Du học nghề điều dưỡng tại Đức đang là mối quan tâm của đông đảo quý phụ huynh và học sinh. Và chắc chắn các bạn sẽ rất quan tâm về quá trình học tập, làm việc, các cơ hội về công việc và phát triển dài lâu của nghề tại Đức. Vậy hôm nay hãy theo chân một học viên đang theo học chương trình du học nghề điều dưỡng tại Đức hệ 3 năm để khám phá mọi ngóc ngách của nghề, nắm rõ những khó khăn, thử thách và cơ hội, cùng tưởng tượng đặt mình vào vị trí công việc ấy nhé!
I. Giới thiệu về học viên tham dự du học nghề điều dưỡng tại Đức
Xin chào tớ là một cô gái du học nghề điều dưỡng tại Đức hệ 3 năm. Hôm nay với một vài kinh nghiệm và quan điểm cá nhân, tớ muốn có đôi nét phác hoạ về bức tranh “du học nghề điều dưỡng tại Đức”. Hãy cùng dành chút thời gian tìm hiểu nhé!
II. Tổng quan du học nghề điều dưỡng tại Đức
Đầu tiên tớ muốn giới thiệu qua: nghề Điều dưỡng ở Đức là ngành nghề chuyên về chăm sóc, theo dõi tình hình sức khoẻ, hỗ trợ người cần được chăm sóc. Với bất kỳ độ tuổi nào gặp bất cứ vấn đề nào về sức khoẻ, tinh thần hay trong hoạt động sống hàng ngày cần sự giúp đỡ, thì chúng ta sẽ là người đảm nhận.
Hình ảnh học viên đang theo chương trình du học nghề điều dưỡng tại Đức
III. Mô tả chi tiết công việc của du học sinh nghề điều dưỡng tại Đức
Để mọi người có cái nhìn chi tiết hơn đôi chút, tớ sẽ mô tả về một ngày mà tớ làm việc ở 3 mô hình chăm sóc khác nhau bao gồm: Nghề điều dưỡng tại Đức theo diện chăm sóc tại nhà, chăm sóc tại viện dưỡng lão và chăm sóc tại bệnh viện
1. Nghề điều dưỡng theo diện chăm sóc tại nhà
Chúng ta sẽ có 2 ca:
- Ca sáng thường bắt đầu lúc 6 giờ sáng tới 12 giờ trưa hoặc 13 giờ.
- Ca chiều sẽ bắt đầu lúc 16 giờ và kết thúc vào khoảng 20 tới 21 giờ.
Chúng ta có thể sẽ làm cả 2 ca trong một ngày. Tuy nhiên về tổng thể một tháng chúng ta chỉ làm đủ 178 tiếng, tức là 40 tiếng một tuần, 8 tiếng một ngày mà thôi.
Hình ảnh học viên đang theo chương trình du học nghề điều dưỡng tại Đức
1.1. Nghề điều dưỡng làm ca sáng:
Chúng ta sẽ tới sớm một chút để chuẩn bị đồ.
Xem tổng thể qua về bảng báo cáo ở văn phòng để xem có điều gì mới hay cần phải lưu ý không.
Sử dụng chiếc điện thoại sử dụng riêng trong công việc với mọi thông tin về tình trạng sức khoẻ, thói quen chăm sóc, giờ giấc hay điểm cần lưu ý về người cần được chăm sóc. (Mọi nhiệm vụ sẽ đều có trong điện thoại, ngoài ra thông qua điện thoại chúng ta sẽ biết có bao nhiêu thời gian ở người này và người tiếp theo là ai).
Chìa khoá nếu có để vào nhà người cần được chăm sóc.
Thuốc của người cần được chăm sóc nếu có (vì nhiều khi có các cụ già chỉ sống một mình và việc của chúng ta là theo dõi và nhắc nhở uống thuốc).
Một vài giấy tờ cần thiết đi kèm nếu có.
Và không quên chìa khóa xe ô tô để di chuyển.
