“Bố lên Hà Nội ngay, con rút hồ sơ rồi. Con muốn học y” - chị Dung gọi điện thoại cho bố, quả quyết nói. Quyết định này được đưa ra chỉ sau 2 tuần nhập học ngành Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội. 2 tuần ấy, chị Dung nói dài đằng đẵng, bởi đi học nhưng trong đầu chỉ toàn là sự dằn vặt: “Vậy là mình không thể thành bác sĩ được nữa, không thể thực hiện ước mơ nữa”.
“Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, bố chị vội vã phóng xe máy 125km từ Nam Định lên Hà Nội, dắt díu con gái sang Trường Đại học Y Hà Nội xin chuyển hồ sơ theo học.
Khoảnh khắc này, được xem là bước ngoặt trong cuộc đời bác sĩ Phạm Thị Việt Dung.
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung sinh năm 1980, quê huyện Xuân Trường, Nam Định. Chị hiện là Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội; kiêm Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai.
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung cũng được biết đến là cô trò nhỏ giỏi giang, là “người kế vị” xuất sắc của Giáo sư Trần Thiết Sơn (nguyên Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội) - giáo sư đầu ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Việt Nam.
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội; kiêm Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Nguyễn Liên)
"Hồi bé, tôi đã thích tập làm bác sĩ"
- Suýt chút nữa chúng ta đã không có “bác sĩ Phạm Thị Việt Dung” - một bác sĩ xuất sắc trong ngành Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nếu ngày ấy chị không đưa ra quyết định mạo hiểm, khi sinh viên các trường đã ổn định việc học được 2 tuần và rất có thể trường Y sẽ không chấp nhận hồ sơ. Điều gì thôi thúc chị quyết tâm theo đuổi ngành y?
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung: Tôi thích ngành y từ hồi còn rất nhỏ, bởi ảnh hưởng từ bố tôi. Ông là một bác sĩ đa khoa, tự mở phòng khám gia đình. Mặc dù xét về địa vị xã hội, ông không phải người thành công, nhưng trong mắt tôi ông là thần tượng lớn. Ông uyên bác, biết nhiều, hiểu rộng, hay làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo và được rất nhiều bệnh nhân yêu quý.
Hồi bé, tôi đã thích tập làm bác sĩ giống như bố. Mấy chục năm trước trẻ con nông thôn không có bộ đồ chơi bác sĩ như ngày nay, tôi thường cùng những đứa trẻ khác trong xóm chơi đóng vai như đưa con đi khám bệnh, đưa bà bầu đi sinh,... Tôi luôn đóng vai bác sĩ và thường lấy gai bòng giả làm kim tiêm để tiêm cho các bạn. Có lần, cô hàng xóm dẫn con sang “bắt đền” vì gai bòng làm đau tay con họ.
Năm 1998, học xong lớp 12, chúng tôi được thi 3 trường đại học. Tôi chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội, ngành Công nghệ Sinh học của Đại học Quốc gia Hà Nội và trúng tuyển cả 3 trường.
Mẹ tôi thích con gái học Sư phạm vì nghề này ổn định, chỉ học 4 năm, trong khi học Y kéo dài tới 6 năm, học sau đại học nữa là thành 9-10 năm. Bà sợ con gái ế chồng (cười). Còn bố tôi lại thích ngành Công nghệ Sinh học bởi đây là ngành mới, nhiều tiềm năng, cơ hội rộng mở và cũng nhẹ nhàng hơn làm bác sĩ. Có thể làm trong ngành Y, ông biết có nhiều vất vả nên không muốn con gái theo ngành của ông.
Đến ngày nhập học, ông chở thẳng tôi đến Đại học Quốc gia Hà Nội, vào phòng tiếp đón để đăng ký. Ông “huy động” mọi nguồn lực thuyết phục tôi, từ các cô, các bác trong nhà, thậm chí cả cô giáo ở phòng Đào tạo cùng phân tích để tôi thay đổi ý định vào trường Y. Tôi cũng “xuôi xuôi” và đồng ý nhập học. Nhưng suốt 2 tuần sau đó, trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ: “Vậy là mình không thể thành bác sĩ được nữa, không thể thực hiện ước mơ nữa”. Thế là, tôi quyết định tự rút hồ sơ và gọi điện cho bố: “Bố lên Hà Nội ngay, con rút hồ sơ rồi”.
