Luật hoa quả

“Con nhỏ đó nó giật chồng người khác làm chồng mình, giờ chồng nó lại cặp bồ nữa rồi…”

“Thì luật hoa quả có chừa một ai !!!”

"Luật hoa quả" là một sáng tạo của hot TikToker Bông Tím thông qua một clip ngắn xuất hiện khoảng năm ngoái. Theo đó, cụm từ này chỉ những người muốn làm giang hồ mạng nhưng nhát gan, muốn dọa người khác nhưng sợ bị đánh lại.

Do đó, thay vì nói thẳng là luật nhân quả, Bông Tím nói giảm thành "luật hoa quả", cũng có nghĩa giống nghĩa gốc, tức là gieo nhân nào sẽ nhận quả đó, ở hiền ắt sẽ gặp lành, còn ác giả ác báo.

Ngay sau khi đoạn clip trở nên viral trên mạng xã hội, gen Z ngay lập tức tạo nên một “vũ trụ hoa quả” từ câu nói dân gian và dùng nó khi muốn cảnh cáo ai đó khi muốn làm “yang hồ” nhưng trời sinh “lá gan hơi bé”.

Tuy nhiên, cụm từ "luật hoa quả" thường áp dụng với những tình huống dở khóc dở cười, hài hước, thay vì nghiêm túc, chủ yếu mang tính châm biếm hài hước về một sự vật, sự việc sai trái mà mọi người có thể suy đoán được hậu quả ngay tức thì.

Ảnh: Thiếu niên

Ảnh: Thiếu niên

Đi cùng cụm từ “luật hoa quả” thì các loại trái cây như táo và nhãn lồng hay được nhắc đến. “Quả táo” là cụm từ nói trại của quả báo, “quả táo nhãn lồng” là cách nói nhẹ nhàng, hài hước của quả báo nhãn tiền, một câu răn đe mà các cụ nhà ta ngày xưa vẫn thường hay sử dụng.

Ví dụ điển hình trong trường hợp này, khi có ai đó làm gì sai với bạn thì bạn sẽ nói: “Cứ sống sai với tôi đi, rồi quả táo sẽ đến với bạn. Luật hoa quả không chừa một ai đâu”. Chung qui lại đây là cách nói trại đi các cụm từ thông dụng vốn dùng để nói về cách đối nhân xử thế ở đời.

Dù có nguồn gốc thế nào đi chăng nữa thì "luật hoa quả", "quả táo nhãn lồng"... cũng là đều là những cách chơi chữ mang ý nghĩa hài hước mà các bạn trẻ muốn sử dụng để tăng thêm niềm vui cho cuộc sống.

“Luật hoa quả” và “quả báo nhãn lồng” đều là những ngôn ngữ mạng được giới trẻ sáng tạo và dùng để vui đùa nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lạm dụng các cụm từ này bởi không phải ai cũng có thể hiểu hết ý nghĩa của chúng.

Bởi vậy, các bạn trẻ nên dùng cụm từ “luật hoa quả”, “quả táo nhãn lồng” hay bất kỳ từ lóng nào một cách cẩn trọng, hợp lý, đúng hoàn cảnh, đúng đối tượng và có chừng mực để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như mang lại hiệu quả giao tiếp tốt nhất.

Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/luat-hoa-qua-la-gi-a61139.html