200 năm để thực hiện một giấc mơ
Eo biển Manche với chiều rộng 34km, đã chia cắt hai quốc gia Anh và Pháp từ nhiều thế kỷ trước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thế giới, nhu cầu giao lưu kinh tế toàn châu Âu trở nên cấp thiết, thì eo biển Manche vô tình đã trở thành điểm cản trở giao lưu nghiêm trọng.
Ý tưởng giúp Anh chấm dứt những tháng ngày là một hòn đảo cô độc giữa đại dương thông qua việc đào một đường hầm tới Pháp đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 18. Ngày đó, kỹ sư của Hoàng đế Pháp Napoleon Đệ Nhất, ông Albert Mathieu, đã lên kế hoạch xây dựng đường hầm dưới Eo biển Manche lần đầu tiên vào năm 1802, với hình dung về một lối đi ngầm có những ống thông gió vượt trên những ngọn sóng.
20 năm sau đó, kỹ sư Pháp Aimé Thomé de Gamond bắt đầu công việc khảo sát địa chất và thủy văn giữa thành phố Calais với Dover. Nhưng mãi tới năm 1856 chuyên gia này mới đệ trình lên Hoàng đế Napoléon III kế hoạch về một tuyến đường sắt đi từ mũi Gris Nez tới Eastwater Point.
Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand phê chuẩn Hiệp định Canterbury, mở đường cho việc xây dựng đường hầm qua eo biển Manche. Ảnh: AFP.
Tiếc là, dự án của Thomé de Gamond đã "chết yểu" trước lo sợ của công luận Anh cho rằng, nhịp cầu Anh - Pháp sẽ tạo điều kiện cho quân Pháp dễ đổ bộ lên đất Anh. Năm 1875, kế hoạch nối liền Anh với lục địa lại được hồi sinh. Năm 1881, dự án đã đi xa thêm một bước: cả Anh lẫn Pháp đều đã bắt đầu khoan đường hầm. Nhưng khi đào được hơn 1.000m, dự án này lần thứ hai đắp chiếu do London lo sợ biên giới đường bộ này đe dọa trực tiếp đến an ninh, quốc phòng của Anh.
Phải đợi đến năm 1955, lập luận về quốc phòng, an ninh giữa Anh và Pháp mới được coi là không còn thích hợp. Khi đó Paris và London lại phục hồi các chương trình khảo sát kỹ thuật và địa chất của dự án xây dựng đường hầm dưới lòng biển. Năm 1973, chính phủ hai nước tài trợ cho một công trình xây dựng đường sắt. Nhưng chỉ hai năm sau đó phía Anh rút lui.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Anh - Pháp đầu tiên diễn ra vào ngày 10-9-1981, dự án xây một đường hầm hay một cây cầu bắc qua biển Manche mới được Tổng thống Pháp Francois Mitterrand và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tái khởi động. Khi "bật đèn xanh" cho dự án này, cả Tổng thống Francois Mitterrand và Thủ tướng Margaret Thatcher muốn xây một hầm đường bộ. Tuy nhiên, cuối cùng thiết kế hầm đường sắt mang tên Eurotunnel lại được lựa chọn.
Ngày 12-2-1986, Thủ tướng Margaret Thatcher và Tổng thống Francois Mitterrand đã phê chuẩn Hiệp định Canterbury đưa dự án nối liền Anh với phần còn lại của lục địa châu Âu trở thành hiện thực.
Ông John Noulton, sau này là giám đốc truyền thông của tập đoàn phụ trách xây dựng đường hầm Eurotunnel, nhớ lại: "Trong vòng gần 200 năm, đã có 139 dự án về tuyến giao thông nối liền Anh - Pháp được đưa ra nhưng đều không được thực hiện, không chỉ vì những khó khăn kỹ thuật mà trên hết, đó là do những rào cản về văn hóa và chính trị, chủ yếu từ phía Anh. Tuy nhiên, cuối cùng dự án xây dựng đường sắt mang tên của Tập đoàn tư nhân Eurotunnel đã chính thức được thông qua".
