Được mệnh danh là vùng đất của những đỉnh núi cao ngút ngàn, Lai Châu có tới 6 ngọn núi, nằm trong top 10 đỉnh núi hùng vĩ, hiểm trở bậc nhất Việt Nam như Fansipan, Tà Xùa, Lảo Thẩn, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn,... Ngoài những cái tên vừa được kể, Lai Châu còn sở hữu một ngọn núi sừng sững, trấn giữ ranh giới của đất nước với sự hùng vĩ, bền bỉ bao nhiêu năm từ khi đất nước hình thành cho tới tận bây giờ, đó là Pu Si Lung. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm đến, ước mơ chinh phục của những người đam mê trekking và các phượt thủ. Nếu bạn cũng là một trong số đó, đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây để biết thêm về những điều cần biết khi trải nghiệm tại ngọn núi hùng vĩ này.
Đỉnh núi Pu Si Lung có độ cao 3080m - là ngọn núi đứng thứ 2 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam (chỉ sau Fansipan). Đây là ngọn núi cao nhất án ngữ nơi biên cương tổ quốc. Pu Si Lung nằm gần với mốc biên giới số 42 thuộc địa phận xã Pa Vệ Sử - Mường Tè (Lai Châu). Nhiệt độ ở đây khá khắc nghiệp cùng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mang đến màu sắc đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Nếu nói rằng rừng đỗ quyên ở đâu đẹp nhất thì chắc phải kể đến rừng đỗ quyên ở Pu Si Lung. Khoảng 5 tiếng đi trong rừng đỗ quyên, nếu tính cả đi lẫn về là 10 tiếng, vào mùa hoa nở (tháng 2-3-4) đây là một trải nghiệm cực kỳ tuyệt vời... Theo các chuyên gia đánh giá, đây được coi là đỉnh núi khó chinh phục nhất vì hành trình lên núi quá dài. Chính vì vậy, ngọn núi này chỉ phù hợp với những ai yêu thích mạo hiểm, khám phá và đủ sức lực dẻo dai.
Xem thêm bài viết: Top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam Nếu như Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương thì Pu Si Lung cũng được nhắc tới như nóc nhà của ải biên giới Việt Nam.
Nói về thời điểm du lịch, thì đến Pu Si Lung bạn có thể đặt chân tới đây bất cứ khi nào. Bởi mỗi một mùa đều có những đặc trưng riêng, mang tới những điều thú vị riêng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm đi Pu Si Lung thì mùa xuân và mùa hè sẽ là thời điểm tuyệt nhất. Bởi lúc này không gian thiên nhiên tươi mới, mang tới cảnh sắc đẹp, lãng mạn hơn bao giờ hết. Còn mùa đông thì ít người chinh phục Pu Si Lung hơn, tuy thời tiết mát mẻ, nhưng cảnh sắc không có gì nổi bật. Bởi mùa đông ở đây hiếm khi có tuyết rơi, nên cảnh vật khô cằn, không phù hợp cho việc tham quan, ngắm cảnh.
Đối với Pu Si Lung nổi tiếng với trải nghiệm Trekking và khám phá thiên nhiên. Thế nhưng, với những người chưa có kinh nghiệm du lịch Pu Si Lung thì khó có thể khám phá nơi đây một cách trọn vẹn được. Vì vậy, bạn đừng bỏ lỡ những trải nghiệm tuyệt vời này nhé.
Là ngọn núi có độ cao đứng thứ 2 ở Việt Nam, ngoài ra còn nằm ở khu vực biên giới Việt - Trung nên khi leo Pu Si Lung đoàn cần chuẩn bị giấy tờ cá nhân để xin giấy phép leo núi. Hiện nay những đoàn phượt chạm tay đến đỉnh Pu Si Lung là rất ít, do nơi đây địa hình trắc trở và không phải lúc nào cũng dễ dàng xin được giấy phép. Nếu quyết tâm, việc đầu tiên là bạn cần chuẩn bị chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ do công an xã, phường thị trấn nơi cư trú cấp (đó có thể là giấy tạm vắng hoặc giấy giới thiệu của đơn vị công tác). Sau đó, bạn mang chúng đến Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu trên đường Hoàng Văn Thái, thành phố Lai Châu vào giờ hành chính để xin giấy phép. Giấy này sẽ được trình báo tại đồn biên phòng xã Pa Vệ Sử và bạn sẽ được đồn bố trí người dẫn đường đến cột mốc 42 và đỉnh Pu Si Lung. Một điều quan trọng khi xin giấy phép từ Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lai Châu là bạn phải nói rõ mục đích, nội dung, thời gian, danh sách người, phương tiện, phạm vi hoạt động ở vành đai biên giới. Việc bạn khai báo càng chi tiết, sẽ tạo được sự tin tưởng và càng dễ xin hơn. Lưu ý: Khi chưa có giấy phép bạn không nên đi chui. Vì đây là hành động trái pháp luật, nếu bạn gặp bất trắc gì khi đi Trekking, sẽ không ai hỗ trợ giải quyết cho bạn. Cùng với đó, đây là ngọn núi liên quan tới chính trị, quân sự giữa 2 nước, nên có những nguy hiểm khó có thể nói trước được.
