Thức ăn được tiêu hóa như thế nào?

Hệ tiêu hóa là nơi cơ thể phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng có thể được hấp thụ vào cơ thể. Hiểu về quá trình thức ăn được tiêu hóa như thế nào thì bạn sẽ biết cách ăn uống hợp lý để tiêu hóa tốt hơn.

1. Các cơ quan của hệ tiêu hóa

Các cơ quan trong hệ tiêu hóa tạo thành một liên kết từ miệng tới hậu môn. Các cơ quan này gồm thực quản, dạ dày, ruột non (tá tràng, hỗng tràng, hồi tràng) và ruột già (ruột kết, trực tràng và hậu môn). Ngoài ra, còn có các cơ quan khác là một phần của hệ tiêu hóa gồm gan, túi mật và tuyến tụy. Không chỉ vậy, hệ tiêu hóa còn là nơi chứa lượng lớn vi khuẩn (hệ vi sinh vật đường ruột), giúp tiêu hóa một số loại thức ăn.

2. Chi tiết quá trình tiêu hóa thức ăn ở người

Quá trình cơ thể tiêu hóa thức ăn ở người diễn ra tuần tự như sau:

2.1 Ở miệng

Miệng thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, nghiền xé và nhào trộn thức ăn với nước bọt để tạo thành viên nuốt. Quá trình tiêu hóa ở miệng bao gồm hành động nhai và nuốt. Vì phản xạ nuốt là tự động nên khi ăn, con người phải nhai kỹ để không bị nghẹn.

Dịch tiêu hóa ở miệng là nước bọt được tiết ra bởi các tuyến nước bọt. Nước bọt là một chất lỏng có tính kiềm, giúp làm mềm thức ăn, làm ẩm miệng và hỗ trợ quá trình nuốt. Ngoài ra, nước bọt còn chứa enzyme amylase - bắt đầu phân hủy carbohydrate trong miệng.

Kết quả tiêu hóa ở miệng: Chưa phân giải các chất protid và lipid, phân giải một phần nhỏ tinh bột chính thành đường maltoza. Vì thời gian thức ăn lưu lại trong miệng chỉ khoảng 15 - 18 giây (rất ngắn) nên sự phân giải không đáng kể, chưa có hiện tượng hấp thu.

2.2 Ở thực quản

Trong quá trình tiêu hóa thức ăn ở người, thức ăn trong miệng được nuốt, đẩy qua thực quản theo nguyên lý co thắt và giãn cơ (nhu động ruột) cho tới khi nó đi đến cơ thắt thực quản dưới. Đây là một van kiểm soát thức ăn di chuyển từ thực quản vào dạ dày, ngăn không cho nó trào ngược trở lại thực quản.

2.3 Ở dạ dày

Trong quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày thì dạ dày được coi là một bể chứa với các thành cơ rất khỏe. Các cơ này co lại để di chuyển thức ăn và trộn thức ăn với nhau. Dịch dạ dày có chứa nhiều men tiêu hóa như:

Ngoài ra, dạ dày còn có chứa axit HCl với các tác dụng như:

Dạ dày có 2 loại chất nhầy (chất hòa tan trong dịch vị và chất không hòa tan cùng bicacbonat), tạo thành một màng dai phủ kín toàn bộ niêm mạc dạ dày và hành tá tràng. Chúng cùng với bicacbonat giúp trung hòa acid, bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi bị tổn thương bởi acid và pepsin.

Kết quả của quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày là thức ăn được biến thành một chất nhuyễn (vị trấp). Trong đó, 10 - 20% protid được phân giải thành các polypeptid ngắn hơn. Bên cạnh đó, một phần lipid đã nhũ hóa, phân giải thành monoglycerid và acid béo. Chỉ còn glucid hầu như chưa được tiêu hóa vì dạ dày không có men tiêu hóa glucid. Do đó, quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày chỉ là bước chuẩn bị cho các giai đoạn tiêu hóa tiếp theo ở ruột non.

2.4 Ở ruột non

Từ dạ dày, thức ăn bán tiêu hóa (vị trấp) được đưa đến tá tràng - phần đầu tiên của ruột non bằng cách đi qua cơ thắt môn vị.

Tiêu hóa ở ruột non chính là giai đoạn quan trọng nhất của quá trình tiêu hóa ở người. Ở ruột non, thức ăn được phân giải thành các chất đơn giản nhất nhờ tác dụng của dịch tụy, dịch mật và dịch ruột.