Ngay trong lễ ký, Chính phủ của Thủ tướng Thatcher cương quyết từ chối tài trợ cho dự án tốn kém này. Do vậy, toàn bộ chi phí xây dựng đều do tập đoàn Eurotunnel đảm nhiệm.
Thách thức trên công trường thế kỷ
Năm 1988, việc thi công đường hầm chính thức được bắt đầu. Vì đường hầm chạy trong lòng đất dưới đáy biển Manche nên cần xác định tầng địa chất phù hợp để đào đường hầm. Các nhà địa chất đã chọn tầng đá phấn xanh không ngấm nước và dễ khoan, dễ đào. Tầng đá này đoạn sâu nhất nằm dưới 100m so với mực nước biển và được ngăn cách với nước biển bằng một tầng đá phấn trắng, còn bên dưới là tầng đất sét vàng.
Các máy móc phục vụ công trình đều được đặt theo thiết kế riêng. Biểu tượng của công trường thế kỷ này là 11 máy khoan đường hầm được chế tạo tại Mỹ và Nhật, 6 máy cho công trường bên Anh và 5 máy cho công trường bên Pháp. Mỗi máy khoan dài 200m, nặng tới hơn 1.000 tấn, có giá tới 50 triệu euro/máy. Tại mỗi ca làm việc, mỗi máy khoan do 35 kỹ sư, công nhân phụ trách. Một triệu tấm bê tông ốp đường hầm có chất lượng đặc biệt, chắc bền hơn cả bê tông dùng trong các nhà máy điện hạt nhân. Mỗi tấm bê tông nặng hơn cả một chiếc xe tải.
Cú bắt tay lịch sử giữa kỹ sư Philippe Cozette và kỹ sư Graham Fagg trong ngày thông hầm 12-12-1990. Ảnh: AFP.
Về phía Pháp, một công trường được hình thành trên một khu vực rộng 800 ha, nằm giữa Sangatte và Coquelles, cách thành phố Lille 120 km. Do nền đất phía Pháp thiếu ổn định, có nhiều vết nứt gãy nên các kỹ sư phải chọn phương án "chậm mà chắc". Sau một năm, khi đội Anh đào được 4 km đường hầm thì nhóm nhân công Pháp mới đào được 1km. Địa chất phức tạp đã khiến Pháp phải nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia Nhật và Mỹ. Nhiều người coi đây là "công trường của cả hành tinh".
Một thách thức lớn là làm thế nào để khoan đường hầm đúng hướng, đảm bảo hợp nhất được hai tuyến đường hầm đào từ hai đầu eo biển Manche, trong khi không thể sử dụng GPS dưới lòng đại dương. Chỉ một sai sót nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Trong quá trình khoan đường hầm, đội thi công của Pháp đã đo đạc chuẩn xác hơn, còn đội Anh bị chệch hướng tới 4m. Vào những ngày cao điểm, có tới 15.000 kỹ sư, công nhân làm việc trên hai công trường. Do tính chất công việc khó nhọc, nặng nề, nên nhân công đều là nam giới. Sự hiện diện của nữ giới chỉ nằm ở tên gọi những chiếc máy khoan như Brigitte, Catherine, Europa …
Ngày 12-12-1990, 2 năm sau khi khởi công công trình, đường hầm kỹ thuật dưới biển Manche được thông nối, trong tiếng reo hò và cả những giọt nước mắt sung sướng của các kỹ sư, công nhân Pháp và Anh.
Cú bắt tay lịch sử giữa kỹ sư Philippe Cozette, đại diện cho ê-kíp Pháp và kỹ sư Graham Fagg đại diện cho ê-kíp Anh diễn ra vào đúng 12 giờ, 12 phút, 12 giây. Lễ thông đường hầm đã được phát trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình. Hai đoạn đường hầm chỉ lệch nhau 6cm tính theo chiều dọc và 35 cm theo chiều ngang. Hai nước Anh - Pháp đã lập kỳ tích lịch sử! Đoạn đường hầm kỹ thuật do Pháp đào dài 15,6km, còn người Anh đào được 22,3km. Sáu tháng sau, hai đường hầm đường sắt cũng được thông nối.
