Quarter life crisis là gì?
Gắn liền với ý nghĩa của từ khủng hoảng, Quarter life crisis là sự suy thoái từ tinh thần, ý thức đến vật chất trong giai đoạn từ 18 tuổi đến 22 tuổi, thậm chí là kéo dài đến khoảng 30, tức là ở mốc 1/4 cuộc đời. Nhà tâm lý học lâm sàng Alex Fowke đã định nghĩa về Quarter life crisis là giai đoạn mà những người trẻ cảm thấy bất an về các vấn đề trong cuộc sống như tài chính, các mối quan hệ tình cảm, sự nghiệp,...
Những biểu hiện của Quarter life crisis có thể thấy rõ ràng qua các hành vi, cảm thức hàng ngày như:
- Chán nản và mất động lực đối với những việc đang làm, với một số người là với cả những việc mà họ từng yêu thích.
- Cảm thấy thời gian đang trôi qua một cách vô nghĩa và bản thân sống không có mục đích.
- Trạng thái tinh thần căng thẳng và luôn ở trong hàng loạt những nỗi lo lắng về tiền bạc, sự nghiệp, hôn nhân.
Nguyên nhân quan trọng nhất gây ra khủng hoảng ¼ cuộc đời là khi bánh xe cuộc đời không đạt tới sự thỏa mãn bền vững của cả 8 khía cạnh sức khỏe, gia đình, tài chính, sự nghiệp, mối quan hệ, phát triển bản thân, cống hiến xã hội, tâm linh.
Gợi ý: Wheel of life: Thực hành bánh xe cuộc đời
Ví dụ, bạn dành nhiều thời gian cho việc cống hiến xã hội, tham gia tích cực vào những hoạt động cộng đồng trong suốt thời gian sinh viên, nhiệt tình có mặt ở các câu lạc bộ, các tổ chức khác nhau. Thế nhưng, khi bạn dừng những hoạt động đó để tập trung cho học tập, dành thời gian để lắng nghe tâm hồn mình, bạn chợt nhận ra rằng, những hoạt động cống hiến có ý nghĩa thực đấy, nhưng khi chúng kết thúc, bạn lại chơi vơi không biết bám víu vào đâu.
Đây là giai đoạn để bạn đi tìm câu trả lời cho chính mình, hoặc là bước ra khỏi vùng an toàn, hoặc là bứt phá ở một hướng đi khác.
Năm 1908, hai nhà tâm lý học Robert M. Yerkes và John D. Dodson đã phân tích về vòng tròn phát triển bản thân theo cấp độ từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, gồm: Vòng an toàn - Vòng sợ hãi - Vòng học tập - Vòng phát triển. Quarter life crisis xuất hiện khi con người bước ra khỏi vùng an toàn và đối mặt với sự cô đơn và tự lập. Nếu tiếp tục bước đi, Quarter life crisis sẽ mang đến những trải nghiệm theo bốn cấp độ bứt phá trên.
Hành trình Quarter life crisis lý tưởng
Một giai đoạn Quarter life crisis lý tưởng của chúng ta thường được trải qua 4 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: Khởi phát
Giai đoạn khởi phát là giai đoạn sự hài lòng của bạn với định hướng, chất lượng cuộc sống đột nhiệt bị tụt xuống mức điểm cực thấp. Nếu như tâm của Bánh xe cuộc đời là một số 0, thì cảm giác lúc này của bạn có thể chạy xuống mức âm. Điều này không đồng nghĩa với việc mọi yếu tố trong Bánh xe cuộc đời đều suy giảm, mà nó có thể tạo thành trạng thái mất thăng bằng.
Bạn có gia đình yêu thương nhưng lại đổ vỡ trong những mối quan hệ tình cảm.
Hoặc bạn có được những mối quan hệ tuyệt vời nhưng bấp bênh trong sự nghiệp, không tìm thấy định hướng phát triển.
