Bao giờ hết cỏ nước Nam…

Bao giờ hết cỏ nước Nam…

Hằng năm, Lễ hội truyền thống tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh được người dân khắp xứ Nam kỳ lục tỉnh tổ chức trong 3 ngày 27, 28, 29/8 Âm lịch; tùy theo từng địa phương mà tổ chức quy mô lớn nhỏ khác nhau. Nhưng tất cả đều có điểm chung là bằng tất cả tấm lòng thành kính dâng lên vị anh hùng dân tộc được tôn kính làm Thành hoàng bổn cảnh, bảo vệ dân chúng trong từng làng, xã; được thờ phụng tại hầu hết các đình làng hiện nay.

Năm nay, tại đền thờ chính ở TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang sẽ làm lễ từ ngày 21 đến 24/9 (nhằm ngày 26 - 29 Âm lịch), với nhiều hoạt động lễ và hội có quy mô lớn, đa dạng, phong phú, vì 2 năm qua do dịch Covid-19 nên không tổ chức được. Theo ghi nhận, mỗi ngày tại đền chính có hàng trăm du khách từ các nơi đổ về chiêm bái và tôi cũng là một trong số đó, riêng các ngày lễ có cả ngàn người về dự.

Mặc dù chưa tới ngày lễ nhưng đã có hàng trăm người dân từ các tỉnh Cà Mau, Long An, An Giang và các huyện của Kiên Giang “khăn gói” tề tựu về đây làm “công quả” phục vụ ngày giỗ của ông bằng tất cả tấm lòng thành kính đối với vị anh hùng dân tộc trong thời kỳ chống thực dân Pháp.

Bao giờ hết cỏ nước Nam…

Lễ hội truyền thống kỷ niệm 150 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hi sinh.

NGƯỜI CON TRUNG DŨNG, KIÊN CƯỜNG

Từ thuở còn nhỏ, lũ học trò chúng tôi đã từng nằm lòng câu chuyện “ngọn lửa hồng Nhựt Tảo” thiêu rụi tàu Tây và “kiếm bạc Kiên Giang” làm khiếp vía quân thù qua 2 câu thơ:

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần

Lúc đó, tôi thiệt tình không biết ai sáng tác ra 2 câu thơ đầy khí phách như thế này nhưng biết là nói về ông Nguyễn Trung Trực mưu trí đốt cháy tàu giặc trên sông và sau đó còn “làm nên” nhiều chiến tích mà sử sách còn ghi lại.

Thật sự cái đám học trò miền quê sông nước chúng tôi rất “khoái” trong lòng và luôn ngưỡng mộ ông cùng nghĩa quân kiên cường chống giặc ngoại xâm. Có lúc, tôi còn ngu ngơ “ước gì” mình được sinh ra trong thời ấy để góp sức cùng ông sẽ đánh bại quân thù. Lớn hơn chút, tôi quyết tâm tìm kiếm tài liệu về ông để đọc và để học tấm gương đầy hào khí trước kẻ thù…

Bao giờ hết cỏ nước Nam…

Khi thực dân Pháp tấn công vào thành Gia Định năm 1859, ông đã tham gia vào đội nghĩa binh kháng chiến và được cử về hoạt động chống Pháp trên địa bàn phủ Tân An và phối hợp tác chiến với Trương Định. Ông từng đoạt giải quán quân võ đài tại Cai Tài, phủ lỵ Tân An. Võ sinh các môn phái tham gia võ đài đều tôn Nguyễn Văn Lịch làm thủ lĩnh Dân quân tham gia đánh giặc Pháp.

Năm 1861, ông chiêu mộ một số đông nông dân nổi dậy đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An. Nhờ lập được nhiều công lao, ông được triều đình nhà Nguyễn phong chức Quản cơ nên còn gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch.

HỎA HỒNG NHỰT TẢO

Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Trung Trực về Tân An. Thành Định Tường thất thủ, quân Pháp kiểm soát vùng Mỹ Tho, thường cho những tàu chiến vừa chạy tuần tra vừa làm đồn nổi di động. Một trong số đó là chiếc tiểu hạm L'Espérance (Hi Vọng), án ngự nơi vàm Nhựt Tảo (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An).

