Video Cuộc thi Giấc Mơ Xanh. Thực hiện Trọng Quân.
Lan toả tình yêu của những người phụ nữ với rừng già
Sáng nay (21/3), tại Hội trường Báo Tiền Phong, Ban Tổ chức Cuộc thi Giấc Mơ Xanh đã trao giải cho 26 cá nhân và 3 tập thể có tác phẩm dự thi xuất sắc nhất, vượt qua 30.000 bài dự thi đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo nhà báo Trần Công Hùng, Trưởng Ban Giám khảo, nhiều tác phẩm dự thi được thí sinh dành tâm huyết, có sự đầu tư từ nội dung đến hình thức. Nhiều bức ảnh, video có sức lay động, chạm đến trái tim người xem như bộ ảnh “Nhặt rác nơi đáy biển” của tác giả Đào Đặng Công Trung, bộ ảnh “Biến bánh xe cũ thành khu vui chơi thiếu nhi” của tác giả Nguyễn Ngọc Sơn, hay video “Những bước chân xanh” của tác giả Trần Công Hướng.
Nhiều bài viết công phu với những câu chuyện có sức lan toả rộng rãi về tình yêu môi trường, yêu thiên nhiên, khát vọng được bảo vệ hành tinh xanh như tác phẩm “Cô gái đi trồng cây ở vườn người khác” của tác giả Nguyễn Văn Công, tác phẩm “Tái chế đồ jeans như một lẽ sống” của tác giả Ngô Văn Lộc, tác phẩm “Ngôi trường xanh trên miền đất lửa” của tác giả Lê Thị Thu Thanh.
Nhà báo Lê Minh Toản trao giải cho hai trong số các tác giả được giải Nhất. Ảnh: Duy Phạm
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 4 giải Nhất (trị giá 12 triệu đồng), 4 giải Nhì (trị giá 8 triệu đồng), 8 giải Ba (trị giá 4 triệu đồng) và 12 Giải Khuyến khích (trị giá 1,5 triệu đồng) cùng 3 giải tập thể tổng giá trị 30 triệu đồng.
Là một trong 4 tác giả của video giải Nhất “Những bước chân xanh”, Nguyễn Vũ Thanh Bình, sinh viên Học Viện Báo chí và Tuyên truyền kể, khi đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn, các bạn rất ấn tượng với những người phụ nữ, ngày ngày đi tuần tra, bảo vệ những cánh rừng hoang sơ, công việc tưởng như chỉ là của những người đàn ông.
“Những nhân vật trong phóng sự kể với bọn em, dù vào rừng sâu khá sợ nhưng họ đi mãi thành quen và càng ngày càng cảm thấy yêu rừng, gắn bó với rừng, mong muốn được bảo vệ rừng”, Bình kể và cho biết, nhóm tác giả rất mong được lan toả câu chuyện ý nghĩa này đến đông đảo bạn đọc.
Nhận giải Ba của cuộc thi, chị Lê Thị Phương Lan cùng gia đình vượt qua chặng đường hơn 600km từ Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đến Hà Nội.
Là người làm trong công tác bảo tồn, chị Lan cùng các đồng nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường cho người dân sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia. Chị Lan mong muốn ngày càng có nhiều người quan tâm đến bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ những cánh rừng, những khu bảo tồn, cái nôi của đa dạng sinh học.
Tác giả Ngô Văn Lộc được vinh danh với tác phẩm “Tái chế đồ jeans như một lẽ sống”. Anh Lộc kể, rất thích trồng cây, thường xuyên tham gia hoạt động của các nhóm bảo vệ môi trường như dọn rác ở Hà Nội, trồng cây trên núi Hàm Lợn, Sóc Sơn.
Anh Đỗ Công Tuân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và nhà báo Lê Minh Toản trao giải cho đại diện các tập thể xuất sắc nhất. Ảnh: Duy Phạm
Các tác giả được vinh danh đều thể hiện sự quan tâm đến các hoạt động bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và mong muốn lan toả thông điệp về bảo vệ môi trường đến cộng đồng.
Biến giấc mơ xanh thành hiện thực xanh
Đại diện Báo Tiền Phong, đơn vị tổ chức cuộc thi, Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập chia sẻ, hơn 30.000 tác phẩm dự thi đã cho chúng ta thấy sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng đến vấn đề bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong. Ảnh: Duy Phạm.
Nhà báo Lê Minh Toản nhớ lại câu chuyện 15 năm trước, khi Báo Tiền Phong mở chuyên trang biến đổi khí hậu, nhiều người thắc mắc, tại sao lại Báo quan tâm đến một vấn đề xa xôi, không thực tế. “Thời gian qua đã cho chúng ta thấy, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang ầm ập tác động đến cuộc sống của mỗi chúng ta, gia đình chúng ta với nắng nóng, hạn hán, mưa lớn, bão lũ, băng tan, nước biển dâng. Chúng ta có thể thấy tác động rõ nhất từ tác động của cơn bão YAGI tháng 9 vừa qua đến miền Bắc. Đây đang là vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu", nhà báo Lê Minh Toản nói.
Ông chia sẻ thêm, những tác động nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu nhắc nhở mỗi chúng ta phải quyết liệt hành động để bảo vệ không gian sống của chính chúng ta.
“Nằm trong dòng chảy đó, Báo Tiền Phong mạnh dạn mở cuộc thi này. Chúng tôi lấy tên cuộc thi là Giấc Mơ Xanh với mong muốn cuộc thi sẽ khởi thức tình yêu môi trường trong mỗi người để mỗi chúng ta nâng niu từng mầm sống, quan tâm đến từng hành vi để chung tay cùng bảo vệ môi trường, biến giấc mơ xanh thành hiện thực xanh”, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong nói.
Ban tổ chức chụp ảnh cùng các tác giả nhận giải. Ảnh: Duy Phạm.
Thay mặt Ban tổ chức, nhà báo Lê Minh Toản cảm ơn đến Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham gia chỉ đạo, phối hợp tổ chức Cuộc thi, cảm ơn đội ngũ ban giám khảo đã dành nhiều thời gian, công sức để lựa chọn ra được những tác phẩm xuất sắc nhất bằng sự công tâm, trách nhiệm.
Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong đặc biệt cảm ơn các tác giả đã gửi tác phẩm dự thi với nhiều câu chuyện hay, lay động, góp phần lan toả tình yêu môi trường thiên nhiên. "Hành trình của cuộc thi khép lại nhưng chúng tôi hy vọng, tất cả các tác giả tham dự cuộc thi, đặc biệt là những người được vinh danh trong lễ trao giải ngày hôm nay tiếp tục là những đại sứ về môi trường, lan toả những hành vi đẹp, lối sống xanh, để cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta và gia đình chúng ta", đại diện Báo Tiền Phong chia sẻ.
Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/hinh-anh-ve-bao-ve-moi-truong-a85869.html