CHÙA TẠI CHÂU ĐỐC CÓ GÌ “HOT” MÀ LUÔN ĐÔNG NHƯ THẾ?

Chùa Bà Châu Đốc ở An Giang là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng từ xưa đến nay, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân bản địa, thu hút hàng triệu du khách thập phương đến đây thăm viếng mỗi năm.

Chùa Bà Châu Đốc hay còn được biết đến với tên gọi Chùa Bà Chúa Xứ Núi Sam, là một điểm đến nổi bật với sự linh thiêng với vị trí đắc địa giữa tam giang và dãy núi thất sơn huyền bí. Đây là nơi gìn giữ nhiều tín ngưỡng tôn giáo qua hàng thập kỷ và là di tích mang giá trị lịch sử cao của vùng đất An Giang, Việt Nam.

Tọa lạc trên đỉnh Núi Sam cao 284 mét, gần biên giới Campuchia, chùa Bà là sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc Á Đông và phương Tây. Chùa được bao quanh bởi vẻ đẹp thiên nhiên xanh mát mang đến cho du khách cảm giác yên bình giữa lòng núi rừng. Đây không chỉ là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, mà còn là nơi hành hương quen thuộc mà nhiều du khách chọn để cầu nguyện cho công việc thuận lợi, gia đạo an lành. Nơi đây đồng thời được xem là biểu tượng của văn hóa và tâm linh quan trọng của tỉnh An Giang và khu vực miền Tây Nam Bộ.

Chùa Bà Chúa Xứ (Nguồn: Traveloka)

Chùa Bà Châu Đốc tại An Giang là một di tích lịch sử và kiến trúc cổ lâu đời. Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ tại chùa được coi là một phần của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Sự nổi tiếng của ngôi chùa này được bắt nguồn từ những câu chuyện được truyền miệng qua nhiều thế hệ:

Có một giai thoại kể lại rằng, trong khoảng thời gian từ 1820 đến 1825, một nhóm quân Xiêm đã rượt đuổi người dân lên núi và phát hiện ra pho tượng Bà. Họ muốn mang tượng Bà về nước của mình. Tuy nhiên, dù có hàng chục binh lính mạnh mẽ cố gắng khiêng tượng, chỉ mới đi được vài bước thì tượng Bà trở nên nặng nề đến mức không thể di chuyển được. Tướng quân tức giận đến mức đập vỡ một cánh tay của tượng Bà. Ngay lập tức, Bà trừng phạt tên tướng này, làm cho anh ta chết tại chỗ và khiến những người còn lại hoảng sợ và bỏ chạy. Từ đó quân Xiêm kính sợ, không dám sách nhiễu dân làng ở vùng đó nữa. Dân làng cũng từ đấy tôn kính gọi Bà là Bà Chúa Xứ. Do vậy mà ngày nay, khi tham quan chính điện của miếu Bà, bạn sẽ thấy câu đối:

“Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị

Xiêm khả kinh, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lượng”

Có nghĩa là:

“Cầu bà tất được, ban thì tất linh, báo điềm trong mộng

Người Xiêm khiếp sợ, người Thanh kính nể, không thể tưởng tượng được.”

Sau khi cuộc sống trở lại bình yên,người dân đã tìm thấy Bà trên núi. Bà đã hiển linh và hướng dẫn cư dân làng cách thực hiện nghi lễ rước tượng xuống núi và xây dựng miếu để thờ cúng. Bà đã hứa rằng nếu người dân tuân theo những hướng dẫn của Bà, Bà sẽ ban cho họ những phước lành, giúp cho mưa gió thuận lợi, mùa màng bội thu, giảm bớt những khó khăn do dịch bệnh, và bảo vệ họ khỏi quân ngoại xâm. Từ đó, Chùa Bà Chúa Xứ Núi Sam đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin, cầu mong gia đạo bình an của người dân địa phương và du khách khi đến viếng.

Kiến trúc của miếu thờ Bà phản ánh sự phong phú của văn hóa và nghệ thuật Á Đông. Trên đỉnh lầu chánh điện, các pho tượng thần mạnh mẽ và uy nghi đang giữ những đầu kèo, tạo nên một hình ảnh ấn tượng. Các chi tiết như khung bao, cánh cửa và các phần khác của miếu đều được chạm trổ và khắc một cách tinh xảo và lộng lẫy.