Vào sáng ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tổ chức đám cưới giả phục kích đốt cháy chiến hạm L'Espérance. Trận này đã tiêu diệt 17 lính và 20 cộng sự người Việt, chỉ có 2 lính Pháp và 6 lính đánh thuê Philippines trốn thoát; bên ta có 4 nghĩa quân hy sinh được triều đình truy tặng và làng Nhật Tảo được trợ cấp vì bị quân địch đốt cháy.

Bao giờ hết cỏ nước Nam…

Mô hình mô phỏng lại trận Nhật Tảo (1861) nhân lễ kỷ niệm 150 năm ngày mất của Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại tỉnh Long An năm 2018.

Sau lần đốt được tàu L’Espérance của Pháp, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tiếp tục chiến đấu qua lại trên các địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Khi Hòa ước Nhâm Tuất 1862 được ký, ba tỉnh miền Đông lọt vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Trung Trực phối hợp với lãnh binh Trương Định đánh giặc Pháp. Sau khi Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định hy sinh, triều đình hối thúc rời 3 tỉnh miền Đông nên ông Nguyễn đem quân về miền Tây lập căn cứ nhiều nơi chống Pháp.

KIẾM BẠC KIÊN GIANG

Đầu năm 1867, ông được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng ông chưa kịp đến nơi thì thành này đã bị quân Pháp chiếm mất.

Không theo lệnh triều đình rút quân ra Bình Thuận, Nguyễn Trung Trực đem quân về lập mật khu ở Sân chim (tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) kháng Pháp với danh hiệu Dân chúng tự vệ và đổi tên thành Nguyễn Trung Trực (từ đây ông không còn liên quan gì tới triều đình nhà Nguyễn nữa). Từ nơi này, ông lại dẫn quân đến Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương) lập thêm căn cứ kháng Pháp.

Bao giờ hết cỏ nước Nam…

Ở Kiên Giang, sau khi nắm được tình hình của đối phương và tập trung xong lực lượng; vào 4 giờ sáng ngày 19/6/1868, Nguyễn Trung Trực bất ngờ dẫn quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành) đánh úp đồn Kiên Giang (nay là khu vực UBND tỉnh Kiên Giang), do Trung úy Sauterne chỉ huy.

Kết thúc trận, nghĩa quân chiếm được đồn, tiêu diệt được 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày liền.

Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh, trong đó có Chủ tỉnh Rạch Giá cùng vài sĩ quan khác bị xử lý ngay tại trận.

Ngày 21/6/1868, Pháp mang binh từ Vĩnh Long qua tiếp cứu và phản công, ông phải lui quân về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn nhằm chống đối phương lâu dài.

KHÍ PHÁCH TRỜI NAM

Sau những chiến công vang dội của Nguyễn Trung Trực, giặc Pháp “thất điên bát đảo” điên cuồng truy sát ông và nghĩa quân. Chúng tàn sát 700 người dân Rạch Giá để trả thù trận tấn công đồn đó, treo giải thưởng 500 đồng và quan chức cho ai bắt được ông hoặc dâng thủ cấp. Độc ác hơn, chúng bắt mẹ ông, đồng bào và trẻ con mà mỗi ngày chúng đem bắn mấy người, bắn cho đến khi nào ông ra hàng mới thôi.

Trước tình huống Nhân dân bị tàn sát, nghĩa quân bị núng thế, thuốc súng không còn… ông quyết định chọn lấy sự hy sinh nộp mình cho giặc, hầu cứu lấy nghĩa quân và Nhân dân khỏi bị tàn sát. Bọn Pháp hí hửng vì bắt được ông, giở trò đối xử tử tế, rút quân và đưa ông từ Rạch Giá về Sài Gòn.

Bao giờ hết cỏ nước Nam…

Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Phú Quốc.