Ở những nhà bệnh nhân đầu tiên. Thường chúng ta sẽ giúp đỡ họ trong việc vệ sinh cá nhân, chuẩn bị bữa sáng, thu gọn chăn gối,…Chúng ta sẽ chăm sóc theo cách phát huy tối đa khả năng tự lập của họ chứ không phải là phục vụ. Điều này sẽ giúp họ không phụ thuộc vào sự hỗ trợ, đồng thời vận động nhiều sẽ tốt cho sức khỏe,…
Với những bệnh nhân mà tình trạng sức khỏe không tốt như liệt giường, không có khả năng đi lại, khuyết tật,…Chúng ta sẽ là người đảm nhiệm công việc như đánh răng, lau mặt, lau người, tắm rửa (việc tắm rửa sẽ được thực hiện theo một chu trình bài bản và được dạy kỹ càng khi đi học ở trường), chăm sóc da, tóc,…(duy trì cuộc sống sinh hoạt như một người bình thường). Nhưng hơn hết chúng ta sẽ vẫn luôn ưu tiên, hỗ trợ bệnh nhân ít nhất tự làm gì đó như tự xoay người, tự cầm lược chải tóc,…
Việc chuẩn bị bữa sáng ở một vài bệnh nhân cũng sẽ làm nhiệm vụ mà chúng ta thực hiện. Đó thường là những lát bánh mì hay chiếc bánh mì tròn được cắt làm đôi, với một lớp bơ được phết lên, sau đó là một lớp mứt hoặc một lớp thịt nguội rải đều trên bề mặt.
Bữa sáng thường đi kèm theo một tách trà hoặc tách cafe.
Với những bệnh nhân không thể tự ăn uống hay có vấn đề khi nuốt, cần phải thực hiện qua ống thông qua mũi, cổ,… thì chúng ta sẽ luôn có sẵn các dung dịch dinh dưỡng, cháo hay bột tùy trường hợp.
Ở những bệnh nhân khác, chúng ta có thể kiểm tra về các kiểm soát về cân nặng, về chỉ số đường huyết, về nhịp tim, về huyết áp.
Những bệnh nhân được xếp vào khoảng thời gian từ 10:00 đến 11:30 (thường không nhất định theo quy luật) thì thường chúng ta sẽ vệ sinh, thay, băng bó vết thương. Những vết thương ấy có thể do tai nạn, biến chứng của bệnh tiểu đường hay những rủi ro được gây ra bởi béo phì hay sự mất khả năng vận động gây nên sự xuất hiện của những vết lở loét to lớn. Điều này rất phổ biến ở Đức.
Từ khoảng thời gian từ 11:30 đổ ra: Đây là thời điểm chúng ta đi đến một cơ sở chuyên cung cấp đồ ăn, lấy và phân phát ở những bệnh nhân có đặt trước.
Ở từng nhà bệnh nhân đều có sẵn tài liệu để chúng ta ghi lại những việc đã làm trong ca, những vấn đề phát sinh hay cần lưu ý. Mọi sổ sách liên quan như đơn thuốc, sơ yếu lý lịch, hồ sơ bệnh lý đều được tập hợp trong một tập kẹp.
Kết thúc ca, chúng ta sẽ ghi chú lại những điều cần lưu ý trong cái bảng báo cáo mà chúng ta đọc vào trước khi bắt đầu ca, giao ca bằng cách viết hoặc thu âm lại nếu cần, gửi vào nhóm thành viên của công ty để thông báo cho những đồng nghiệp làm vào ca tiếp theo.
Hình ảnh học viên đang theo chương trình du học nghề điều dưỡng tại Đức
1.2. Nghề điều dưỡng làm ca chiều tối:
- Sự chuẩn bị và kết thúc ca giống hệt như ca sáng, nhưng công việc thường sẽ diễn ra nhanh hơn.
- Theo dõi, đo chỉ số đường huyết của bệnh nhân.
- Giúp đỡ nếu cần trong việc chuẩn bị bữa tối, thay quần áo thoải mái hơn để đi ngủ.
- Với những bệnh nhân nằm liệt giường, chúng ta cũng sẽ theo dõi những chỉ số cơ thể như nhịp tim, huyết áp, … với các thiết bị hỗ trợ đã thiết lập trước (việc này được diễn ra đều đặn 2 lần/ ngày trong cả ca sáng lẫn ca chiều). Giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân trước khi đi ngủ như thay bỉm.
