Cô Hạnh Dung kính mến,
Cháu với vợ mới cưới nhau được hai năm mà đã có trong tủ sáu cái đơn ly hôn toàn do vợ cháu viết, cô ạ.
Hồi yêu nhau thì ba năm mà tháng nào cũng có một lần, có khi lên đến hai lần đòi chia tay.
Lúc đầu cháu còn năn nỉ, xin lỗi, dù cháu chả có lỗi gì. Sau cháu mệt quá, mặc kệ, thì việc đòi chia tay giảm hẳn.
Tưởng sao, cưới nhau về lại tiếp tục màn "ly hôn đi" mỗi khi có chuyện gì không vui. Hôm kia, cô ấy đòi chia tay, cháu ghét quá, để cho cô ấy đi luôn, không thèm năn nỉ nữa.
Vì có chuyện gì ghê gớm đâu. Chẳng qua là cháu thỉnh thoảng ngồi chơi với bạn bè, uống ly cà phê. Cô ấy thì muốn cháu phải về sớm mỗi ngày, để phụ cô ấy nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.
Cứ như thế hoài, cháu không còn người bạn nào nữa, vì cô ấy chặn hết mọi thời gian của cháu đi chơi với bạn. Cô ấy nói lấy vợ rồi, không cần bạn bè gì hết. Rồi những lần khác cũng toàn chuyện vặt vãnh như vậy.
Động một chút là cô ấy bảo tụi cháu không hợp nhau, đòi ly hôn. Cháu nghe riết thấy nhàm. Biết là cô ấy chỉ dọa, nhưng làm thế là coi thường cháu, coi thường tình cảm vợ chồng.
Cháu thấy mình bắt đầu chán ngán và mệt mỏi. Cháu nên làm gì hả cô?
Hoàng Linh
Hoàng Linh thân mến,
Câu hỏi cháu đưa ra chắc sẽ được nhiều bạn trai đồng tình. Rất nhiều cô gái trẻ, thậm chí những người vợ trẻ rất thường sử dụng chiêu "chia tay đi" bất cứ lúc nào giận dỗi, không hài lòng... với người yêu.
Lý do cực kỳ đơn giản, đại đa phần không phải vì họ hết yêu đâu, mà có khi vì họ quá yêu và cũng muốn được yêu quá như mình yêu người ta vậy.
Ảnh minh họaThật ra, có rất nhiều cô gái trẻ sử dụng chuyện chia tay như một chiêu thức kiểm tra tình yêu của người yêu, như một vũ khí để "đe dọa" người yêu. Họ không biết là có những chiêu thức sử dụng quá nhiều, quá thường xuyên sẽ trở nên phản tác dụng.
Có những người bị dọa hoài, riết họ quen, không quan tâm nữa, mặc kệ cho cô ấy làm nũng như thế. Nhưng dần dần họ cũng mệt mỏi và tệ hơn là sinh nhàm.
Đến lúc người đàn ông sẽ nghĩ, cô ấy suốt ngày chỉ dọa chứ có dám làm đâu. Từ coi thường tình huống mà người phụ nữ cố tình dựng lên, dẫn tới coi thường chính người thường đòi chia tay và các vết rạn nứt đã bắt đầu.
Trong câu chuyện của vợ chồng cháu, Hạnh Dung ngạc nhiên là cháu đã để mọi chuyện diễn ra lâu thế, không nhắc nhở góp ý cô ấy ngay từ khi còn "quen" nhau.
Đến bây giờ nó đã trở thành tật xấu trong cách cư xử của vợ, sử dụng chuyện chia tay như một công cụ để điều khiển chồng, đạt được những mục đích mong muốn.
Lần này cháu đã để cô ấy đi, không ngăn cản, không năn nỉ, có lẽ cũng là một điều làm cô ấy bất ngờ. Hãy cứ để thêm một thời gian cho cô ấy "ngấm" cảm giác hoảng sợ vì bị "gậy ông đập lưng ông".
Hạnh Dung tin chắc là cô ấy sẽ phát tín hiệu để được quay về. Có thể là tự trở về, có thể là chờ cháu qua đón. Dù với cách nào đi nữa, lần này, khi mọi việc trở về bình thường, cháu nên trò chuyện với cô ấy một lần, về những cảm xúc của cháu.
Cháu hãy nói cho cô ấy biết rằng cháu đã quá mệt mỏi với chuyện đòi ly hôn với bất cứ lý do nào của cô ấy. Cháu thấy mệt mỏi và bị coi thường chứ không còn là chuyện "làm nũng tí cho vui" nữa rồi.
Không thể là vì bất kỳ chuyện lớn nhỏ nào cũng có thể "đòi" đập tan gia đình mà mình đang gầy dựng. Hãy trò chuyện thẳng thắn về chuyện cả hai đều đã trưởng thành và giữa hai người giờ đây là hôn nhân, là gia đình, là con cái, không phải như lúc còn hẹn hò mà hở chút là chia tay.
Với tất cả mọi vấn đề gia đình, dù lớn dù nhỏ cũng phải cùng nhau trò chuyện, bàn bạc, tìm ra giải pháp và thống nhất với nhau. Dọa dẫm hay thử thách sẽ chỉ mang đến hậu quả xấu mà thôi.
Mọi hành động bây giờ là phải nhằm mục đích đóng góp cho gia đình nhỏ của mình, để mọi người ngày càng gắn bó, chứ không phải là thể hiện tinh thần bất cần, coi thường tình cảm của nhau. Hy vọng là vợ cháu có thể hiểu được mọi việc để điều chỉnh bản thân.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/khi-con-gai-noi-loi-chia-tay-truoc-a39094.html