Suốt chặng đường một ngày một đêm, chúng cố hết sức khuyên ông theo Pháp để hưởng vinh hoa phú quý, chức tước, lợi lộc nhưng không lay chuyển ông được. Ngày 27/10/1868, nhà cầm quyền Pháp đưa ông ra pháp trường tại Rạch Giá hành hình.

Trước khi chết Nguyễn Trung Trực đã dõng dạc nói với quân Pháp: “Bao giờ nước Nam hết cỏ, thì mới hết người Nam đánh Tây”.

NGƯỠNG MỘ VÀ TÔN THỜ

Sau khi ông bị hành hình, dân chúng cảm thương nên đã bí mật thờ ông như một vị anh hùng trong đền thờ Nam Hải đại vương (cá Ông hay cá Voi), chính là ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá hiện nay.

Ngôi mộ ông nằm trong khuôn viên, từ cổng nhìn vào, ở bên trái đình. Ngôi mộ bằng xi măng, hình chữ nhật, mà phía sau là một tấm bia cao khoảng 2 m, rộng hơn 1 m, trên khắc chữ: Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868).

Năm 1970, Nhân dân địa phương đã lập tượng Nguyễn Trung Trực bằng đồng, màu đen đặt trước "chợ nhà lồng" Rạch Giá (cũ). Hiện nay, tượng thờ này được sơn lại màu nâu đỏ và di dời vào trong khuôn viên khu đền thờ của ông tại TP. Rạch Giá. Năm 2000, người ta đã cho làm một tượng mới cũng bằng đồng lớn hơn, màu xám để thay thế.

Bao giờ hết cỏ nước Nam…Ngôi mộ của anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Nhiều tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long... Nhân dân đã lập đền thờ ông và hằng năm đều tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể. Đình và ngôi mộ của ông nơi này được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 06/12/1989.

Tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, nơi diễn ra trận "Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa" của Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu Pháp, chính quyền và Nhân dân đã khánh thành Đền tưởng niệm Nguyễn Trung Trực trên khu đất rộng 6 ha vào ngày 14/10/2010 và tổ chức lễ giỗ lần đầu tiên vào ngày 11,12/9/2011.

Tại Phú Quốc có đến hai đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực, một tại Gành Dầu và một tại Cửa Cạn.

Đền thờ tại Gành Dầu là nơi ông bị bắt trong cuộc chiến cuối cùng nhằm tỏ lòng biết ơn vị anh hùng bất khuất. Ngôi đền với kiến trúc giản dị nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đến năm 2016, ngôi đình được xây mới vô cùng khang trang và rộng lớn nhưng vẫn mang nét trang nghiêm nằm cạnh ngôi đình cũ.

Đền thờ tại Cửa Cạn là ngôi đền thứ hai được xây dựng để tưởng nhớ anh hùng Nguyễn Trung Trực. Năm 2017, đền được xây mới với kiến trúc điển hình theo ngôi đền truyền thống Việt Nam.

Tên ông được đặt cho nhiều trường học và đường phố trên cả nước, đặc biệt, cũng là tên của một phường ở quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Bao giờ hết cỏ nước Nam…

Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Phú Quốc.

NGHĨA CỬ MIỀN TÂY

Kể từ ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, trước đây là lễ giỗ nay đã trở thành một lễ hội truyền thống đặc sắc của người dân Nam Bộ. Hằng năm, bắt đầu từ tháng Tám Âm lịch, nhất là trước lễ giỗ chính thức 5 - 7 ngày, hàng ngàn người từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã kéo về... để làm “công quả”.

Họ chung tay sửa sang đền thờ, dựng trại, đắp lò nấu cơm... thành tâm như con cháu lo cúng giỗ cho ông bà vậy. Nhiều người tiếp tục nấu cơm, rửa bát đũa, dọn dẹp cho đến hết lễ hội 3 đến 5 ngày mới quay về nhà. Người đến đình thần này như được trở về gia đình, làm giỗ tổ tiên mình… Truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta đã thể hiện rất rõ qua tấm lòng của Nhân dân đối với ông.

