Theo tín ngưỡng Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp là ngày lễ ông Công ông Táo để gia chủ tỏ lòng biết ơn thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Vào ngày này hàng năm, gia chủ sẽ làm lễ tiễn ông Táo về chầu Ngọc Hoàng và báo cáo những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở hạ giới, trong đó có chuyện của gia đình gia chủ.
Năm nay, ngày ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp âm lịch năm Quý Mão) rơi vào ngày 2.2.2024 dương lịch.
Theo nhà phong thuỷ Nguyễn Song Hà, khung giờ vàng cúng ông Công ông Táo sau đó tiến hành bao sái và rút tỉa chân hương (nhang) cuối năm đón tết 2023 như sau:
Ngày 21 âm (tức 31.1 dương lịch), cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 5h10 đến 6h50. Bao sái và rút tỉa chân hương bắt đầu tiến hành từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Ngày 22 âm (tức 1.2 dương lịch), cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 5h10 đến 6h50. Bao sái và rút tỉa chân hương bắt đầu tiến hành từ 9h10 đến 10h50 hoặc từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
Ngày 23 âm (tức 2.2 dương lịch), cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 9h10 đến 10h50. Bao sái và rút tỉa chân hương bắt đầu tiến hành từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Sau ngày 23 tháng Chạp không cúng ông Công ông Táo, chỉ tiến hành bao sái và rút tỉa chân hương.
Ngày 24 âm (tức 3.2 dương lịch), bao sái và rút tỉa chân hương bắt đầu tiến hành từ 5h10 đến 6h50 hoặc chiều từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Ngày 25 âm (tức 4.2 dương lịch) vào ngày lập xuân nên 25, 26, 27 tháng Chạp không được bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương.
Ngày 28 âm (tức 7.2 dương lịch), bao sái và rút tỉa chân hương bắt đầu tiến hành từ 5h10 đến 6h50 hoặc từ 9h10 đến 10h50 chiều từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thân, Tỵ, Hợi.
Nhà phong thuỷ Nguyễn Song Hà gợi ý lễ vật cúng Táo quân (hai ông, một bà), tùy mỗi gia đình chủ yếu là thành tâm nhưng thông thường cần chuẩn bị những lễ vật như 1 bình hoa, 1 đĩa ngũ quả (thanh long, mãng cầu, trái dừa, đu đủ, xoài), 3 chén chè trôi nước, 3 đĩa mứt, 3 đĩa trà khô, hương, đèn, rượu, kẹo, cốm, bánh. Giấy cúng gồm tiền, vàng, bộ đồ, con ngựa…
Ngoài ra, cũng tùy mỗi gia đình có thể cúng mâm cơm thường dùng hằng ngày gồm: Cơm, canh, cá, rau, củ kiệu, đĩa thịt luộc hoặc gà luộc, mắm, đĩa bánh chưng hay bánh tét... để dâng cúng.
Bên cạnh đó tín ngưỡng dân gian còn dâng cúng cá chép sống - vật để Táo quân cưỡi về trời. Khi làm lễ cúng xong người dân phóng sinh cá chép.
Đặc biệt, ngày 30 Tết phải làm lễ rước ông Táo về ngự ở gia đình để cầu xin ngài phù hộ cho đất nước được thanh bình, nhân dân an lạc.
Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/cung-ong-cong-ong-tao-ngay-22-duoc-khong-a42723.html