Có ước mơ làm bác sĩ vì thấy nhà người y tá khá giả
TS.BS Bùi Chí Thương, trưởng Khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) là một trong những bác sĩ “mát tay” trong những ca sinh khó hay điều trị các bệnh phụ khoa. Vợ anh là TS.BS Nguyễn Thị Kiều Thơ, Giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM. Ngoài làm việc ở nơi đang công tác, bác sĩ Thương và bác sĩ Thơ kết hợp mở một phòng khám tư ở quận 1.
Vợ chồng bác sĩ Thương chụp hình cùng nhau vào dịp bác sĩ Thơ sang thăm bệnh viện chồng làm việc. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Thương sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Cà Mau. Ba mẹ anh làm nông, công ruộng không nhiều nên mỗi ngày chỉ mong có đủ cơm ăn đã là hạnh phúc. Cũng vì điều này, trong gia đình chỉ có bác sĩ Thương là được đi học đại học vì anh học giỏi và ham học.
Nói về lý do mình trở thành bác sĩ như bây giờ, bác sĩ Thương cho biết, trước đây, anh là đứa trẻ nhỏ con nhất lớp, lại thường xuyên đau bệnh. Mỗi tuần 1 lần, bác sĩ Thương được mẹ chở bằng xuồng đưa đến nhà thầy lang trong vùng khám, bốc thuốc về sắc uống. “Nhà nghèo, mà tôi cứ bệnh thường xuyên. Hầu như tuần nào, tháng nào mẹ cũng phải chở tôi bằng xuồng đi khám”, bác sĩ Thương nhớ lại.
Năm bác sĩ Thương 12 tuổi, đang học lớp 6 thì bị sốt cao. Sau khi làm đủ cách con trai không hạ sốt, mẹ anh đưa đến nhà người y tá trong xã nhờ can thiệp. Tại đây, bác sĩ Thương được uống thuốc hạ sốt, sức khỏe dần hồi phục. Điều bác sĩ Thương nhìn thấy là căn nhà khang trang, cuộc sống khá giả của người y tá. Đối chiếu với hoàn cảnh nhà mình, cậu bé 12 tuổi thấy sao khác nhau một trời một vực. “Tôi có ước mơ làm bác sĩ chỉ vì thấy nhà người y tá khá giả. Nhưng phải đến lần thứ 2 thi đại học, tôi mới đậu vào trường Y”, bác sĩ Thương kể.
TS.BS Bùi Chí Thương trong ca mổ bắt con cho một sản phụ. Ảnh: BSCC.
Ngày bác sĩ Thương nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Y dược TP.HCM, câu đầu tiên anh tự hỏi mình: “Tiền đâu mà đi học”. “Nhà tôi làm ruộng, nhưng đất rất ít, bán cũng không có giá. Trong nhà lúc đó cũng chẳng có vật gì để bán nữa”, bác sĩ Thương nhớ lại.
Cả làng biết bác sĩ Thương được vào trường Y, ai cũng ngưỡng mộ. Người này truyền tin cho người kia, sau đó mọi người hội ý, quyết định mỗi nhà góp vài ngàn đồng mang đến ủng hộ bác sĩ Thương lên TP.HCM học bác sĩ. Anh trai bác sĩ Thương phải dừng việc học đi làm công nhân phụ giúp ba mẹ lo cho em trai.
Chọn bác sĩ sản phụ khoa sau câu nói của mẹ bạn gái
Suốt thời đại học, ngoài thời gian trên giảng đường, bác sĩ Thương đi làm gia sư để trang trải cuộc sống sinh viên. Đến năm thứ 4, anh đến các bệnh viện phụ sản thực tập. Tại đây, bác sĩ Thương phụ các bác sĩ chính đỡ đẻ, khâu vết thương cho sản phụ sau sinh nên cũng muốn khi tốt nghiệp sẽ đi theo ngành này.
TS.BS Bùi Chí Thương cho biết đã quyết định chọn ngành Sản phụ khoa là nhờ mẹ vợ tư vấn. Ảnh: BSCC.
Bước sang đại học năm thứ 6, đến các bệnh viện nhi thực tập, bác sĩ Thương được tiếp xúc với các bệnh nhi thì thấy, lĩnh vực này có nhiều điều thú vị nên cũng muốn chọn. “Thời điểm đó, tôi đang còn sinh viên, chưa hiểu hết về ngành y, nhất là chuyên môn sâu, thành ra gặp lĩnh vực nào cũng thích”, bác sĩ Thương giải thích.
Lúc đó, bác sĩ Thương vừa được bác sĩ Thơ chấp nhận lời tỏ tình. Tình yêu của họ được hai gia đình biết và ủng hộ. Bác sĩ Thơ ngay từ đầu đã thể hiện quyết tâm sẽ đi theo chuyên ngành tai mũi họng và thẩm mỹ. “Còn tôi thì phân vân trong quyết định chọn ngành”, bác sĩ Thương nói.
Khi đang làm hồ sơ thi vào bác sĩ nội trú nhi khoa, bác sĩ Thương được gặp mẹ bác sĩ Thơ. Bà là một trong những bác sĩ sản phụ khoa tại TP.HCM. Biết bạn trai của con gái đang phân vân trong việc chọn chuyên ngành, bà hẹn nói chuyện riêng.
Bà giải thích: “Nếu con làm bác sĩ nhi khoa thì sẽ khám cho các bệnh nhi, mà các em còn nhỏ nên bác sĩ không thể trao đổi trực tiếp. Mọi thông tin về sức khỏe, tiền sử bệnh… của người bệnh phải thông qua ba mẹ hay người đưa đến khám. Đây là điều khó của bác sĩ nhi khi khi không thể trực tiếp giao tiếp với người bệnh của mình. Còn với sản phụ khoa sẽ chủ yếu khám cho người bệnh lớn tuổi, bác sĩ có thể được trao đổi trực tiếp với người bệnh, từ đó sẽ dễ thấu hiểu họ hơn”. Sau đó, mẹ bác sĩ Thơ nói: “Thấy đi sản cũng hay”.