Nổi tiếng là đỉnh núi khó và gian nan, để tới được đây bạn sẽ phải mất một chuyến đi dài ngày và chia làm nhiều chặng đường khác nhau.
Phương tiện cá nhân: Nếu sử dụng phương tiện cá nhân, từ Hà Nội các bạn có thể chọn di chuyển qua đường 32 đi Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Than Uyên rồi đến Lai Châu (quãng đường khoảng 420km). Cung này thích hợp cho chuyến khám phá Nghĩa Lộ hay ngắm mùa lúa chín ở Mù Cang Chải. Cung thứ 2 là đi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, sau đó lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ để sang Lai Châu. Phương án này quãng đường đi giảm khoảng 40-50km.
Phương tiện công cộng: Lai Châu cách Hà Nội khoảng gần 500km, rất thuận tiện để bạn bắt xe khách Hà Nội - Lai Châu tại bến xe Mỹ Đình, cũng có một số hãng có xe xuất phát từ bến xe Giáp Bát. các bạn có thể tham khảo: Xe đi Than Uyên (Giờ xuất bến : 6h30; 10h00; 12h30;13h15; 14h30), xe đi Mường Tè (Giờ xuất bến : 5h30; 6h15; 7h00), xe đi Sìn Hồ (Giờ xuất bến : 6h00; 13h30), xe đi Mường So Giờ xuất bến : 12h)...
Sau khi tới được Lai Châu, bạn xuất phát đi tới thị trấn Mường Tè (Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 130km). Với quãng đường này du khách có thể lựa chọn đi xe khách ở bến xe Lai Châu hoặc thuê xe máy đi phượt tới Mường Tè cũng được. Tùy theo nhu cầu và sở thích du lịch của từng người mà bạn có thể lựa chọn phương tiện sao cho phù hợp. Lưu ý: Đường đi tới Mường Tè khá vất vả, có những cung đường sỏi đá chỉ đi được 10 - 15km/h thôi nhé. Vì thế, nếu có thể hãy thuê Porter hoặc người dân địa phương thành thạo đường ở đây đi cùng.
Tiếp tục từ trung tâm thị trấn Mường Tè, bạn di chuyển tới đường biên phòng Pa Vệ Sử (Khoảng 27km). Tới đây, bạn xin các anh biên phòng cho ngủ nhờ 1 đêm để dưỡng sức, sáng hôm sau dậy sớm tiếp tục hành trình chinh phục núi Pu Si Lung.
Núi Pu Si Lung là vùng núi cao, vì thế ở đây không có bán đồ ăn trên dọc đường đi Trekking đâu nhé. Vì vậy, kinh nghiệm du lịch Pu Si Lung tự túc, thuận lợi bạn nên chuẩn bị sẵn lương thực từ nhà đi. Hoặc có thể mang theo các món đặc sản ở Lai Châu để vừa được tham quan, vừa được khám phá ẩm thực sẽ thú vị hơn rất nhiều. Một số món ăn phù hợp như xôi tím, pa pỉnh tộp, lợn cắp nách, cá bống vùi tro, rêu đá nướng... Ngoài ra, khi du khách Trekking Pu Si Lung, có thể trải nghiệm đi bắt cá suối và dựng lều cắm trại, thưởng thức bữa BBQ ngay trong rừng cũng rất tuyệt.
Dưới đây là danh sách mà WETREK đã liệt kê những vật dụng cần thiết bạn cần chuẩn bị cho mỗi hành trình leo núi trọn vẹn, an toàn. Để tận hưởng hành trình tuyệt vời nhất, hãy kiểm tra xem bạn đã mang đủ các đồ như trong danh sách này chưa nhé!
Những đồ dùng cần thiết khi leo Pu Si Lung
Pusilung, cái tên đã trở nên quen thuộc với cộng đồng người yêu thử thách và thiên nhiên hoang dã. Nằm ở vị trí thứ hai về độ cao tại Việt Nam, Pusilung được biết đến như một trong những núi khó nhất và đầy thách thức. Nhiều lời đánh giá và câu chuyện về hành trình chinh phục núi này đã khiến nhiều người tò mò và muốn thử sức. Nhiều người tự hỏi liệu việc chinh phục đỉnh Pusilung thực sự khó khăn như những đồn đại hay không?