Quarter life crisis có thể khởi phát từ một, hoặc hai vấn đề trong cuộc sống hàng ngày nhưng nó chi phối toàn bộ tinh thần của bạn, khiến bạn vướng vào rắc rối với bản ngã của mình.
Giai đoạn thứ hai: Mơ hồ và hỗn loạn
Sau khi khởi phát, Quarter life crisis sẽ dẫn bạn đến một vùng biển không bờ, và chỉ có mình bạn ở đó cô độc suy nghĩ, quẫy vùng. Bạn không biết mình phải làm gì. Bạn không biết phải xử lý ra sao. Bạn mệt mỏi với những áp lực từ định kiến cuộc đời cá nhân: mình phải giàu, mình phải thành công, mình phải nổi bật như người khác, mình phải có tình yêu viên mãn. Bạn thực sự bị đẩy vào tuyệt vọng, bế tắc nhưng nó cũng là khoảng trầm cần thiết để bạn trả lời những câu hỏi, một lần nữa nhìn nhận về bản thân.
Theo số liệu khảo sát, 86% thế hệ Millennials (tức là Gen Y) đã trải qua khủng hoảng trong 1/4 cuộc đời. Một số người cảm thấy căng thẳng về tài chính, hoặc áp lực phải kết hôn để ổn định cuộc sống. Những người khác lại rối tung trong xác lập các mối quan hệ. Và bây giờ, đến lượt thế hệ Gen Z - những người bước tới ngưỡng 1/4 cuộc đời trải qua khủng hoảng này.
Giai đoạn thứ ba: Suy ngẫm
Bạn cần hiểu rằng, bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời cũng có một sự “khủng hoảng” nghi ngờ về bản thân và mất phương hướng. Đến nền kinh tế ở các nước mạnh nhất cũng đã từng trải qua những cuộc đại suy thoái và kinh tế thế giới hiện tại cũng đang không ngừng biến động, thì con người cũng không thể hoàn toàn vững vàng trong sự chuyển động của xã hội.
Đến ¼ cuộc đời, chúng ta bắt buộc phải nhìn nhận lại để xác định chính xác hành trình cần đi. Đây là cơ hội để bạn có thể sửa chữa lại những sự lựa chọn, cân nhắc mọi thứ để có một Bánh xe cuộc đời quay đều trên con đường tương lai.
Giai đoạn 3 của Quarter life crisis giống như một sự phá kén của những người trẻ. Chúng ta sẽ đi từ sự an yên, bình tâm đến sóng gió đầu tiên phải tự mình bươn chải, từ trong sóng gió đó định nghĩa lại một lần nữa cách sống khiến chúng ta hạnh phúc.
Giai đoạn thứ tư: Ổn định
Mất bao lâu để ổn định sau Quarter life crisis? Mỗi người sẽ đem đến một đáp án khác nhau. Có người chỉ cần 2, 3 tháng nhưng cũng có người mất đến 2, 3 năm liên tiếp để tìm thấy hướng đi. Việc đánh giá thời gian trải qua khủng hoảng của mỗi cá thể là không cần thiết, bởi vì, góc độ khủng hoảng và tính chất tinh thần khác nhau sẽ quyết định thời gian chuyển động khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta chấp nhận khủng hoảng đó, cho phép bản thân được khủng hoảng và không phán xét khủng hoảng thế hệ.
Ở giai đoạn thứ tư này, mọi thứ sẽ được bạn thiết lập lại theo một trật tự gắn kết với nhau. Chắc chắn sẽ còn những sự bấp bênh nhưng bạn sẽ không còn nghi ngờ chính mình, biết bản thân muốn làm gì và có kế hoạch cho những điều đó.
Việc chấp nhận khủng hoảng ở ¼ cuộc đời cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang dần dần rời bỏ “ngôi nhà” an toàn của mình.
