không thoải mái, bạn có thể áp dụng các cách trị nhiệt miệng tại nhà dưới đây nhằm làm dịu và giảm đau. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện để tránh tình trạng thêm trầm trọng. (3)
1.1 Nước muối
Súc miệng bằng nước muối là phương pháp trị nhiệt miệng hiệu quả mà nhiều người vẫn thường dùng. Nước muối giúp đẩy nhanh quá trình khô vết loét, giúp nhiệt miệng nhanh lành hơn.
1.2 Nước súc miệng
Nước súc miệng kháng khuẩn giúp vết thương nhanh hồi phục và ngăn ngừa nhiễm trùng hiệu quả. Tuy nhiên, nước súc miệng không được khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Trước khi sử dụng cho trẻ, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

1.3 Sữa chua
Sữa chua probiotic chứa lợi khuẩn không những giúp điều trị nhiệt miệng mà còn cải thiện sức khỏe răng miệng và đường ruột.
1.4 Mật ong
Mật ong có tính kháng khuẩn và chống viêm giúp giảm kích thước, tình trạng sưng tấy đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng mạnh mẽ. Bạn có thể thoa mật ong lên vết nhiệt miệng 3-4 lần/ngày sẽ thấy kết quả cải thiện rõ rệt.
1.5 Baking soda
Hay còn được gọi là natri bicarbonate có tác dụng khôi phục độ pH tự nhiên trong vùng miệng từ đó giảm sưng, làm dịu vết loét miệng hiệu quả. Bạn có thể pha khoảng 1 thìa cà phê baking soda vào nước, súc miệng trong vòng 20-30s (lặp lại 5-6 lần/ngày) sẽ cải thiện đáng kể tình trạng khó chịu.
1.6 Dầu dừa
Phương pháp điều trị tuyệt vời cho các vết loét do nhiệt miệng gây ra, dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn, ngăn ngừa sự lây lan, giảm sưng, mẩn đỏ và khó chịu. Cách tốt nhất là dùng bông gòn hoặc tăm bông tiệt trùng thấm vào dầu dừa và thoa lên vết thương để điều trị.
1.7 Trà hoa cúc
Trà hoa cúc có đặc tính làm dịu, giảm đau, giảm viêm nên được sử dụng trong việc trị nhiệt miệng. Cách trị nhiệt miệng đơn giản là sau khi pha trà trong nước sôi, để nguội và súc miệng trong khoảng 30s (lặp lại 2-3 lần/ngày) để cải thiện tình trạng đau, khó chịu do vết loét gây ra.
1.8 Bột phèn chua
Bột phèn chua được sử dụng để làm khô vết thương trong vùng miệng. Cách thực hiện vô cùng đơn giản, bạn pha hỗn hợp bột phèn chua với vài giọt nước, sau đó thoa lên vùng bị nhiệt miệng và súc kỹ lại với nước sạch. Thực hiện vài lần sẽ thấy giảm đau rát rõ rệt.
1.9 Cúc la mã
Loài hoa này có chứa bisabolol và flavonoid, hoạt chất giúp giảm sưng, chống viêm hiệu quả. Cách trị nhiệt miệng bằng cúc la mã rất dễ thực hiện, bạn có thể lựa chọn uống trà 3-4 lần/ngày hoặc dùng bã trà hay túi lọc trà áp vào vết loét nhiều lần trong ngày để điều trị.
1.10 Trà xô thơm
Cây xô thơm có đặc tính kháng khuẩn, giảm đau và chữa lành vết thương nhanh chóng. Bạn có thể đun lá xô thơm tươi trong nước, sau đó lọc lá ra và để nguội. Tiến hành súc miệng trong khoảng 30s rồi nhổ ra, thực hiện lặp lại 2-3 lần/ngày để thấy sự thay đổi.
1.11 Giấm táo
Giấm táo có khả năng tiêu diệt các vi sinh vật gây ra cơn đau do lở miệng, bạn có thể hòa tan 1 thìa cà phê giấm táo vào cốc nước sau đó dùng hỗn hợp này súc miệng 30-60s và đánh răng như bình thường.
1.12 Tỏi
Cách trị nhiệt miệng bằng tỏi được dân gian tin dùng bởi vì trong tỏi có chứa allicin, hoạt chất có khả năng chống viêm, giảm nhiệt miệng hiệu quả. Bạn chỉ cần lấy 1 tép tỏi đã bóc vỏ, cắt đôi và thoa lên vết thương 1-2 phút (thực hiện 2-3 lần/ngày) sẽ thấy cải thiện rõ rệt.