Trong lễ giỗ, mọi người đóng góp là tùy tâm, tùy cách. Các bà, các chị buôn bán ở chợ thì thường 5 đến 7 người góp gạo, rau cho đủ một chuyến xe, cứ nhờ một xe nào ở gần, nói là gửi cho đền cụ Nguyễn là đảm bảo số hàng trên được chuyển đến nợi chu đáo mà không lấy tiền chuyên chở.

Bao giờ hết cỏ nước Nam…

Chương trình Lễ hội truyền thống tưởng niệm 154 năm Anh hùng đân tộc Nguyễn Trung Trực tại TP. Rạch Giá

Hôm tôi đến viếng đền, đang lững thững trong khung viên và trò chuyện cùng anh Năm Sang quê ở Thoại Sơn, An Giang qua làm “công quả”, thật bất ngờ được một cậu bé “trao” mỗi người 1 bọc khoai mì nấu chín. Chốc sau, thêm một cô bé mang đến “tặng” chai nước lọc. Hỏi ra mới biết người dân nơi đây có “cách làm” từ thiện của riêng mình.

Không phô trương, ồn ào nhưng việc làm này diễn ra hằng ngày và kéo dài từ sau miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay. Quả là một việc làm đầy ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc của người phương Nam, rất đáng trân trọng.

Trong và sau lễ giỗ khoảng 3 đến 5 ngày, người dân tự nguyện kê lò, chẻ củi ở một khu riêng trong đền để nấu cơm chay phục vụ miễn phí cho tất cả khách đến dự lễ. Cơm và thức ăn được dọn lên mâm, ai đói cứ việc ăn, ăn xong có người dọn dẹp. Nhà bếp phục vụ bà con từ 3 giờ sáng đến 12 giờ đêm hằng ngày. Gạo và thức ăn do người dân hỷ cúng, năm nào sau lễ giỗ có dư thì Ban quản lý đem tặng lại cho những người nghèo.

Bao giờ hết cỏ nước Nam…Chuẩn bị thuốc nam miễn phí cho người dân.

Dì Út Dung làm “công quả” hơn 40 năm nay kể, mấy ngày giỗ chính, nhà bếp phục vụ hơn 1.000 suất cơm/ngày hoàn toàn miễn phí. Trong đền còn có nơi mắc võng sẵn, ai mệt thì ra đó nằm nghỉ, nước uống cũng có sẵn luôn. Khách xa đi thành đoàn nếu có nhu cầu còn được Ban Quản lý bố trí chỗ ngủ chu đáo, an toàn và miễn phí.

Chị Ánh Hồng ở Long An năm nào cũng về đền thờ làm “công quả” cho biết, chúng tôi về đây làm tiếp nhà bếp. Khách ăn đông, làm mệt nhưng bù lại rất vui. Có lẽ chỉ ở lễ giỗ cụ Nguyễn mọi người mới được bình đẳng trước mâm cơm như thế. Giàu có hay sang hèn đến đâu cũng đều được phụ vụ chu đáo.

Bao giờ hết cỏ nước Nam…Chuẩn bị củi để phục vụ nấu nướng trong các ngày Lễ.

Nhiều du khách trong đoàn đến từ Nha Trang, Bến Tre, Tây Ninh… chứng kiến cảnh này cứ tâm đắc mãi và hứa hẹn cùng tôi năm tới sẽ sắp xếp về đây để cùng làm “công quả” với mọi người.

Lễ hội truyền thống tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh thật sự là biểu tượng tinh thần của người dân trên vùng đất Tây Nam Bộ. Lễ hội này đã gắn liền với quá trình khai hoang mở mang bờ cõi, ăn sâu vào tiềm thức của người dân, gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng và là đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu của những cư dân phương Nam.

Từ sâu thẳm trong tâm thức của mình và tin chắc là của nhiều người, tôi cùng nhiều du khách về đây thành tâm viếng lễ, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận buồm xuôi gió, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Bao giờ hết cỏ nước Nam…

Toàn cảnh Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Bình Định.

Bài viết: HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/cau-noi-bao-gio-nguoi-tay-nho-het-co-nuoc-nam-thi-moi-het-nguoi-nam-danh-tay-la-cua-ai-a65272.html