Bố tôi buộc phải lên, hai bố con dắt díu nhau sang Trường Đại học Y Hà Nội xin học. Vì các bạn đã vào học được 2 tuần, thầy Trưởng phòng Đào tạo phải gọi điện cho thầy Tôn Thất Bách (Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nôi khi ấy) để xin ý kiến chỉ đạo về trường hợp của tôi. Thầy Bách hỏi: “Bạn này được bao nhiêu điểm?”. Ngày ấy, Trường Đại học Y Hà Nội thi đề riêng, đề rất khó nên điểm chuẩn chỉ khoảng 16-17 điểm. Tôi được 23 điểm, chỉ thấp hơn Thủ khoa của trường không đáng kể. Thầy Bách đã đồng ý nhận tôi vào học.
- Sau 6 năm học đại học, vì sao chị lại định hướng theo chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ? Đầu những năm 2000, Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ chưa phải ngành “hot”, được nhiều người biết tới như hiện nay.
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung: Tôi nghĩ đó là một cái duyên. Khi tôi học năm cuối trường Y, bố tôi bị tai nạn chấn thương sọ não, phải nằm Bệnh viện Việt Đức ròng rã cả tháng. Vào viện chăm ông, tôi gặp được các anh là bác sĩ nội trú Phẫu thuật tạo hình đang học ở Việt Đức. Đó là lần đầu tiên tôi nghe về chuyên ngành này.
Sẵn thích các chuyên ngành Ngoại khoa, lại biết Phẫu thuật tạo hình cần sự linh hoạt, khéo léo, sáng tạo nên tôi càng thấy thích. Một sự trùng hợp nữa là sau khi bố tôi ra viện, ông bị các mảng loét tì đè do nằm điều trị lâu. Và Phẫu thuật tạo hình cũng là chuyên ngành có thể giúp ông điều trị những tổn thương này.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, tôi đi học định hướng Phẫu thuật tạo hình 1 năm, tới năm 2005 học bác sĩ Nội trú chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung cùng đồng nghiệp
Vất vả nằm nhiều hơn ở mảng phẫu thuật tạo hình
- Vừa là Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, vừa kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, một ngày của chị trôi qua như thế nào?
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung: Tôi thường ra khỏi nhà lúc 6h sáng và về nhà khoảng 9-10h tối các ngày trong tuần, trừ chủ nhật. Nếu không phải là việc quan trọng, tôi kiên quyết không làm chủ nhật, vì muốn dành 1 ngày cuối tuần cho gia đình (cười).
Buổi sáng ra khỏi nhà, đến họp giao ban rồi khám bệnh, tham gia phẫu thuật hoặc đi giảng, thông thường qua trưa. Bữa trưa thường bắt đầu lúc 1-2h chiều, cứ quanh quẩn guồng quay đó. Về nhà, cũng có những đêm tôi thức làm việc, viết báo cáo để trình bày tại hội nghị, hoặc viết báo, làm các đề tài khoa học, chuẩn bị bài giảng.
Chuyên ngành của chúng tôi là Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, sẽ bao gồm cả phẫu thuật tạo hình tái tạo (cho những bệnh nhân bị khuyết, chưa hoàn hảo về mặt hình thể hay chức năng do chấn thương, dị tật bẩm sinh, ung thư phải cắt bỏ) và phẫu thuật thẩm mỹ (cho người khỏe mạnh bình thường muốn thay đổi diện mạo để đẹp hơn). Những vất vả nằm nhiều hơn ở mảng phẫu thuật tạo hình.
Ca mổ dài nhất và khó nhất thường là vi phẫu thuật - tức là chuyển các vạt tổ chức từ nơi này đến nơi khác để tái tạo lại cơ quan, bộ phận; hoặc nối lại những bộ phận đứt rời. Ngoài việc kết hợp xương với gân, cơ, bác sĩ cũng phải nối các mạch máu thần kinh dưới kính hiển vi điện tử. Các thao tác cần rất tỉ mỉ nên mất nhiều thời gian, có những ca mổ kéo dài tới 6-10 tiếng, phải phối hợp cùng nhiều chuyên khoa.
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung trong các ca phẫu thuật tạo hình
- Gần 20 năm chị theo nghề bác sĩ Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, trong suốt quãng thời gian làm nghề, đâu là trường hợp bệnh nhân chị ấn tượng nhất?