1.13 Dầu đinh hương
Dầu đinh hương có chứa eugenol và một số đặc tính kháng khuẩn giúp giảm đau và viêm loét vùng miệng. Do đó, dầu đinh hương được coi là một trong những cách chữa nhiệt miệng hữu hiệu tại nhà.
1.14 Nha đam
Nha đam có tính làm dịu, kháng viêm, làm lành vết thương nhanh chóng, bạn có thể sử dụng 1 nhánh nhỏ nha đam sau đó cắt đôi lấy phần nhớt trắng thoa lên vết loét 2-3 lần/ngày.
1.15 Bổ sung vitamin
Nhiệt miệng thường xuyên xảy ra nếu chế độ ăn uống của bạn không đủ dưỡng chất đặc biệt là thiếu vitamin b12, sắt, kẽm. Do đó hãy bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất trên như: trứng, cá, sữa đậu, sữa gạo, rau diếp cá, rau ngót, ngũ cốc, gan… để giảm thiểu nguy cơ bị nhiệt miệng.

1.16 Rau diếp cá
Diếp cá ngoài tác dụng thanh nhiệt giải độc còn có tính kháng khuẩn, diệt ký sinh trùng nên được dùng điều trị nhiệt miệng. Bạn có thể sử dụng 100g diếp cá rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước uống 2-3 lần/ngày sẽ giúp vết lở loét ở miệng nhanh hồi phục.
1.17 Rau ngót
Rau ngót có tính mát giúp thanh nhiệt, giải độc hiệu quả, để trị nhiệt miệng bạn có thể rửa sạch rau ngót rồi giã nhuyễn lọc lấy nước cốt, trộn cùng 1 thìa mật ong sau đó dùng tăm bông chấm lên vết nhiệt miệng, giữ trong 5-10 phút rồi mới súc miệng lại, kiên trì thực hiện trong khoảng 3-5 ngày sẽ đẩy nhanh quá trình hồi phục nhiệt miệng.
1.18 Bột sắn dây
Sắn dây tính bình, vị ngọt cay có tác dụng giải độc, thanh nhiệt và làm mát cơ thể. Do đó, sắn dây được nhiều người dùng để trị nhiệt miệng, bạn có thể pha khoảng 20g bột sắn dây (đối với người lớn) hoặc 10g (đối với trẻ em) vào nước sôi để uống (1-2 cốc mỗi ngày) sẽ cải thiện tình trạng nhiệt miệng nhanh chóng.
1.19 Đá lạnh
Cách trị nhiệt miệng nhanh bằng đá lạnh thường được nhiều người sử dụng vì tính tiện lợi, nhanh chóng mà chúng mang lại. Cảm giác đau sẽ giảm bớt do đá có tác dụng làm tê các vết loét, bạn có thể dùng một viên đá nhỏ thoa lên vết loét trong khoảng vài giây để làm dịu. Tuy nhiên, không nên lạm dụng phương pháp này vì sẽ gây bỏng lạnh khiến vết thương thêm trầm trọng.
2. Trị nhiệt miệng bằng thuốc
Cách chữa nhiệt miệng bằng thuốc không kê đơn hoặc theo toa nhằm giảm các triệu chứng đau rát, tuy nhiên biện pháp này phải được bác sĩ chỉ định. (4)
2.1 Thuốc bôi
Điều trị nhiệt miệng bằng thuốc bôi (dạng bột, kem, gel hoặc chất lỏng) có thể giúp giảm đau.. Các sản phẩm thuốc bôi nhiệt miệng hiệu quả thường có thành phần hoạt tính như:
- Benzocaine (Anbesol, Kank-A, Orabase, Zilactin-B)
- Fluocinonide (Lidex, Vanos)
- Hydrogen peroxide (Nước súc miệng sát trùng Orajel, Peroxyl)
Ngoài những loại thuốc bôi có chứa thành phần hoạt tính trên, vẫn có nhiều sản phẩm thuốc bôi khác được bày bán tại các cửa hàng dược phẩm, bạn có thể hỏi bác sĩ để được tư vấn về loại nào có hiệu quả nhất trong quá trình chữa trị.
2.2 Thuốc uống
Thuốc uống là một trong những cách trị nhiệt miệng nhưng cần có sự chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc mà bạn có thể tham khảo:
- Thuốc steroid uống khi vết loét miệng nghiêm trọng không tự khỏi.
- Thuốc kháng viêm giảm đau và hỗ trợ nhanh lành vết thương như: colchicine và prednisone.
- Các viên uống vitamin (nhóm b, c, kẽm, sắt và các viên uống vitamin tổng hợp) nhằm giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, cải thiện tình trạng nhiệt miệng tốt hơn.

