Trong Food Photography nói riêng và Chụp ảnh sản phẩm nói chung, da cam và xanh da trời là một trong những cách phối màu phổ biến nhất trong nhiếp ảnh. Tất cả lý do này được giải thích trong lý thuyết về màu sắc. Màu sắc trong nhiếp ảnh là một công cụ mạnh mẽ để kiểm soát tâm trạng và thu hút sự chú ý của người xem. Bài viết này sẽ giúp bạn biết khi nào và làm thế nào để sử dụng màu cam và màu xanh da trời (cặp màu tương phản mạnh) cho bức ảnh của mình trở nên tuyệt vời hơn.
Lý thuyết màu sắc
Một màu “Color - Màu Sắc” là một đại lượng được hình thành từ 3 thành phần chính: Hue(màu) - Saturation(Độ đậm nhạt) - Brightness(Độ sáng)
Lý thuyết màu sắc là một tập hợp các hướng dẫn dựa trên hiệu ứng thị giác của sự kết hợp màu sắc. Nó giải thích những điều như:
- Cách kết hợp màu sắc(phối màu)
- Tại sao phải là một số màu sắc nhất định trong bức ảnh
- Làm thế nào để tìm những màu sắc phù hợp nhất cho mục đích của bạn.
Lý thuyết màu sắc là một yếu tố trực quan mà chúng ta có thể sử dụng để tạo ra sự hấp dẫn đến hình ảnh của mình. Nó sử dụng bánh xe màu để thể hiện mối quan hệ giữa các màu sắc khác nhau. Bánh xe màu được tổ chức bởi độ Hue. Và nó cung cấp cho chúng ta biết cách kết hợp màu phổ biến nhất.
Thuật ngữ Hue thường bị nhầm có ý nghĩa là Màu sắc. Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng “Color - Màu Sắc” là một thuật ngữ chung bao gồm các thuật ngữ con như Hue, Tint và Tone. Hue chính là thuộc tính giúp ta trả lời được câu hỏi ”Màu đó là màu gì vậy?”. Về cơ bản Hue là tổ hợp 12 màu đậm nhạt khác nhau trên vòng tuần hoàn màu sắc (color wheel).
Đây là những cách phối màu liền kề, phối màu tương phản và phối màu đơn sắc.
Phối màu tương phản
Những màu này đối diện nhau trên bánh xe màu. Ba bộ màu tương phản thường thấy là:
- Màu đỏ và màu xanh lá cây
- Màu vàng và màu tím
- Màu cam và màu xanh
Lý thuyết màu cơ bản nói rằng hai màu càng đối diện thì chúng càng tạo ra độ tương phản.
Những màu đối diện nhau trên bánh xe màu sắc sẽ mang đến độ tương phản mạnh cho bức ảnh. Chúng củng cố độ sáng của nhau trong khi vẫn giữ cân bằng màu sắc. Đơn giản chỉ đặt chúng cạnh nhau, tự động mọi thứ sẽ nổi bật trong khung hình.
Phối màu tương đồng và đơn sắc
Màu tương phản là cách phối màu mang lại cảm giác mạnh mẽ và mãnh liệt. Điều này càng rõ ràng hơn khi so sánh chúng với các cách phối màu khác. Phối màu tương tự(analogous) là cách sử dụng các màu nằm cạnh nhau trên bánh xe màu. Chúng hòa hợp với nhau tạo ra cảm giác dễ chịu và thoải mái.
Cách phối màu tương tự thích hợp cho những bức ảnh mang cảm giác nhẹ nhàng, mơ màng hơn một chút. Nếu bạn cần một hình ảnh với những cảm giác trên, hãy sử dụng cách phối màu này.
Phối màu màu đơn sắc có nguồn gốc từ một màu cơ bản duy nhất và được mở rộng bằng cách sử dụng các sắc thái, tông màu và sắc độ. Cách tiếp cận tông màu này là một cách khác để tạo hiệu ứng dễ chịu. Nó giúp người xem cảm nhận hình ảnh nhanh hơn. Bộ não của bạn có thể hiểu tâm trạng tổng thể trong tích tắc.
Phối màu đơn sắc là hoàn hảo cho hình ảnh mà bạn muốn người xem cảm nhận được mọi thứ, nhận biết cảm xúc của bức ảnh thay vì nhận ra sự nổi bật của chủ thể.