Theo những người đã từng trải qua hành trình leo núi, Pusilung không chỉ đòi hỏi sự dũng cảm và đam mê, mà còn cần sự rèn luyện về thể lực và tâm hồn. Nhiều bài review và comment cho thấy 50%-60% dân leo núi đã từ bỏ trước sự khó khăn của Pusilung. Họ quyết định dừng lại, chọn những điểm đẹp và dễ dàng hơn để thư giãn. Tuy nhiên, còn lại 20%-30% vẫn quyết tâm leo núi và đối mặt với mọi khó khăn, còn 10%-20% còn lại là những người gan dạ, đầy máu liều, quyết tâm chinh phục Pusilung. Pusilung như một hành trình đầy khó khăn, đầy thử thách và không dành cho bất kỳ ai. Và Tôi, Hùng Lê và những người Bạn đã có một hành trình chinh phục Pu si lung đầy ấn tượng.
Đoàn của chúng tôi, gồm 8 người, tổ chức hành trình bắt đầu tại Ecopark từ 18h00. Mặc dù là lần đầu gặp mặt nhau, nhưng tinh thần đoàn kết và đam mê chinh phục núi cao đã thúc đẩy chúng tôi tiến lên. Đoàn đến Mường Tè vào lúc 6h30 sáng, cả đoàn ăn sáng và gặp gỡ các porter từ Phong Thổ sang (vì ở trong Pa Vệ Sử, Mường Tè người La Hủ không làm porter nên các đoàn đi Pusilung đều phải thuê porter từ Phong Thổ hoặc các huyện khác sang) và sau khi vệ sinh, ăn sáng, cà phê… đến 7h30 đoàn di chuyển khoảng hơn 1 giờ 30 phút từ Thị Trấn Mường Tè lên Pa Vệ Sử. .
Từ trung tâm xã Pa Vệ Sử đến Nhà Máy Thủy Điện Nậm Xí Lùng 1 có khoảng cách chưa đầy 8km, tuy nhiên, đoạn đường này khá gian khó. Xe ô tô 16 chỗ chỉ có thể tiến vào một phần của đoạn đường, trong khi xe bán tải và xe có 2 cầu có thể di chuyển dễ dàng hơn. Vì không thể dự đoán trước tình hình, và một số người địa phương cho biết xe ô tô có thể tiến vào, nhưng chỉ khoảng 4km là đường đã khó đi hơn. Vì vậy, một số thành viên của đoàn quyết định tiếp tục đi bộ, trong khi số còn lại được porter tăng bo bằng xe máy vào điểm xuất phát.
Cho đến 10h30 sáng, đoàn đã tập trung đầy đủ tại Nhà Máy Thủy Điện Nậm Xí Lùng 1 và bắt đầu chuẩn bị đồ đạc cho cuộc hành trình sắp tới. Lúc 10h40, nhóm đầu tiên đã sử dụng dịch vụ xuồng để di chuyển qua hồ chứa thuộc khu vực nhà máy thủy điện đến điểm xuất phát cho cuộc leo núi. Mặc dù gọi là xuồng, thực tế đây chỉ là một cấu trúc làm từ tấm ván ép đặt trên một khung sắt, với 4 thùng nhựa rỗng đặt ở 4 góc để giữ cho xuồng nổi. Mỗi lần xuồng chỉ chở được 3-4 người, và họ thu phí khoảng 50-60k mỗi người để sử dụng dịch vụ này. Sau khi tập kết xong, khoảng 11h15 cả đoàn bắt đầu hành trình chinh phục Pusilung.
Đến 11h45 thì đoàn đến một con suối lớn, rất đẹp, có hồ nước mát lạnh, porter đề xuất nghỉ ăn trưa tại suối, nhưng do xuất phát muộn nên đoàn tiếp tục lên đường để đảm bảo đến lán không bị trời tối. Di chuyển tiếp khoảng 30 phút nữa thì đến 1 bãi đất khá bằng phẳng, cả đoàn dừng lại ăn trưa. Đồ ăn trưa vẫn đơn giản là xôi, cơm nắm, giò, chả… ăn trưa xong, nghỉ ngơi 15 phút đoàn tiếp tục hành trình.
Từ điểm dừng ăn trưa team trek khoảng hơn 1 tiếng nữa thì đến lán ông bà già La Hủ và ai nói Pusilung hardcore là thật, vì từ điểm trek Nhà Máy Thủy ĐIện đến lán ông bà già La Hủ là các dốc liên tục, thỉnh thoảng mới có một đoạn đường bằng ngắn.