Điều trị nhiệt miệng thường kéo dài khoảng bao lâu?
Tình trạng nhiệt miệng thường cải thiện trong vài ngày, chậm nhất có thể khỏi hẳn trong vòng hai tuần mà không cần tự điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiệt miệng kéo dài hơn khoảng thời gian này, hãy đến gặp ngay bác sĩ để được chẩn đoán và chữa nhiệt miệng kịp thời.
Tình trạng nhiệt miệng nào người bệnh cần khám bác sĩ?
Thông thường, nhiệt miệng hoàn toàn có thể tự khỏi mà không cần đến gặp bác sĩ, nhưng bạn cần phải gặp bác sĩ nếu những triệu chứng sau xuất hiện:
- Vết loét nhiệt miệng bắt đầu lan rộng, kích thước lớn hơn bất thường.
- Tình trạng nhiệt miệng kéo dài hơn 3 tuần.
- Vết thương gây đau rát dữ dội ảnh hưởng đến việc ăn uống, vệ sinh và các hoạt động thường ngày khác.
- Nhiệt miệng kèm theo sốt cao.
Những lưu ý khi điều trị nhiệt miệng giúp tối ưu hiệu quả
Để quá trình điều trị nhiệt miệng giúp tối ưu hiệu quả, ngoài việc kiêng ăn thực phẩm cay nóng bạn cần vệ sinh răng miệng đúng cách để hạn chế tình trạng viêm loét kéo dài gây nhiễm trùng.
- Đánh răng 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa 1 lần/ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng tốt nhất.
- Sử dụng bàn chải đánh răng lông tơ mềm mại nhằm tránh gây chảy máu vùng răng.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều trái cây và rau tươi, hạn chế các loại trái cây có axit cao hoặc quá chua.
- Hạn chế căng thẳng, mệt mỏi, không thức khuya, thường xuyên tập thể dục hoặc yoga, thiền định… để tăng cường sức đề kháng và giảm áp lực hiệu quả.
Một số câu hỏi liên quan
1. Bị nhiệt miệng kiêng ăn gì?
Để nhiệt miệng nhanh khỏi và không cản trở quá trình ăn uống, sinh hoạt, bạn nên: (5)
- Hạn chế ăn đồ cay, mặn và chua: Các thực phẩm này có thể gây kích ứng vết lở loét trong miệng, đặc biệt là thực phẩm cay, chất capsaicin có trong đó sẽ làm tăng thêm cảm giác nóng rát, khó chịu.
- Không ăn thực phẩm quá cứng hoặc giòn: Những thực phẩm như khoai tây chiên, gà rán, bánh quy, kẹo cứng có thể làm trầy xước hoặc kích ứng thêm vùng lở loét, không những làm chậm quá trình lành vết thương mà còn tăng thêm cảm giác đau rát.
- Không ăn trái cây họ cam quýt có tính axit cao: Các loại trái cây như cam, quýt, chanh, bưởi… và nước ép của chúng có tính axit cao gây đau và kích ứng vết thương nhiều hơn.
- Không uống cà phê, trà, rượu hoặc các chất kích thích khác: Tất cả những loại đồ uống này đều mang tính axit dẫn đến kích ứng vết thương, làm cho nhiệt miệng lâu khỏi.
2. Bị nhiệt miệng liên tục nhiều ngày khám khoa nào, ở đâu uy tín?
Thông thường, tình trạng nhiệt miệng sẽ tự khỏi trong vòng 10-14 ngày, nếu sau khoảng thời gian này, vết loét không lành mà còn lan rộng gây đau rát dữ dội kèm theo tình trạng sốt cao bạn nên đến ngay chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để được thăm khám kịp thời.
Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Da liễu, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị nhiệt mình hiệu quả giúp bạn cảm thấy dễ chịu, giảm đau rát ngay sau khi điều trị. Bác sĩ và đội ngũ nhân viên luôn hỗ trợ nhiệt tình, phục vụ thăm khám và chẩn đoán cả vào cuối tuần, giúp bạn đẩy nhanh nhiệt miệng mà không cần chờ đợi.
Đa số nhiệt miệng không gây nguy hiểm nhưng mang đến nhiều sự bất tiện. Các vết loét trong miệng gây đau rát cản trở bạn thực hiện một số hoạt động thường ngày, thông thường vết loét đều tự khỏi trong vòng 2 tuần. Trong thời gian chờ đợi bạn có thể thử một số loại thuốc không kê đơn và biện pháp điều trị tại nhà để giảm đau. Nếu tình trạng không thuyên giảm, hãy liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để đưa ra cách trị nhiệt miệng kịp thời và hiệu quả.