Bạn đã quá quen với việc sống ở một thành phố yên bình, đi học đi làm như thường lệ và trở về nhà với sự chăm sóc của cha mẹ, không quan tâm về vật chất hay thành tựu cá nhân. Thế nhưng, Quarter life crisis xuất hiện và hỏi bạn rằng, bạn có thực sự hài lòng với hiện tại không? Nếu bạn tiếp tục trả lời câu hỏi này, bạn sẽ thực sự khởi phát cuộc khủng hoảng ở chặng đầu tiên của cuộc đời mình.
Vậy, khi đã bước khỏi vùng an toàn, chấp nhận đối diện với những thử thách không thể xác định, phải làm sao để đi tới được vùng phát triển. Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời ở những gợi ý dưới đây.
Lời khuyên thứ nhất: Thống kê những nỗi sợ hãi
Bước ra khỏi vùng an toàn, trong suy nghĩ của bạn có hàng ngàn những câu hỏi.
Nếu bạn là một sinh viên lần đầu tiên xa nhà, nỗi sợ ấy là sự cô đơn giữa thành phố xa lạ, lo lắng về những người xung quanh, không có ai giúp đỡ, một mình làm mọi thứ và gặp khó khăn khi kết nối,...
Nếu bạn là một người vừa mới nghỉ việc, nỗi sợ ấy là sự hoang mang tìm kiếm bản thân, không rõ mình muốn làm gì, lo lắng về đánh giá của những người xung quanh, sợ không tìm được vị trí như mong ước,...
Chúng không đến một cách lần lượt mà đổ xô, chen chúc nhau trong tâm trí bạn. Vì thế, để kiểm soát nỗi sợ, hãy thống kê nó.
Mở một tờ giấy, một trang take-note, và đừng ngần ngại với việc ghi một dòng chữ thật to “Nỗi sợ của mình”. Như những lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, bạn cần thẳng thắn nhìn vào cảm xúc thay vì né tránh nó. Nỗi sợ cần được đối xử tương tự như cách bạn đối xử với hạnh phúc. Bạn có thể gạch đầu dòng, có thể vẽ, có thể vừa viết vừa phác họa, bằng bất cứ cách nào, hãy bày các nỗi sợ ấy ra.
Xem thêm: Sketchnote - người bạn của tâm hồn.
Khi bạn đem một phần nỗi sợ đặt lên chỗ khác, trước hết trái tim của bạn được nhẹ nhàng, thần trí của bạn được thanh thản. Sau đó, vì bạn đã sắp xếp nỗi sợ, nên bạn sẽ dễ dàng biết lý do tại sao có nỗi sợ đó và đối thoại cùng nó về cách giải quyết.
Khi bạn đặt mọi thứ ở trong đầu, bạn sẽ chỉ cảm thấy quá nhiều và mệt mỏi. Khi bạn biết cách san sẻ, nỗi sợ không còn đáng sợ nữa.
Lời khuyên thứ hai: Định nghĩa lại về thành công và hạnh phúc
Trước kia, khi ở trong vùng an toàn, thành công và hạnh phúc là những khái niệm hẹp đối với bạn. Nhưng khi bạn bước ra khỏi vùng an toàn, tiến vào những vùng mở rộng khác, tiếp xúc với những người khác nhau, bạn thực sự cần định nghĩa về thành công và hạnh phúc để có thể điều chỉnh cuộc sống.
Trong quá trình định nghĩa đó, bạn cần nhớ một nguyên tắc: Thành công và hạnh phúc với mỗi người là khác nhau.
Có người cho rằng, tìm thấy tình yêu đời mình là thành công và hạnh phúc.
Có người lại cảm thấy, phải có chức vụ cao, tài chính dư dả, đó mới là thành công và hạnh phúc.
Việc bạn nhìn nhận thành công và hạnh phúc sẽ quyết định mục tiêu và kế hoạch đạt được mục tiêu trên hành trình sắp tới. Đặc biệt, đừng sống theo hạnh phúc và thành công của người khác.