Tại sao nên sử dụng phối màu màu cam và màu xanh da trời trong nhiếp ảnh ?
Sử dụng màu tương phản mạnh là một cách dễ dàng để làm cho chủ thể của bạn nổi bật. Để làm được điều này chúng ta sử dụng với các cặp màu khác nhau. Nhưng vì một số lý do, sự kết hợp giữa màu cam và màu xanh da trời là đáng chú ý nhất. Có nhiều lý do để sử dụng nó:
Lý do 1: Màu da cam và xanh da trời là cặp màu có độ tương phản cao nhất
Da cam và xanh da trời không chỉ đối diện nhau trên bánh xe màu. Chúng có độ tương phản cao nhất trong các cặp màu sắc. Không có sự kết hợp màu sắc nào khác mang đến độ tương phản cao hơn cặp màu này. Chuyển bánh xe màu của bạn thành Grayscale. Và cùng xem nhé, màu xanh da trời màu da cam có độ tương phản cao, dễ nhận biết nhất. (Grayscale: Là một hệ thống màu có mô hình màu đơn giản nhất với 256 cấp độ xám biến thiên từ màu đen đến màu trắng)
Điều này giúp bộ não của chúng ta nhận ra các đối tượng nhanh chóng, dễ dàng. Bộ não của chúng ta yêu thích những điều đơn giản, dễ dàng đấy.
Lý do 2: Màu xanh da trời và màu da cam mang lại cảm xúc mạnh mẽ cho bức ảnh
Màu xanh da trời và màu da cam là những màu mang lại cảm giác mạnh mẽ ngay cả khi được sử dụng trong bảng màu đơn sắc. Khi bức ảnh của bạn bao gồm cả hai màu này, bạn sẽ phát huy hết được sức mạnh của chúng, khiến bức ảnh của bạn hấp dẫn tuyệt đối. Sự lạnh lẽo của tông màu xanh làm nổi bật sự ấm áp của những màu cam. Và ngược lại.
Bên cạnh đó, màu cam rực rỡ và màu xanh mát mẻ được liên kết với các khái niệm đối lập khác nhau. Chúng đại diện cho sự ấm áp và lạnh lẽo, đất và trời, đất và biển, lửa và băng. Điều này cũng mở rộng cho các khái niệm trừu tượng hơn ví dụ đam mê và thờ ơ…
Lý do 3: Nó rất gần với ánh sáng xung quanh
Ánh sáng tự nhiên dao động từ màu xanh mát đến màu cam ấm, tùy thuộc vào nguồn sáng. Ánh sáng màu cam ấm áp trên nền trời xanh là định nghĩa của giờ vàng. Bản song ca màu cam và màu xanh xuất hiện rất nhiều trong tự nhiên mặc dù bạn có thể không biết về nó. Nhưng một khi bạn bắt đầu nghĩ về nó, nó ở khắp mọi nơi!
Lý do 4: Cặp màu sắc làm nổi bật da người
Với các bức ảnh có xuất hiện con người, dìm màu xanh da trời xuống sẽ làm cho tông màu da của người mẫu nổi bật trên bức ảnh. Bạn cũng có thể làm phần shadow ám màu xanh Cyan và tô một chút highlight với màu da cam. Điều này giúp bức ảnh tăng tương phản mạnh hơn rất nhiều, và tất nhiên nó hút thị giác hơn.
Cách sử dụng màu da cam và màu xanh da trời trong nhiếp ảnh
Phối màu da cam và xanh da trời sẽ rất tuyệt vời khi được sử dụng đúng mục đích. Nếu sử dụng lung tung, sai mục đích, nó sẽ trở thành một thảm họa. Trên thực tế, có một sự liên kết giữa nhiếp ảnh và phim ảnh. Một số nhà làm phim sử dụng màu cam và màu xanh để phân biệt ngày và đêm, nội thất và ngoại cảnh, và phản ánh những tâm trạng khác nhau. Vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể sử dụng cặp màu sắc đối lập này?