1.3. Những khó khăn và thuận lợi nghề điều dưỡng tại Đức dạng chăm sóc tại nhà
Thuận lợi khi học nghề điều dưỡng
Nếu chưa thể tự lái xe và cũng chưa thể một mình ở nhà bệnh nhân để xử lý mọi việc thì sẽ luôn cần có một đồng nghiệp đi cùng. Như vậy, công việc sẽ luôn được chia đôi, được hướng dẫn cụ thể, được lĩnh hội nhiều tip làm việc của đồng nghiệp, khả năng giao tiếp luôn được phát huy.
Việc chăm sóc tại nhà là không giới hạn độ tuổi. Cho nên độ tuổi chăm sóc rất đa dạng, bệnh lý phong phú, được tiếp xúc sớm với nhiều tình huống cách xử lý khác nhau ở mỗi độ tuổi, ở mỗi bệnh lý khác nhau.
Bạn sẽ rất thoải mái vì khi hoàn thành xong việc chăm sóc ở mỗi bệnh nhân chúng ta sẽ tiếp tục lên đường tới nhà bệnh nhân khác. Việc bị gò bó liên tục 8 tiếng trong một không gian như trong bệnh viện hay viện dưỡng lão là không có. Ca làm việc được chia ra vì thế mà việc mệt mỏi phần nào được giảm bớt.
Khó khăn khi học nghề điều dưỡng
Sau khi ra trường đi làm một mình, việc xử lý tình huống phát sinh vì thế mà cũng phải đối mặt một mình. Sự trợ giúp, hỗ trợ từ đồng nghiệp là luôn được sẵn sàng nhưng không thể có mặt kịp thời ngay lập tức. Về cơ bản phải duy trì, đảm bảo sức khoẻ bệnh nhân và không làm phát sinh sai sót.
Khi đang là học viên, nhiều khi sẽ không thể tránh được sự chủ quan bởi luôn có suy nghĩ có đồng nghiệp đi cùng. Tâm lý này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ rất nguy hiểm. Việc lúng túng, gây thêm sai sót là không tránh khỏi.
Việc luôn di chuyển trên đường ít nhiều cũng có nguy cơ tai nạn.
2. Nghề điều dưỡng tại Đức khi đi làm ở viện dưỡng lão
Ở viện dưỡng lão, ca sáng sẽ từ 6:00 đến 14:00 | ca chiều sẽ từ 13:30 đến 21:30 | ca đêm sẽ từ 21:00 đến 5:30 sáng hôm sau. Chúng ta tới sớm thay đồng phục, lấy điện thoại chuyên dụng sử dụng trong giờ làm việc. Mỗi phòng của người cần chăm sóc sẽ đều có chuông, khi cần giúp đỡ chỉ cần rung chuông, tín hiệu sẽ được báo vào điện thoại.
Hình ảnh học viên đang theo chương trình du học nghề điều dưỡng tại Đức
2.1. Công việc nghề điều dưỡng làm ca sáng
Tất cả đồng nghiệp sẽ cùng ngồi lại trong một phòng lớn, giao ca bàn về những điểm mới, đưa ra giải pháp khi có vấn đề, phân chia công việc, khu vực, bệnh nhân. Thường một ca như vậy, chúng ta sẽ có nhiều đồng nghiệp nên việc bị quá tải sẽ hiếm khi xảy ra.
Với một chiếc xe đẩy xinh xẻo chứa mọi đồ mà ta cần dùng tới như ga trải giường, khăn lớn, khăn nhỏ, găng tay, loại thùng rỗng khác nhau để phân chia quần áo đã mặc, rác muốn bỏ đi,…Với chiếc xe ấy chúng ta sẽ tới từng phòng đánh thức bệnh nhân, giúp họ vệ sinh cá nhân, tắm rửa thay quần áo mới. Xong xuôi chúng ta sẽ hướng dẫn họ ra ngoài phòng ăn tiến hành chuẩn bị và ăn sáng. Tiếp đó, ta tiếp tục đến với những bệnh nhân tiếp theo.