Chánh điện của Miếu Bà gồm hai tầng, với tầng trong cùng dành cho việc thờ phụng. Tại đây, tượng Bà được đặt trên một bệ cao, bên cạnh là hai con hạc trắng tượng trưng cho tính chất tiên thành của Bà. Bên phải tượng Bà là một linga (biểu tượng sinh lực nam) bằng đá, được gọi là bàn thờ Cậu. Phía còn lại là bàn thờ một tượng gỗ được chạm hình yoni (biểu tượng sinh lực nữ), được gọi là bàn thờ Cô. Tầng thứ hai, gần hai bức tượng chim phượng là bàn thờ Hội đồng. Hai bên của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn ở bên trái và bên phải là bàn thờ Hậu hiền khai cơ. Khi đến thăm viếng ở khu vực chánh điện, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng kiến trúc điêu khắc cầu kỳ, tạo ra không gian trang nghiêm nơi thờ tự.

Thời điểm để đi hành hương chùa Bà Châu Đốc An Giang vô cùng đa dạng tùy thuộc vào lịch trình và sự sắp xếp thời gian của mỗi người.

Tuy nhiên, chùa Bà Chúa Xứ vốn nổi tiếng với sự linh thiêng, nơi mọi nguyện vọng đều được như ý, do đó số lượng người hành hương viếng chùa mỗi năm một đông, đặc biệt là trong các lễ hội tín ngưỡng được diễn ra từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hàng năm.

Trong số những dịp lễ hội, lễ xin vía Bà Chúa Xứ, được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch, thu hút hàng triệu du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là số lượng lớn du khách từ thành phố Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh miền lân cận. Họ đến chùa Bà Châu Đốc để dâng hương, cầu bình an và tham gia vào không khí sôi động của lễ hội.

Chùa bà Chúa Xứ (Nguồn: Du Lịch Miền Tây)

Tuy nhiên, nếu bạn không thích không khí đông đúc, náo nhiệt, bạn nên tránh thăm chùa vào thời điểm diễn ra các lễ hội tín ngưỡng hoặc vào cuối tuần, dịp lễ Tết. Vào mỗi dịp lễ, Tết, người Việt có truyền thống đi lễ chùa cầu may mắn, tài lộc và thịnh vượng cho cả năm. Đây cũng là những thời điểm không chỉ đông đúc, giá vé cao hơn ngày thường mà còn dễ phát sinh những tệ nạn như cướp giật, móc túi, “chặt chém” giá tiền, đem lại cảm giác không thoải mái trong suốt chuyến đi.

Để có trải nghiệm tốt nhất khi thăm chùa Bà Châu Đốc An Giang, SBS bật mí bạn nên lựa chọn những ngày đầu tuần hoặc giữa tuần. Ngoài ra, khi đến viếng chùa, bạn không nên mua chim phóng sanh vì dịch vụ không mang lại những lợi ích tốt đẹp như bạn nghĩ. Khi bạn mua, người bán sẽ mở lồng để chim bay ra và bạn sẽ phải trả một khoản tiền lớn mặc dù chỉ có một số ít chim thực sự được thả. Thêm vào đó, do số lượng chim bị nhốt trong một không gian chật hẹp, chúng có thể gặp khó khăn khi bay xa, hoặc thậm chí không thể bay.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh mua heo quay ở gần chùa để cúng lễ. Nhiều người thường mua heo quay nguyên con để cúng Bà, nhưng heo quay bán ở gần chùa Bà thường không đảm bảo vệ sinh và giá cả thường cao hơn nhiều so với ngoài chợ. Đã có nhiều trường hợp xung đột giữa người bán và người mua xảy ra. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên nghe theo những người chào hàng để mua nhang và lộc trên lối đi vào chùa mà thay vào đó bạn nên chuẩn bị sẵn trước lúc đi để tránh những phiền phức không đáng có vì những thứ ấy sẽ được bán với giá “trên trời”. Vì vậy, SBS khuyên rằng tốt nhất là bạn nên tránh việc mua chim phóng sanh, mua heo quay hay là nhang gần khu vực chùa để tránh “tiền mất, tật mang”.

Nguồn: Du lịch Việt Nam

Sau khi hoàn thành nghi thức cúng bái, bạn có thể tận hưởng không gian yên bình và ngắm nhìn cảnh quan xung quanh miếu. Châu Đốc sẽ trở thành thiên đường của các tín đồ đam mê Mắm như mắm cá lóc, mắm đu đủ, mắm cá linh,… Vừa bước ra khỏi chùa, bạn sẽ liền ngửi thấy mùi mắm đặc trưng được bày bán khắp nơi tại đây và chắc chắn đây cũng sẽ là món quà thú vị để biếu cho người thân, bạn bè khi về. Đặc biệt, bạn cũng có thể ghé thăm chợ Châu Đốc, chợ nổi Long Xuyên và chợ Tịnh Biên để thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng của An Giang như thốt nốt, bún cá Châu Đốc hay bò bảy món núi Sam,…

Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/chau-doc-co-chua-gi-a43901.html