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung: Có rất nhiều bệnh nhân khiến tôi ấn tượng. Một trong những trường hợp tôi nhớ nhất là cháu bé chưa đầy 3 tuổi, bị ô tô chèn qua chân gây tổn khuyết phần mềm, lộ xương rất lớn ở cẳng chân, được chúng tôi xử trí cách đây vài năm. Tổn khuyết này thực sự là thách thức đối với bác sĩ tạo hình, bởi cẳng chân sẽ bị cắt cụt nếu không có các kỹ thuật tạo hình chuyển vạt da, cơ che phủ, trong khi đó những phẫu thuật này thường kéo dài, phẫu tích tỉ mỉ các mạch máu nuôi da cơ nên rất khó khăn khi thực hiện trên bệnh nhi.
Tắc mạch vạt da chuyển tới nơi tổn thương làm cuộc phẫu thuật thất bại thực sự là nguy cơ rất cao. Và trong lần phẫu thuật đầu tiên, chúng tôi đã thất bại.
Khi vạt da có diễn biến xấu cũng là lúc tôi cùng đoàn bác sĩ phẫu thuật đang chờ qua cửa kiểm soát hải quan để đi hội nghị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại ánh mắt lo lắng, bất lực của học trò, thầy tôi - Giáo sư Trần Thiết Sơn đã kiên quyết nói: “Tất cả quay về, cứu bằng được cái chân của con”. Lúc đó, chẳng ai thấy tiếc chuyến đi với bao tiền phí đã trả: vé máy bay, phí hội nghị, phí đặt phòng... mà chỉ lo cách cứu cái chân cho bệnh nhi. Chúng tôi lại cùng bé trải qua cuộc phẫu thuật dài ngay trong đêm.
Sự kiên quyết của thầy tôi, sự cố gắng của các bác sĩ đã được đền đáp xứng đáng. Sau này, khi nhận được video mẹ em bé gửi, thấy con hồn nhiên tung tăng chạy trên con đường quê bằng chính đôi chân mình, tôi rất xúc động.
Hay đó là một cô bé người dân tộc bị nơ vi hắc tố bẩm sinh khổng lồ chiếm hết nửa bên mặt. Trong lần đi phẫu thuật nhân đạo, chúng tôi đã giúp cô bé loại bỏ mảng da “đen sì, xấu xí” đó, giúp con tới trường với sự tự tin và yêu đời. Một lần tình cờ nghe điện thoại của cô bé, tôi sững người khi cô bé thỏ thẻ "Mẹ Dung ơi!".
Mới đây, tôi nhận được đoạn tin nhắn rất dài của một bệnh nhân ung thư vú, phải cắt bỏ ngực vì bệnh. Chị đã trải qua quãng thời gian dài đau khổ, mặc cảm, bị chồng ruồng rẫy bởi khiếm khuyết của cơ thể. Chị nói việc tái tạo lại ngực đã giúp chị lấy lại tinh thần, để sống tốt hơn, mạnh mẽ hơn và vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Đó là những câu chuyện nhỏ, nhưng khiến tôi cảm thấy rất cảm động.
Bác sĩ Dung trò chuyện cùng một bệnh nhân, sau khi người bệnh đã "tìm lại được cuộc sống" nhờ phẫu thuật tạo hình
"Tôi là học trò bị Giáo sư Trần Thiết Sơn mắng nhiều nhất"
- Giáo sư Trần Thiết Sơn chắc hẳn là người có ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc đời và sự nghiệp của chị. Đâu là điều chị học được nhiều nhất từ người thầy của mình?
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung: Thầy là người đầu tiên giúp tôi, cũng là người tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi có thể học tập và công tác tốt. Tôi rất ngưỡng mộ những điều thầy tôi đã làm, ngưỡng mộ sự sáng tạo, say mê, nhiệt huyết với công việc. Thầy mê việc lắm, suốt ngày thấy thầy ôm máy tính. Cứ có ca khó, ca hay, thầy phải “lùng sục” để tìm cho ra. Thầy không ngại khó khăn, không ngại rủi ro thất bại và cũng rất nghiêm túc - nghiêm túc trong công việc, trong điều trị bệnh, trong đào tạo và trong nghiên cứu khoa học, cho đến bây giờ vẫn thế. Đó là những điều tôi học được từ thầy.
Nhưng thầy cũng khắt khe lắm, chắc bác sĩ Dung là học trò bị mắng nhiều nhất (cười).