Khoảng thời gian từ 7 giờ kém sẽ có 2 người là Pflegefachkraft (học viên đã tốt nghiệp hệ học nghề 3 năm trở thành điều dưỡng chuyên nghiệp) đảm nhận việc phát thuốc, tiêm thuốc cho bệnh nhân.
Bữa sáng sẽ thường kết thúc vào 9:30 sáng. Các cụ sẽ có một khoảng thời gian ngồi thư giãn, đi dạo, làm bánh hoặc chơi trò chơi với các cô, các chị ở mảng giải trí. Đây cũng là khoảng thời gian nhân viên chia nhau giải lao.
Trước giờ ăn trưa (11:00 đến 11:30) thuốc sẽ được phát.
Khoảng 12 giờ kém bộ phận bếp sẽ chuyển đồ ăn lên, công việc của chúng ta là chia đồ ăn. Giúp đỡ những cụ không có khả năng tự ăn. Bữa trưa kéo dài trong khoảng 30 phút bao gồm cả thời gian tráng miệng. Sau đó thu dọn, tuỳ vào nguyện vọng và mong muốn của các cụ, liệu rằng các cụ có muốn nghỉ trưa hay không. Nếu có sẽ giúp các cụ trở về phòng.
Dọn dẹp mọi thứ xong xuôi, kết thúc ca bằng việc ghi lại những thông tin cần thiết vào hệ thống, những điều quan trọng, bàn giao công việc cho ca sau.
2.2. Công việc nghề điều dưỡng làm ca chiều
Vẫn là bắt đầu với việc thay đồng phục, giao ca với đồng nghiệp. Sau khi đã nắm bắt, tiếp nhận công việc xong xuôi, ta tiến hành các công việc:
Chúng ta sẽ chuẩn bị trước giấy lau, dao, dĩa, thìa. Mọi thứ được chuẩn bị kĩ càng cho bữa trà chiều. Đây là khoảng thời gian các cụ dùng trà hay cà phê với bánh ngọt.
Trước khi bánh ngọt và trà, cà phê được vận chuyển từ nhà bếp lên. Chúng ta sẽ tới đánh thức các cụ, giúp các cụ ra bàn, chỗ ngồi đã được định sẵn trước.
Khi đồ ăn tới chúng ta chỉ cần chia đồ ăn và dọn dẹp.
Khoảng thời gian sau bữa trà chiều tới bữa tối, các nhân viên ca chiều sẽ chia nhau nghỉ giải lao. Một vài cụ đã được phân bổ trước sẽ được được về phòng nằm nghỉ ngơi (đa số thường sẽ là các cụ chỉ ngồi xe lăn, không có khả năng di chuyển). Làm như vậy bởi ca chiều luôn có ít nhân viên hơn, chia ra trước vậy để sau bữa tối nhân viên có thể chăm sóc hết được tất cả các cụ. Với những cụ được đưa vào nghỉ sớm trong khoảng thời gian này thì bữa tối sẽ được sắp xếp để ăn luôn tại phòng.
Trước bữa tối, việc chia thuốc luôn được đảm bảo diễn ra đúng giờ.
Vào khoảng 18:00 sẽ là giờ ăn tối. Bữa tối thường có súp, vẫn là bánh mỳ nhưng thay vì bữa sáng ăn cùng đồ ngọt, bữa tối sẽ ăn cùng xúc xích và thịt nguội.
Sau khoảng 30 - 60 phút khi bữa tối kết thúc và dọn dẹp và chuyển lại bát đĩa xuống khu vực bếp. Nhân viên ca chiều tiếp tục giúp đỡ các cụ về phòng của mình, nghỉ ngơi, vệ sinh răng miệng, thay đồ ngủ, chúc ngủ ngon.
Kết thúc ca, luôn nhập mọi thông tin, dữ liệu, điểm cần lưu ta diễn ra trong ca. Thêm vào đó giao ca cho ca đêm. Công việc nghề điều dưỡng tại Đức làm ca đêm
Về công việc của ca đêm, thường sẽ là giúp đỡ trong việc đi vệ sinh, theo dõi nhắc nhở đối với một vài bệnh nhân cần uống thuốc vào 1 hay 2 giờ sáng.