Sau khi check in lán ông bà già La Hủ, team tiếp tục hành trình với những con dốc dài dằng dặc khác. Những tưởng lên hết dốc sẽ tới lán nghỉ nhưng không phải, lán nghỉ của Pusilung lại nằm gần bờ suối, nên đoạn cuối của ngày thứ nhất là lại xuống dốc đến chùn chân. Team leo khỏe, đến được lán lúc khoảng 15h50, team leo với tốc độ trung bình đến lán lúc 16h, team yếu hơn đến lán lúc 16h30 khi trời vẫn còn rất sáng.
Lán Pusilung nằm trong vành đai biên giới, nên lán gần như là một chốt biên phòng của đồn biên phòng Pa Vệ Sử. Buổi tối đầu tiên trên lán chúng tôi ăn lẩu gà, bò, rau porter đã chuẩn bị sẵn,ngoài ra còn thêm 2 lít rượu nữa. Buổi tối thật vui vẻ và chúng tôi còn có cơ hội sang bàn bên cạnh giao lưu với các nhóm leo khác phải đến 22h mới đi ngủ.
Chúng tôi đã lên lịch thức dậy lúc 4:00 sáng để vệ sinh cá nhân và ăn sáng trước khi khởi hành lên đỉnh. Lúc 5h15, khi chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình chinh phục đỉnh Pusilung, bầu trời và cảnh vật vẫn chìm trong bóng tối, và chúng tôi phải dùng đèn để chiếu sáng con đường. Đoạn đường tiếp theo đầy những con dốc dài và ít đoạn đường bằng phẳng. Khi ánh nắng ban mai xuất hiện, cảnh quan xung quanh chúng tôi bắt đầu hiện ra.
Rừng núi Tây Bắc xuất hiện với những ngọn núi cao và vẻ đẹp mê hoặc, với những vạt rừng xanh mướt và đám mây mờ dần nhấn nhá trên những đỉnh núi xa xôi. Trong suốt chặng đường, chúng tôi đã bắt gặp vô số cảnh đẹp mà chẳng ai có thể chối từ. Tuy nhiên, cảnh đẹp thực sự của Pusilung chính là điều kỳ diệu mà chúng tôi đã khám phá sau hơn 3 giờ đi bộ. Ở độ cao này, rừng cây thường bị phủ kín bởi sương mù quanh năm, tạo nên một bức tranh rừng rêu kỳ bí và ma mị. Đoạn này thực sự là cực kỳ thú vị với nhiều điểm chụp ảnh đẹp, mỗi góc nhìn đều đẹp đến tận hồn, và đôi khi bạn chỉ muốn dừng lại để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp này. Đoạn này thì cực nhiều điểm chụp ảnh đẹp, cứ giơ điện thoại lên là auto có cảnh đẹp.
Hôm lên đỉnh thời tiết không ủng hộ team lắm khoảng 8:30 trời bắt đầu mưa lác đác và đến 10:00 khi đã gần lên đỉnh hơn thì trời mưa nặng hạt hơn. 10h00 chúng tôi đến ngã 3, một hướng lên đỉnh Pusilung, và hướng rẽ phải ra cột mốc 42, cột mốc cao số 2 Việt Nam. Từ ngã 3 này, leo hơn 1 tiếng 30 phút nữa thì chúng tôi chạm đỉnh Pusilung, team khỏe đã lên đến đỉnh từ lúc 11h00 và sau khi chụp choẹt, check in thì bị dính mưa nặng hạt, tuy nhiên vì tinh thần đồng đội cao, nên team khỏe đã chờ team yếu hơn trên đỉnh để check in tập thể và quan trọng hơn là được cùng nhau hát Quốc Ca trên đỉnh núi.