Luận văn nội trú của tôi được các thầy khác nức nở khen, còn thầy sau khi đọc xong chỉ phê mỗi câu “Thất vọng!”. Tôi nhớ mãi. Dù làm tốt rồi, nhưng thầy vẫn muốn tôi cố gắng hơn, làm tốt hơn nữa. Đó là cách làm của thầy - dìm học trò xuống để cố phải bơi.
Hồi tôi còn học nội trú, tôi chưa biết cách viết một bài báo khoa học như thế nào, chưa biết báo cáo hội nghị ra sao. Thầy giao luôn: “Đây nhé, mấy hôm nữa báo cáo hội nghị, chuẩn bị bài đi”.
Hay có đợt, đoàn Mỹ sang mổ 1 ca chuyển vạt vi phẫu, mạch rất nhỏ. Chuyên gia người Mỹ rất cáu kỉnh vì mạch nhỏ quá, nguy cơ thất bại cao. Thầy bảo tôi: “Này xuống đi, nhảy vào làm đi”. Thế là trước con mắt của các chuyên gia Mỹ cùng rất nhiều người, tôi cực kỳ áp lực. Nếu như thất bại thì ngại lắm vì mình “cướp dao” của họ rồi. Ngoài việc cứu bệnh nhân ra, đó còn là cái nhìn của chuyên gia nữa.
Nhờ những tình huống như vậy mà tôi mới có được kinh nghiệm và sự trưởng thành.
GS Trần Thiết Sơn cùng PGS.TS Phạm Thị Việt Dung trong một ca mổ
GS Trần Thiết Sơn, PGS.TS Phạm Thị Việt Dung cùng đồng nghiệp
- Nhiều người nói rằng, với nhu cầu làm đẹp ngày nay, bác sĩ Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ là nghề “hái ra tiền”? Chị có thể trả lời về “tin đồn” này?
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung: Thực ra đúng là thu nhập của bác sĩ Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ có thể được coi là tốt. Tuy nhiên, để đạt được điều đó cũng phải đạt đến một “độ chín” nhất định trong nghề và tuổi nghề cũng không dài như những ngành khác. Ví dụ, một người làm kinh doanh, tới 70 tuổi, thậm chí 80 tuổi vẫn có thể làm chủ nhà hàng, chủ tịch hội đồng quản trị. Nhưng một bác sĩ cầm dao mổ sẽ chỉ đến một thời điểm nhất định.
Nếu nói giàu hơn các ngành khác thì cũng chưa chắc. Như nhiều bạn bè tôi làm các ngành khác đã có nhà lầu, xe hơi từ hồi rất trẻ. Tôi nghĩ rằng dù là nghề nào, để đạt được sự “giàu” ấy, người ta đều phải đánh đổi bằng việc lăn lộn kiếm sống, vất vả từ lúc học hành.
Như khi học trường Y, những ngày 8/3, 20/10, các bạn ở trường khác tung tăng đi chơi thì chúng tôi vẫn tranh nhau chỗ ngồi ở giảng đường để học, ôn thi. Vì không học thì thi trượt. Rồi đến khi ra trường, đi làm, để “giàu” được cũng phải vất vả làm thêm ngoài giờ. Bởi làm trong bệnh viện chỉ đủ đáp ứng cuộc sống hàng ngày, khó mà giàu được.
"Tôi nghĩ rằng khi nhiệt huyết, yêu nghề, mọi điều tốt đẹp khác sẽ đến: kiến thức sẽ đến, kinh nghiệm đến, bệnh nhân đến, tiền và sự thành công cũng sẽ đến. Đam mê thì nhất định sẽ có thành quả", PGS.TS Phạm Thị Việt Dung nói.
Không phải cứ phẫu thuật xong là có thể “kê cao gối ngủ”
- Có những khó khăn, vất vả nào đằng sau sự hào nhoáng của nghề bác sĩ Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mà chúng tôi chưa được biết?
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung: Riêng mảng tạo hình thì nhiều vất vả lắm. Ví dụ đêm hôm, bệnh nhân đứt rời ngón phải đến nối ngay chứ làm sao mà dừng được? Và phải huy động được ekip nhiều người, một người không làm được. Rồi những ca vi phẫu 6 tiếng, 10 tiếng liên tục, liên tiếp. Chúng tôi cũng phải đối mặt với nguy cơ thất bại.