Việc đảm bảo an toàn, xử lí tình huống khẩn cấp nếu có. Luôn có mặt khi bệnh nhân cần giúp đỡ.
Xử lý các tình huống phát sinh nhưng chẳng may các cụ bị sốt, không ngủ được.
Với khoảng 60 bệnh nhân, trong đó có cả những người cần giúp đỡ, những người có thể tự làm mọi thứ hay người phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ. Ca đêm sẽ có 2 người trực, Ca sáng sẽ cố định 6 người và thêm học viên đến học việc. Ca chiều cố định 4 người và thêm học viên đến học việc.
Hình ảnh học viên đang theo chương trình du học nghề điều dưỡng tại Đức
2.3. Những khó khăn và thuận lợi khi đi làm nghề điều dưỡng tại Đức ở viện dưỡng lão
Thuận lợi
- Đi làm ở viện dưỡng lão, thời gian có phần nhẹ nhàng và từ từ hơn. Chỉ gấp rút trong khoảng thời gian từ sau giao ca đến trước bữa sáng, sao cho sau bữa sáng có một khoảng trống để bệnh nhân tham gia vào các hoạt đông chăm sóc tinh thần và không ảnh hưởng đến chất lượng của bữa trưa (vì bữa sáng được ăn quá muộn -> bỏ bữa trưa)
- Vì thời gian không quá bị áp lực phải nhanh, nên đồng nghiệp vì thế phần nào cũng bớt căng thẳng. Bởi chính tớ cũng thấy thoải mái hơn khi làm ở viện dưỡng lão.
- Khi phát sinh tình huống khẩn cấp, ngay lập tức sẽ nhận được hỗ trợ từ đồng nghiệp.
- Viện dưỡng lão là nhà của các bệnh nhân, nên không khí luôn ấm cúng và chính các bệnh nhân cũng thoải mái, thân thiện. Vì thế mặc dù vốn tiếng Đức kém nhưng tớ vẫn luôn được các cụ thông cảm và kiên nhẫn chỉ bảo.
Khó khăn
- Nhưng bù lại công việc mỗi ngày đều giống nhau. Với người Đức thói quen luôn được tuân thủ và thực hiện. Vì thế mà hầu như ngày nào cũng như ngày nào, công việc được sắp xếp theo một trình tự nhất định và mọi thứ bắt buộc phải làm y như vậy. (ví dụ nhất định phải là cái cốc ngắn, đế vuông. Nhất định phải đánh răng với nước thật lạnh còn khi rửa mặt phải là nước thật ấm hay bữa sáng phải là sữa bơ, nếu không có thì không uống,…)
- Tuy nhiên mọi thói quan, điểm cần lưu ý sẽ được lưu trữ lại một cách cụ thể và rõ ràng. Nên chúng ta không bắt buộc phải nhớ, trước khi bắt đầu ca xem lại là được. Và làm theo thời gian lâu, tự khắc nhớ.
- Chính vì số lượng bệnh nhân luôn mặc định, các bệnh lí là giới hạn. Không đa dạng bởi thường là người cao tuổi, bệnh lí ở người cao tuổi thì giống nhau, vì vậy chúng ta sẽ không học được nhiều, quan sát vì thế cũng bị hạn chế phần nào.
3. Nghề điều dưỡng tại Đức khi đi làm ở bệnh viện
Thời gian ca làm việc sẽ được phân chia tương tự như thời gian làm việc ở viện dưỡng lão: Ca sáng 6:00 - 14:00, Ca chiều 13:30 - 21:30, Ca đêm 21:00 - 6:00.
3.1. Công việc nghề điều dưỡng làm ca sáng
Bắt đầu với việc thay đồng phục, mọi thứ chỉnh tề gọn gàng làm sao để đúng 6 giờ có mặt tại phòng chính của khoa để thực hiện giao ca, ban giao công việc, cập nhập thông tin mới, điều cần lưu ý. Các sự việc diễn ra vào chiều tối hôm trước và trong ca đêm.