Câu nói của mẹ vợ tương lai chỉ vỏn vẹn 5 từ, nhưng đã giúp bác sĩ Thương thay đổi quyết định. “Nhóm bạn của tôi có nhiều người học y. Họ rất giỏi và có nhiều người thi vào bác sĩ nhi khoa. Tôi nhận thấy, mình chưa bằng bạn, nếu thi vào sẽ rất khó đậu”, bác sĩ Thương nói thêm về quyết định của mình.
Cũng nhờ đi theo ngành sản phụ khoa, bác sĩ Thương được mẹ vợ hướng dẫn cách học, tìm hiểu chuyên môn, giới thiệu cho các chuyên gia, bác sĩ có tiếng trong ngành để học hỏi kinh nghiệm. Từ từ, bác sĩ Thương học lên bậc thạc sĩ và tiến sĩ. “Bây giờ, tôi thấy quyết định ngày đó của mình là đúng. Đúng là nghề chọn mình”, bác sĩ Thương nói và gửi lời cảm ơn đến mẹ vợ, các thầy cô giáo, bác sĩ tiền bối đã chỉ dạy, hướng dẫn cho mình.
Sau thời gian làm việc, vợ chồng bác sĩ Thơ thường xuyên đi du lịch cùng nhau. Ảnh: BSCC.
Luôn khen người khác để giúp bản thân có thêm nhiều mối quan hệ lành mạnh
Bác sĩ Thương cho biết, để trở thành bác sĩ như hiện nay anh đã trải qua đủ những chuyện đắng cay, khổ cực của cuộc đời, thậm chí có lúc bị đưa ra làm trò đùa. Anh nhớ hồi còn nhỏ, nhà mình thuộc vùng sâu vùng xa, thương cậu học trò biết vượt khó học giỏi, một thầy giáo đã đưa anh về nhà ở, giúp thầy dạy con học. “Tôi ở nhà thầy được 3 ngày thì bị đuổi, vì tôi ăn cơm quá nhiều. Chuyện tôi ăn nhiều không biết vì sao được cả trường biết, làm tôi rất xấu hổ”, bác sĩ Thương kể. Nhưng đó cũng là điều giúp anh xây dựng cho bản thân một thói quen sống luôn vui vẻ, thấu hiểu, đồng cảm với hoàn cảnh của người khác.
Những năm qua, công việc trong ngành Y khiến bác sĩ Thương nhiều lúc rơi vào trạng thái căng thẳng, stress nhưng anh nhanh chóng cân bằng lại. “Có những ca mổ, tôi phải đứng 5-6 giờ liên tục là bình thường. Nhưng không phải vì mình mệt mà trở nên khó chịu, cáu gắt”, vị bác sĩ nói. Thay vào đó, anh luôn mỉm cười, nói lời khen ngợi với người khác, không chê bai bất kỳ ai. Theo bác sĩ Thương, nói lời vui vẻ, khen ngợi người khác bản thân mình không mất mát gì cả, nhưng giúp người nghe thấy vui, được trân trọng.
Với bệnh nhân, hiểu rằng mỗi người đến khám có một hoàn cảnh, câu chuyện riêng nên trong quá trình thăm khám, anh luôn đặt nhiều câu hỏi, trò chuyện nhiều nhất có thể. Điều này không chỉ giúp bác sĩ hiểu người bệnh, mà còn giúp họ không giấu bệnh, trở nên cởi mở, vui vẻ và nhanh khỏi bệnh hơn.
TSBS Bùi Chí Thương ở bên con gái và con trai. Ảnh: BSCC.
Khi rời công việc về với gia đình, bác sĩ Thương và bác sĩ Thơ luôn đặt tạo không khí vui vẻ, chân thành và yêu thương, tôn trọng, hạ thấp cái tôi của bản thân xuống. Trong công việc chuyên môn, dù hai vợ chồng hai lĩnh vực khác nhau, nhưng cùng là bác sĩ, họ có thể đưa ra lời góp ý chân thành, tôn trọng quyết định của vợ/chồng để giúp nhau cùng phát triển. “Tối nào vợ chồng tôi cũng cùng đi dạo nhẹ nhàng sau bữa ăn”, bác Thơ chia sẻ. Đây cũng là khoảng thời gian cả hai vận động để rèn luyện sức khỏe và cùng nhau trò chuyện thư giãn.
“Muốn gia đình hạnh phúc thì tạo ra hạnh phúc. Muốn khỏe mạnh thì bản thân phải tạo ra sức khỏe cho mình, không ai có thể giúp mình được. Làm việc trong khả năng tốt hơn nhiều so với quá cố gắng mà không đạt hiệu quả”, vợ chồng bác sĩ Thương chia sẻ.
Hết mùa hè này, con trai út của bác sĩ Thương sẽ học lên lớp 7. Cậu bé cũng có ước mơ được làm bác sĩ giống như ba mẹ và bà ngoại. Tôn trọng ước mơ của con trai, điều vợ chồng anh hướng đến cho con hiện tại là học kiến thức ở trường và trải nghiệm cuộc sống. "Nếu sau này con vẫn muốn làm bác sĩ, chỉ mong con yêu nghề và có chuyên môn tốt, thấu hiểu được nhiều hoàn cảnh", bác sĩ Thương bộc bạch.
Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/cau-chuyen-ve-nhung-bac-si-phu-khoa-a32529.html