Cách 1: Thử nghiệm với kĩ thuật Color blocking
Cách tốt nhất để có được cảm giác thẩm mĩ về màu sắc là thử nghiệm sử dụng các màu đậm và các dạng hình học. Color blocking là kĩ thuật sử dụng sự kết hợp màu sắc đậm, rực rỡ và các yếu tố hình học. Điều bạn cần làm là chọn một background, màu cam hoặc màu xanh. Chọn một số đối tượng có màu tương phản còn lại. Cố gắng sắp xếp chúng thành một bố cục tối giản.
Nó có thể là sự cân bằng giữa hai tông màu sáng hoặc một màu đơn. Ví dụ: Một quả cam trên một tấm nền màu xanh. Hãy bắt đầu mọi thứ thật đơn giản, ghi nhớ các hình dạng hình học cơ bản và xem nó sẽ dẫn bạn đi đến đâu.
Với loạt hình ảnh này, tôi đã sử dụng các đạo cụ có màu sắc rực rỡ. Tôi nhìn vào giai điệu của ấm trà và những chiếc tách. Sau đó, tôi quyết định làm cho chúng bật lên trên một nền màu tương phản. Để thêm sự đa dạng cho bảng màu của mình, tôi cắt ra một vài vòng tròn giấy đỏ và rải chúng qua khung cảnh. Kết quả là những hình ảnh thật bắt mắt.
Cách 2: Sử dụng màu da cam và màu xanh da trời để trông tự nhiên hơn.
Bạn có thể muốn bức ảnh của mình trông cân đối, tự nhiên hơn nhưng vẫn có sự hấp dẫn của độ tương phản mạnh của màu chứ? Thử sử dụng 2 màu sắc này xem. Hãy nhìn những chi tiết của màu cam và màu xanh. Food photography là một trong những lĩnh vực phát huy tốt 2 màu sắc này. Nổi bật và trông thật tự nhiên. Giống như siro chảy trên chiếc bánh màu cam với màu xanh của Việt quất vậy.
Cách 3: Sử dụng màu cam và màu xanh làm nổi bật chi tiết
Hãy chắc chắn rằng chi tiết nổi bật là chi tiết bạn muốn nhấn mạnh nhất. Bước đầu tiên là chọn màu của một đối tượng và màu của nền. Điều quan trọng nhất cần lưu ý là: Cái gì là yếu tố sáng nhất, nhiều màu sắc nhất hoặc bão hòa nhất trong cảnh của bạn?
Sự lựa chọn đối tượng sẽ ảnh hưởng đến sự chú ý của người xem và xác định cảm giác chủ đạo của bức ảnh. Ví dụ, bức ảnh có bề mặt xanh và làm cho một đối tượng có màu cam trở thành tiêu điểm cho bức ảnh của bạn.
Tiêu điểm yêu thích của tôi ở đây là tách trà. Tách trà rực rỡ ấm áp này khiến tôi mỉm cười mỗi khi nhìn thấy nó. Ghép nối nó với lá mùa thu hoặc bánh quy, và bạn sẽ có được một bức tranh tuyệt đẹp. Nó có thể là một tờ giấy màu xanh da trời hoặc gỗ màu xanh đậm. Điều quan trọng ở đây là để phù hợp với các vật thể xung quanh.
Đâu là yếu tố sáng nhất, nhiều màu sắc nhất hoặc bão hòa nhất trong cảnh của bạn?
Nếu màu xanh của bạn mang sắc thái nhạt, màu cam của bạn cũng nên khá nhạt lại. Và ngược lại, nếu màu xanh rực rỡ, màu da cam cũng phải rực rỡ không kém.
Sử dụng độ tương phản mạnh để làm nổi bật các chi tiết
Trong kết hợp màu sắc, bạn không phải sử dụng màu cam và màu xanh cho toàn bộ bề mặt hình ảnh của mình. Bạn có thể giữ màu nền trung tính và sử dụng các điểm màu để tạo độ tương phản. Giữ bố cục của bạn trong tông màu ấm và thêm một số chi tiết màu xanh tươi sáng. Những chi tiết nhỏ này sẽ làm cho hình ảnh của bạn trở nên sống động.