Mỗi người sẽ có những công việc khác nhau:
- Người phát thuốc, truyền nước, theo dõi các chỉ số về đường huyết, nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, cân nặng, lấy máu để xét nghiệp các chỉ số như bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, kẽm, canxi, sắt,… Đây cũng sẽ là người đảm nhận công việc đi cùng với bác sĩ vào trước giờ ăn trưa để theo dõi và cập nhập tình hình sức khoẻ.
- Người chuyên về giúp đỡ trong việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa, thay quần áo.
Mỗi người mỗi việc và bữa sáng cũng được chuyển từ bộ phận nhà bếp lên vào khoảng 7:45 phút. Ở bệnh viện mọi bữa sáng và cafe đã được chuẩn bị sẵn sàng, chúng ta chỉ cần chia theo tên của bệnh nhân kèm theo mà không cần phải tự chuẩn bị.
Đến đúng giờ chúng ta sẽ tạm dừng các công việc như hỗ trợ trong việc tắm rửa lại, để bữa sáng được bệnh nhân ăn đúng giờ và còn để uống thuốc.
Sau bữa sáng, việc tắm rửa , vệ sinh cá nhân (thay bỉm, thay đồ lót,…) sẽ tiếp tục được hoàn thiện.
Sau khi hoàn thành mọi công việc, trước giờ giải lao. Các nhân viên sẽ nhập toàn bộ việc đã chăm sóc, tình trạng sức khoẻ, mọi dự liệu cần thiết liên quan tới bệnh nhân ( như tâm trạng bệnh nhân tốt hay xấu, có bị đau ở đâu không, việc đi đại tiện hay tiểu tiện bình thường hay có vấn đề gì không ,…) . Việc nhập dữ liệu này cần được mô tả chính xác và sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành.
Khoảng thời gian từ 9 rưỡi đến 10 giờ là thời gian các nhân viên và học viên chia nhau đi nghỉ ngơi trong khoảng 30 phút mỗi người. Vì sẽ luôn cần có người trực để hỗ trợ khi bệnh nhân cần . Ở mỗi phòng của bệnh nhân cũng sẽ có những chiếc chuông, truyền ra tín hiệu ở khu vực hành lang và phòng chính . Ngoài ra người trực ở phòng chính sẽ tiếp nhận điện thoại có thể là từ buồng hồi sức , ở các khoa khác, … để tiếp nhận bệnh nhân mới. Đón các bệnh nhân trở lại khoa sau cuộc phẫu thuật hoặc đưa bệnh nhân chuẩn bị vào phòng phẫu thuật hoặc chụp X-Quang,…
Khoảng từ 10 giờ đến 11 giờ là thời gian thăm khám của bác sĩ. Với những thông tin, dữ liệu về tình trạng sức khoẻ đã được ghi lại của bệnh nhân. Việc quyết định dùng thuốc, dùng thêm thuốc giảm đau, truyền thêm nước, đã được xuất hiện hay chưa, hay vẫn phải để dạ dày ở trạng thái trống.
12 giờ kém là thời gian rảnh cho bữa trưa. Với những bệnh nhân không còn khả năng tự ăn uống, chúng ta sẽ cho họ ăn và uống thuốc.
Sau khi bữa trưa và việc dọn dẹp kết thúc. Các điều dưỡng viên sẽ đi đến từng phòng để hỏi han, xem xét liệu bệnh nhân có cần thêm gì hay cần giúp đỡ gì. Việc truyền nước hay phát thuốc nếu có cũng sẽ được diễn ra trong thời điểm này. Ở những bênh nhân nằm liệt giường việc vệ sinh thay bỉm cũng được tiến hành.
Chuẩn bị, sắp xếp để ban giao công việc cũng như tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân cho ca chiều
3.2. Công việc nghề điều dưỡng ca chiều
Sau khi tiếp nhận việc ban giao xong xuôi của ca sáng. Nhân viên ca chiều sẽ đi đến từng phòng dọn dẹp nếu có như tách cafe, hỏi han và đồng thời chào hỏi bệnh nhân và thông báo sẽ chịu trách nhiệm vào buổi chiều.