Sau khi hát Quốc Ca, check in tập thể, check in cá nhân trên đỉnh Pusilung, chúng tôi chia làm 2 nhóm xuống núi, ăn cơm dọc đường để check in cột mốc 42. Nhóm khỏe, thể lực tốt đi trước và 14h30 họ đã đến cộc mốc 42, check in và xuống núi sớm. Nhóm còn lại 4 người xuống núi sau, tuy nhiên thể lực khác nhau, nên 3 anh em khỏe hơn đã mạnh dạn di chuyển trước mà không có porter đi cùng, trời lúc này mưa nặng hạt hơn, đoạn đường đi từ ngã 3 đến cột mốc 42 hoàn toàn đi trong rừng rậm,đường mòn thì không rõ ráng vì không có nhiều người đi, mây mù bao phủ, trời trong rừng rất tối kèm theo mưa, rét. Tuy nhiên với quyết tâm, kèm theo chút ít kinh nghiệm đi rừng, cuối cùng 3 anh em đã đến được cột mốc 42 sau 3 giờ di chuyển từ đỉnh. Do trời mưa nặng hạt, và rất rét, nên 3 anh em quyết xuống núi mà không đợi porter. Đoạn đường từ cột mốc 42 xuống cũng khó đi, đi trong rừng rậm, nhiều ngã 3, ngã 4. Nhưng cuối cùng 3 anh em cũng gặp được nhóm đi trước do có 1 thành viên bị ngã, đau chân nên không đi nhanh được. Xuống đến gần lán thì trời tối, và chúng tôi phải dùng đèn chiếu sáng để di chuyển, team khỏe thì đã xuống đến lán lúc trời còn đang sáng, chúng tôi xuống đến lán khoảng 18h30, người xuống lán muộn nhất là lúc 19h15.
Buổi tối hôm đó, chúng tôi quây quần bên bếp lửa, ăn thịt lợn, gà nướng và lót dạ bằng cháo rau và cơm. Ăn uống xong, chúng tôi lên giường đi ngủ và râm ran kể cho nhau nghe những khoảnh khắc lên đỉnh, check in cột mốc 42 và những cái rùng mình khi lang thang trong rừng già, mưa, gió, rét mà không có porter dẫn đường. Chăn ấm, giấc ngủ ngon.
Chặng 4: Băng băng chặng đường xuống núi.
Sáng hôm sau 6h chúng tôi dậy vệ sinh, ăn sáng và 7h hơn chúng tôi xuất phát xuống núi. Trời hôm nay đẹp hơn, trong xanh, nắng ráo nên chúng tôi đi nhanh hơn, có thể do chân đã quen với việc đi lại trên rừng và dọc đường đi chúng tôi cũng tranh thủ ghi lại rất nhiều cảnh đẹp của trời, mây, rừng, núi đến khoảng 12h30 chúng tôi xuống đến Thủy Điện Nậm Xí Lùng 1, tranh thủ ăn trưa, nhờ phòng tắm của Thủy Điện để tắm và sau khi tắm rửa sạch sẽ, các porter tăng bo chúng tôi ra xe ô tô, đỗ cách Thủy ĐIện khoảng 5km. Khoảng 14h30 chúng tôi lên xe từ Mường Tè về TP Lai Châu, nơi có hẹn với 2 vợ chồng anh chị cán bộ địa phương cực kỳ hiếu khách và dễ mến để cùng nhau ăn tối, uống 1 vài chén rượu ngô.
Sau khi ăn uống no say, chúng tôi lên xe đi về HN, đến khoảng 4h30 sáng thì xe về đến Cầu Vượt Mai Dịch, anh lái xe đưa chúng tôi 1 vòng từ Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Đường Vành Đai 2 - Ecopark. Khi tôi về đến nhà thì cũng đã gần 5h sáng, nhẹ nhàng tháo đồ nghê, tranh thủ tắm rửa qua loa rồi lên giường tranh thủ ngủ 1 chút để kịp 7h00 dậy đi làm.
Hành trình Pusilung của chúng tôi kết thúc tại đây, nói Pusilung đẹp hay xấu, khó đi hay không, theo đánh giá của nhóm chúng tôi thì Pusilung rất đẹp với núi rừng hùng vĩ, trời xanh, mây trắng, rừng rêu ma mị đẹp không khác Tà Xùa, Tả Liên Sơn. Ngoài ra thì leo Pusilung cũng không quá khó, chỉ là dài thôi. Nếu các bạn không đi cột mốc 42 thì chỉ khoảng 16h00 là có thể xuống đến lán, vă trong danh sách leo lại của nhà cháu có thêm Pusilung. Leo núi, mà núi Pusilung thì ngoài đam mê ra, còn phải có năng lượng tích cực, hòa hợp và được thiên nhiên chấp nhận mới có thể lên đỉnh được, chinh phục được. Vì đã leo nhiều trong TOP 15, tôi biết có nhiều người chỉ lên được đến lán rồi bỏ cuộc, có người bỏ cuộc trên đường lên lán và cũng có người bỏ cuộc trên đường từ lán lên đỉnh. Tuy nhiên tất cả anh, chị em trong đoàn chúng tôi đã đạt được mục tiêu đề ra là đỉnh Pusilung và cột mốc 42, một hành trình trải nghiệm không thể quên.
Đan Chi Phạm
Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/nui-pu-si-lung-a57496.html