Ví dụ: Tôi rất yêu thích những bức ảnh trong series “Draw your home” mà tôi đã thực hiện. Tôi đã tạo ra một bức ảnh bằng cách sử dụng giấy thủ công với gỗ màu xanh làm nền. Tôi đã sử dụng màu ấm cho hầu hết các đạo cụ: giấy tờ, tay, hộp gỗ. Nhưng điểm nhấn màu xanh da trời từ bút chì, nền, … đã thêm một sự tương phản rất tuyệt cho bức ảnh. Sự phối hợp này cũng mang lại sự cân bằng cho bức ảnh.
Một cách khác là sử dụng cùng lúc màu cam và màu xanh trên nền tối. Hãy thử trà cam với hơi nước hơi có màu xanh. Điều này vẫn vừa nổi bật nhưng vẫn rất tự nhiên.
Dưới đây là một bức ảnh yêu thích của tôi nữa. Bạn sẽ thấy hấp dẫn của ánh sáng từ nến và khói. Màu cam ấm áp của ngọn lửa và màu xanh sương mù lạnh lẽo của khói bốc lên tạo ra sự tương phản tự nhiên. Và nó làm cho hình ảnh thực sự hấp dẫn. Điều này không chỉ đúng với nến. Pháo và đèn trông cũng rất thú vị. Bạn nên thử xem sao.
Đừng sử dụng tone sáng nhất của màu da cam và xanh da trời !
Bạn không cần sử dụng tone sáng nhất của cặp màu sắc này để tạo ra độ tương phản mạnh cho bức ảnh.
Notes and Keepsakes là một trong những bức ảnh yêu thích của tôi. Tôi đã sử dụng nền gỗ và một vài cuốn sổ tay giấy thủ công để tạo nên tâm trạng ấm áp. Phần còn lại của các đạo cụ nhỏ có màu xanh da trời. Màu gỗ tự nhiên là sự lựa chọn tuyệt vời cho màu cam rực rỡ. Nó vẫn tương phản với màu xanh đậm nhưng mang đến cảm giác cân bằng hơn.
Làm thế nào để thêm một số màu vào bảng màu của bạn
Đừng giới hạn bảng màu của bạn chỉ trong hai màu này. Bạn có thể căn cứ độ tương phản màu trên màu cam và màu xanh, sau đó thêm các đối tượng khác để tăng sự đa dạng trong bức ảnh. Trong Food photography, bạn có thể đối chiếu màu sắc của món ăn chính của bạn với các yếu tố khác trong bố cục của bạn. Chẳng hạn như một bông hồng, một ly nước… Các chi tiết nhỏ như hoa quả rải rác hoặc thảo mộc có thể khác với bảng màu chính, tuy nhiên chúng mang đến những cảm nhận đẹp đẽ, thú vi. Màu xanh lá cây trong bức ảnh dưới đây mang lại sự tinh tế cho bức ảnh, góp phần làm nổi bật màu cam và xanh dương.
Hãy thử các cặp màu tương phản khác
Các loại màu tương phản khác cũng giúp bạn tạo nên những bức ảnh đẹp, nổi bật và có thể tạo nên phong cách riêng cho bạn. Màu đỏ và màu xanh lá cây, màu hồng và cyan là một sự kết hợp phổ biến khác. Màu tím và vàng cũng vậy.
Có nhiều loại màu sắc và sắc độ mà bạn có thể kết hợp màu sắc sử dụng trong bánh xe để cá nhân hóa lựa chọn màu sắc của mình.
Lý thuyết màu sắc khá phức tạp và linh hoạt, nhưng không có quy tắc cố định nào cả. Sự thật là lý thuyết chỉ cung cấp những điều cơ bản về màu sắc, cái có thể cung cấp cái nhìn về sự lựa chọn bảng màu của bạn. Nhưng thực tế thì bạn có thể thoải mái sáng tạo và tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn.
Hãy thử nghiệm và khám phá các bảng màu độc đáo của riêng bạn!
Nếu bạn có đam mê với Food Photography, đừng quên tham gia khoá học Food Photography với Chimkudo Academy để bước vào thế giới sáng tạo rộng lớn này nhé !
Credit
—————
Bài viết gốc của Dina Belenko từ expertphotography.com, dịch và chú giải bởi Chimkudo Academy
Bản quyền bài dịch thuộc về ©Chimkudo Academy - Lighten your values
Mọi trích dẫn bản dịch phải đính kèm link tới bài viết này.