Nhân viên ca chiều sẽ chuẩn bị thuốc, chai nước truyền, xét nghiệm máu hay ống lấy nước tiểu cho ngày tiếp theo cho những bệnh nhân của khu mà mình chịu trách nhiệm cho
Với những bệnh nhân được phép xuất viện, nhân viên ca chiều sẽ là người gọi taxi nếu cần, thông báo cho người nhà bệnh nhân, gói đồ đạc và chuẩn bị thuốc cho 1 tuần tiếp theo cũng như giấy tờ cần thiết đi kèm.
Khoảng 16 giờ là thời gian nghỉ giải lao
17 giờ là thời gian của bữa tối
Sau khi bữa tối và việc thu dọn kết thúc. Điều dưỡng viên tiếp tục đi đến từng phòng, mỗi người 1 việc. Người truyền nước, người cho uống thuốc, người giúp vệ sinh răng miệng, thay bỉm, …
Cho đến khoảng 20:30 thì gần như mọi việc đã xong xuôi . Bệnh nhân khí ấy cũng đã đi ngủ. Nhân viên ca chiều cập nhật lại dữ liệu, tình trạng sức khoẻ và chuẩn bị bàn giao cho ca đêm.
3.2. Công việc nghề điều dưỡng ca đêm
- Sau khi bàn giao xong mọi việc từ ca chiều, nhân viên ca đêm sẽ trực điện thoại để trợ giúp các công việc:
- Giúp đỡ người bệnh đi vệ sinh, mọi nhu cầu phát sinh trong ca đêm
- Tiếp nhận thông tin, vấn đề để tiếp tục chuyển giao cho ca sáng hôm sau.
Hình ảnh minh họa công việc nghề điều dưỡng tại Đức
3.3. Khó khăn và thuận lợi khi đi làm nghề điều dưỡng ở bệnh viện
Thuận lợi:
- Độ tuổi bệnh nhân và các bệnh lí là vô cùng phong phú ở bệnh viện. Vì thế lượng kiến thức được lĩnh hội là rất lớn, sự quan sát theo đó được tăng cao.
- Ở bệnh viện số lượng bệnh nhân thường rất lớn nên là những học viên sẽ được thực hành nhiều hơn. Có rất nhiều những bài thực hành tuy chúng ta chưa được học ở trường nhưng khi đi làm bệnh viện được quan sát, được tự thực hiện, thông qua đó chúng ta sẽ nhớ hơn hiểu kỹ hơn và khi đến trường chỉ cần nghe qua lời giáo viên nói chúng ta có thể nắm chắc mọi thứ và dĩ nhiên là sẽ nhận được điểm rất cao khi làm bài thực hành
Khó khăn:
- Áp lực công việc, số lượng bệnh nhân lớn, thời gian eo hẹp nên nên khi làm việc trong bệnh viện khá là căng thẳng.
- Môi trường làm việc lớn, kiến thức quá nhiều và khó đôi lúc sẽ làm chúng ta cảm thấy chán nản và sợ hãi. Tâm lý này sẽ không tránh khỏi dẫn đến việc mình sẽ làm sai hoặc không tập trung
Kết luận
Trên đây là một vài nét cơ bản khi đi làm nghề điều dưỡng ở Đức với 3 cơ sở phổ biến nhất. Ngoài ra chúng ta sẽ còn làm việc ở một vài cơ sở khác như cơ sở chuyên chăm sóc người khuyết tật, cơ sở phục hồi chức năng, cơ sở chuyên chăm sóc trẻ em. Về cơ bản chúng ta là những nhân tố giúp họ hoàn thành những hoạt động sống hàng ngày; thay họ chăm sóc cơ thể, vết thương, chữa lãnh và luôn duy trì cơ thể ở trạng thái tốt nhất có thể.
Nếu bạn quan tâm đến nghề điều dưỡng tại Đức hoặc có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc gì về du học Đức, vui lòng để lại thông tin để chuyên gia CMMB tư vấn chi tiết hơn cho bạn nhé!