Mảng phẫu thuật thẩm mỹ bớt vất vả hơn về sức, nhưng lại có chút áp lực về tâm lý, bởi liên quan đến sự hài lòng của người bệnh. Mổ không hỏng mà bệnh nhân không hài lòng thì họ cũng càm ràm, bắt đền. Rất nhiều thứ phức tạp chứ không phải bác sĩ cứ làm xong rồi “kê cao gối ngủ”. Có thể mổ xong, hôm nay bình thường nhưng đến tận năm sau mới bất thường, bệnh nhân quay lại bắt đền. Đó là những stress mà chúng tôi phải đối mặt.
Và tâm lý của người đi làm phẫu thuật thẩm mỹ cũng rất khác so với người bệnh ngoại khoa thông thường. Ví dụ bệnh nhân chấn thương sọ não, họ xác định lên bàn mổ là “cửa tử”, bắt buộc phải chấp nhận rủi ro, không có sự lựa chọn nào khác, sẽ khác so với phẫu thuật thẩm mỹ cho người đang khỏe mạnh, đang có cuộc sống phơi phới. Nếu rủi ro thì coi như sự nghiệp phẫu thuật viên chấm hết, nên cũng có áp lực.
- Nhưng chắc hẳn nghề này cũng đem đến cho chị rất nhiều niềm vui?
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung: Đúng là như vậy! Tôi nghĩ nghề bác sĩ Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của chúng tôi may mắn hơn nhiều so với các bác sĩ của nhiều chuyên ngành khác. Như Gây mê hồi sức hay Huyết học, các bác sĩ cứu sống thành công rất nhiều người, nhưng môi trường làm việc cũng không tránh khỏi tiếp xúc với những bệnh nhân rất nặng mà bác sĩ phải “lực bất tòng tâm”. Tâm lý của họ khi làm việc sẽ nặng nề hơn so với chuyên ngành này.
Ở chuyên ngành này, kết thúc thường là bệnh nhân liền thương, bệnh nhân đẹp hơn, tốt hơn và vui vẻ ra viện. Những vấn đề hình thể, chức năng ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh được giải tỏa, cả bệnh nhân và bác sĩ cùng vui.
Khi nhiệt huyết, yêu nghề, mọi điều tốt đẹp khác sẽ đến
- Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ rõ ràng ở thời điểm này đang là một trong những ngành “hot”, được nhiều người định hướng theo đuổi. Chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ muốn theo nghề này?
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung: Thực ra mỗi người sẽ có một quan điểm khi chọn nghề. Ví dụ, nhiều người cho rằng trước khi chọn phải tìm hiểu thật kỹ xem cơ hội như thế nào, tiềm năng phát triển ra sao. Còn tôi lại là người hơi cá tính. Cho nên khi chọn nghề, kể cả sau này chọn chồng cũng vậy, tôi đều thích là làm thôi (cười).
Nhưng quan điểm của tôi là dù làm gì, đã làm thì phải làm cho nghiêm túc, hết mình. Và chuyên ngành nào cũng đều có thể gặt hái được thành công nếu chăm chỉ, cố gắng đầu tư tâm huyết, đầu tư tình cảm, công sức. Còn nếu chỉ “học chơi chơi”, chỉ chọn vì nhìn thấy hào quang xung quanh thì rất dễ thất bại. Không phải cứ chọn một ngành dễ thì sẽ dễ, chọn ngành nhiều hào quang thì sẽ nhận được nhiều hào quang. Những kết quả đạt được đều phải đến từ sự cố gắng.
Trong bài thuyết trình tại Hội đồng Giáo sư ngành Y học vừa qua, tôi cũng nhắc đến 3 điều giúp mình có được ngày hôm nay. Đó là “sự nỗ lực, sự tử tế và may mắn”. Nếu không tử tế, tôi sẽ không thể nhận được những cơ hội mình đã có. Nếu không nỗ lực thì có cơ hội cũng không thể tận dụng. Và nếu không may mắn gặp được những người thầy, những người bạn rất tốt, tôi cũng không thể có được ngày hôm nay.
Tôi nghĩ rằng khi nhiệt huyết, yêu nghề, mọi điều tốt đẹp khác sẽ đến: kiến thức sẽ đến, kinh nghiệm đến, bệnh nhân đến, tiền và sự thành công cũng sẽ đến. Đam mê thì nhất định sẽ có thành quả.
- Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Thị Việt Dung đã chia sẻ!
Nguyễn Liên
Nguồn: Báo điện tử Đại Biểu Nhân Dân
Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/bac-si-tham-my-a65072.html