Công trình thế kỷ
Sau khi các đường hầm được hoàn tất, công tác xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Eurostar mới được khởi động. Năm 1993, hệ thống đường sắt đã được hoàn tất. Ngày 6-5-1994, Nữ hoàng Anh Elisabeth II cùng với Tổng thống Pháp Francois Mitterrand chính thức cắt băng khánh thành đường hầm dưới biển Manche (phía Pháp gọi là "Tunnel sous La Manche", còn Anh gọi là "Channel Tunnel") nối liền thành phố Folkeston của Anh với Coquelles của Pháp.
Đường hầm Tunnel sous La Manche gồm ba đường hầm nhỏ, mỗi đường dài 50km, trong đó có 38km chạy xuyên dưới đáy biển. Hai đường hầm song song hai bên với đường kính 7,6m dành cho tuyến đường sắt cao tốc. Đường hầm ở giữa, hẹp hơn, có đường kính 4,8m dành cho kỹ thuật, có nhánh chạy ngang thông sang với hai đường hầm dành cho đường sắt, vừa giữ vai trò là hệ thống thông gió, vừa là đường thoát hiểm trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn đường sắt.
Tàu hỏa ra khỏi đường hầm qua eo biển Manche. Ảnh: Reuters."Tunnel sous La Manche" phục vụ 4 phương tiện giao thông chính: tàu cao tốc Eurostar chở khách từ Paris tới Luân Đôn, băng qua biển Manche chỉ trong vòng 35 phút; tàu hỏa chuyên chở hàng hóa từ nhiều thành phố lớn ở châu Âu tới các thành phố ở nước Anh chủ yếu chạy vào ban đêm. Trung bình, mỗi ngày có tới hơn 300 chuyến tàu chạy qua. "Tunnel sous La Manche" đã trở thành con đường không thể thiếu để kết nối nước Anh với phần còn lại của châu Âu.
Vượt qua mọi khó khăn, trong hơn hai thập niên qua, hơn 350 triệu lượt du khách, 60 triệu chiếc xe và 300 triệu tấn hàng đã sử dụng công trình xây dựng này. Nhờ có đường hầm xuyên biển Manche mà ngày nay đã có hơn 2.500 người Anh sang định cư hẳn ở vùng Côte d'Opale, miền Bắc nước Pháp, gần ngay cửa ngõ biên giới hai nước. Tập đoàn Eurotunnel cũng đã đầu tư và tạo 6.500 công việc làm tại Coquelles, biến ngôi làng nhỏ bé với 1.000 dân hơn 20 năm trước thành một vùng đất trù phú nằm sát cạnh một thành phố lớn là Calais.
Đường hầm qua eo biển Manche đã hiện thực hóa ước mơ sau 200 năm của người Anh và người Pháp, là đỉnh cao của trí tưởng tượng và óc sáng tạo của con người, cũng như là thành quả của nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn và công nghệ cao. Và trên hết, đường hầm - vốn cho phép rút ngắn thời gian đi từ Luân Đôn sang Paris chỉ còn 2 giờ 15 phút, góp phần đưa hai dân tộc Anh, Pháp xích lại gần nhau và làm thay đổi bộ mặt của châu Âu - là công sức lao động trong suốt 8 năm trời của hàng chục ngàn công nhân, kỹ sư thuộc 200 ngành nghề khác nhau.
Đường hầm qua eo biển Manche đã được Hiệp hội kỹ sư tư vấn toàn cầu trao tặng "Giải thưởng cơ khí toàn cầu của Thế kỷ". Năm 1996, Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Mỹ (American Society of Civil Engineers) xác định đường hầm Eo biển Manche là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
Yên Bình/CAND
Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/duong-ham-giao-thong-duoi-bien-mang-so-noi-lien-chau-au-luc-dia-voi-quoc-gia-nao-sau-day-a60681.html