Tuyến tụy (dài khoảng 25cm, nằm sau dạ dày trong ổ bụng) sản xuất dịch tụy, trong đó có các enzyme tiêu hóa protid, lipid, glucid. Dịch tụy tiết vào tá tràng qua nhú tá tràng (ống tụy Vater). Dịch tụy thủy phân tới trên 80% lượng glucid trong thức ăn.

Mật là chất lỏng màu vàng lục, được gan tạo ra, giúp tiêu hóa chất béo. Chất duy nhất có trong dịch mật có tác dụng tiêu hóa là acid mật. Các acid mật tồn tại dưới dạng muối kết hợp với kali hoặc natri, còn gọi là muối mật. Muối mật có nhiệm vụ nhũ hóa lipid, tăng diện tích tiếp xúc của lipid với men lipase, giúp tiêu hóa lipid. Ngoài ra, muối mật còn tạo micell giúp hòa tan các sản phẩm thủy phân lipid, các vitamin tan trong dầu, cho phép cơ thể hấp thụ chúng dễ dàng hơn. Mật cũng tạo môi trường kiềm ở ruột, kích thích nhu động ruột, ức chế các vi khuẩn lên men thối ở phần trên ruột non.

Dịch ruột có đủ các men tiêu hóa protid, lipid và glucid. Các men này đảm nhiệm giai đoạn cuối cùng của quá trình tiêu hóa, biến các chất dinh dưỡng còn lại ở ruột non thành các phân tử đơn giản rồi hấp thu chúng.

Sau quá trình tiêu hóa ở ruột non, thức ăn biến thành một chất đặc sền sệt và nhuyễn (dưỡng chấp). Trong đó, protid đã được thủy phân gần như hoàn toàn, biến thành các axit amin; lipid gần như hoàn toàn biến thành glycerol, acid béo và một số chất khác; hơn 90% glucid thủy phân thành glucose, galactose và fructose. Các chất này cơ thể đều có khả năng hấp thụ được. Còn lại lõi tinh bột, chất xơ và phần nhỏ chất gân,... chưa được tiêu hóa sẽ chuyển qua van hồi manh tràng đưa xuống ruột già.

Quá trình tiêu hóa thức ăn ở người tại ruột non

2.5 Ở gan và túi mật

Máu từ ruột non mang các chất dinh dưỡng tới gan để xử lý. Ví dụ là glucose từ quá trình phân hủy thức ăn, được đưa đến gan, lưu trữ dưới dạng glycogen. Các chất dinh dưỡng khác cũng được đưa đến gan bao gồm glycerol và axit amin. Ngoài ra, như ở phần trên, gan còn có chức năng tiết ra mật, sau đó được lưu trữ, tập trung trong túi mật.

2.6 Ruột già (ruột kết)

Các chất dinh dưỡng đã được hấp thụ vào cơ thể từ ruột non, các chất thải sẽ được chuyển vào ruột già. Ruột già được cấu thành từ manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng. Ruột thừa gắn vào manh tràng.

Các chất thải từ ruột non đi vào ruột già dưới dạng chất lỏng, dần dần trở nên rắn hơn khi nước và muối được ruột già hấp thụ. Chất nhầy được tiết ra để hỗ trợ di chuyển phân đến trực tràng. Phân được lưu trữ trong đại tràng sigma cho tới khi nhu động ruột đẩy chúng vào trực tràng và đưa ra khỏi cơ thể.

Trong hệ tiêu hóa còn có hệ vi sinh vật. Hệ vi sinh vật đường ruột là quần thể vi sinh vật đa dạng sống trong hệ tiêu hóa, lót trong ruột. Nồng độ cao nhất của vi sinh vật trong ruột người là ở ruột già. Hệ vi sinh vật gồm nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Một số vi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và thu hoạch năng lượng từ thức ăn mà chúng ta không thể tiêu hóa. Ví dụ, một số vi khuẩn đường ruột có thể lên men chất xơ không tiêu hóa được trong ruột già. Ngoài ra, các vi khuẩn trong ruột già cũng có thể tổng hợp các vitamin mà con người không thể tự sản xuất được.

Quá trình điều tiết nước bọt, dịch tụy, dịch mật, dịch dạ dày và dịch ruột phụ thuộc vào cơ chế thần kinh, thể dịch và vỏ não. Khi cơ thể khỏe mạnh, tâm lý lạc quan, các loại dịch sẽ tiết ra nhiều hơn và tiêu hóa tốt hơn. Do đó, bạn nên tạo không khí vui tươi khi ăn uống và chế biến những món ăn hấp dẫn để cả nhà ăn uống ngon miệng hơn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mydr.com.au

Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/nhung-loai-chat-nao-trong-thuc-an-con-can-duoc-tieu-hoa-o-ruot-non-a60727.html