Không ít người chạy theo vật chất, bỏ hết mọi mối quan tâm khác để phục vụ mục tiêu vật chất. Nhưng đến khi có được vật chất, thì họ lại không hề cảm thấy hạnh phúc vì không có một ai bên cạnh, mất kết nối với những người thân yêu. Bởi vậy, hạnh phúc và thành công cũng cần được tỷ lệ thuận với nhau.
Lời khuyên thứ ba: Kế hoạch cho thể chất và tinh thần
Sức khỏe là yếu tố cốt lõi để giúp bạn làm mọi thứ mình muốn. Bởi vậy, trong thời kỳ khủng hoảng khi bước ra khỏi vùng an toàn, điều đầu tiên mà bạn nên quan tâm chính là sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Hiện nay, do thói quen làm việc, đa số người trẻ thuộc nhóm ít vận động, dễ gặp phải vấn đề tâm lý, mất tương tác ở thế giới thực,... Những vấn đề này khi bạn còn ở trong vùng an toàn, nó sẽ không quá rõ ràng, hoặc không tác động quá nhiều đến bạn, nhưng khi bạn ra khỏi vùng được kiểm soát, bạn sẽ bị ngợp bởi những áp lực, suy sụp cả thể xác và trí lực.
Vì thế, xây dựng một kế hoạch hoàn hảo để giúp bản thân phát triển toàn diện là vô cùng cần thiết.
Với sức khỏe thể chất, bạn nên tăng cường số buổi tập luyện, ưu tiên vận động vào sáng sớm với các bộ môn chạy bộ, tập dưỡng sinh, yoga. Chế độ thực dưỡng luôn được khuyên dùng trong các nội dung chia sẻ từ các bác sĩ. Việc ăn xanh, uống xanh, không chỉ thanh lọc tạp chất mà còn có ý nghĩa xây dựng hệ thống cơ quan vững chắc hơn, ngăn bạn khỏi tác hại từ môi trường.
Với sức khỏe tinh thần, bạn có thể ưu tiên cho các bài tập thiền trước khi đi ngủ và dành thời gian để đào sâu vào cảm thức của chính mình. Bạn có thể đọc sách, viết, vẽ,... và mọi thứ nên được thực hiện bằng sự thoải mái, tận hưởng. Ngay cả khi bạn chưa tìm thấy câu trả lời cho bản thân, thì việc chuẩn bị một tinh thần vững vàng cũng là trang bị để bạn tiến xa hơn với mọi câu trả lời sau này.
Lời khuyên thứ tư: Cho phép bản thân thất bại
Khi bạn vừa bước ra khỏi vùng an toàn, bạn gần như tay trắng để tiến vào vùng sợ hãi. Bạn sẽ phải xác lập một vài thứ lại từ đầu.
Nếu bạn vừa chia tay, bạn sẽ cần kết nối lại với những người xung quanh mình, xác lập lại trạng thái tinh thần và tâm thế. Lúc này, bạn có thể thừa nhận bản thân thất bại trong tình yêu, nhưng chỉ là lúc đó, chứ không phải tất cả mọi khoảng thời gian khác.
Nếu bạn đang thất nghiệp và vừa bị từ chối sau khi phỏng vấn, bạn cũng có thể coi đó là một thất bại. Nhưng dù trong trường hợp nào, thất bại cũng chỉ là một cách gọi trạng thái hiện thời, không phải lý do để bạn tự giảm giá trị cá nhân.
Thay vào đó, việc cho phép thất bại sẽ giúp bạn có những bài học kinh nghiệm, và có thêm thời gian hoàn thiện bản thân mình. Bạn sẽ trưởng thành hơn, tài năng hơn, xuất chúng hơn, và sẽ có một nơi, một người dành cho bạn. Đó chính là nghệ thuật bước đi từ trong thất bại. Khi thất bại, hãy kích thích năng suất tư duy và năng suất tự chữa lành của tâm trí, đó mới là ý nghĩa thất bại được tồn tại.