Quá nhiều ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19
Hiện nay, các bộ, ngành đã triển khai và đưa vào sử dụng hàng loạt ứng dụng thông minh để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: Bluezone, VHD, Sổ sức khỏe điện tử; tokhaiyte.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn...
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các nền tảng công nghệ bao gồm: Nền tảng khai báo y tế và quản lý vào ra các địa điểm công cộng bằng QR Code; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; nền tảng quản lý lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; nền tảng hỗ trợ truy vết; nền tảng giám sát cách ly; nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.
Gần đây nhất, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã triển khai xây dựng ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID. Theo đó VNEID để phục vụ công dân rút ngắn thời gian khai báo y tế trong quá trình tham gia giao thông.
Ngoài ra, Viettel và MobiFone cũng xây dựng ứng dụng khai báo y tế với tên gọi nCovi (MobiFone) và Sức khỏe Việt Nam (Viettel). Theo giới thiệu của MobiFone, ứng dụng nCovi được sử dụng với mục đích khai báo y tế cho riêng đội ngũ cán bộ, nhân viên thuộc doanh nghiệp này. Nhưng thực tế, các ứng dụng này đều có tính năng khai báo toàn dân.
Cần thống nhất một ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 để quản lý tốt hơn/ Ảnh chụp màn hình.
Việc cho ra nhiều App ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 làm nhiều người dân tỏ ra lúng túng khi phải sử dụng rất nhiều ứng dụng và gặp không ít khó khăn trong việc nhận diện.
Chia sẻ về việc phải lựa chọn quá nhiều ứng dụng trong này, anh Trần Minh Hải (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Khi được thành phố yêu cầu cài đặt ứng dụng Bluezone để khai báo y tế, tôi đã tải và sử dụng. Tuy nhiên, khi đi làm, cơ quan lại yêu cầu khai báo bằng một ứng dụng khác. Điều này khiến cho tôi cảm thấy vô cùng lúng túng không biết nên giữ lại ứng dụng nào và tính đến thời điểm hiện tại, trên điện thoại của tôi có đến 3 App phục vụ cho công tác khai báo, truy vết…".
Cùng quan điểm với anh Hải, chị Lã Thị Mạnh Khương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng việc có quá nhiều App phòng chống, dịch Covid-19 khiến chị cảm thấy rất hoang mang vì không biết đâu mới là app mà chính quyền, cơ quan yêu cầu sử dụng.
Trong khi đó, nhiều người cũng phản hồi là thông tin tiêm chủng trên các ứng dụng không chính xác. Điển hình là việc nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 nhưng trên các ứng dụng như Bluezone, Sổ tay sức khỏe điện tử vẫn ghi là chưa chích mũi nào hoặc đã chích 2 mũi mà chỉ hiển thị 1 mũi...
Trước việc "ma trận" này, nhiều người dùng đặt ra câu hỏi: Tại sao không gộp tất cả vào làm một để giúp người dân tiện theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe, hạn chế đăng ký nhiều tài khoản cũng như dễ dàng sử dụng?
Giải thích về tình trạng trên, PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến người dân đã tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng chưa được xác nhận tiêm chủng, mất dữ liệu tiêm chủng. Thực tế cho thấy, quá trình cập nhật, quản lý dữ liệu trên nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine Covid-19 còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở tiêm chưa nhập dữ liệu hồi cứu kịp thời nên người dân đi tiêm nhưng chưa có chứng nhận tiêm chủng trên hệ thống Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng.
Đặc biệt, do mới sử dụng nên nền tảng chưa hoạt động ổn định, các thành phần của hệ thống còn chưa hoàn thiện, quá trình hoạt động còn xảy ra lỗi. Trong khi đó, dữ liệu các thành phần nền tảng chưa hoàn toàn liên thông dữ liệu dẫn đến số liệu báo cáo chưa chính xác. Ngoài ra, hệ thống quản lý điều hành cũng chưa hoàn thiện, thiếu một số chức năng cho người quản lý điều hành cấp; số liệu thống kê chưa chính xác; các địa phương chưa được cấp tài khoản để xem danh sách người dân đăng ký tiêm trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và cổng thông tin tiêm chủng. “Thực tế càng ít ứng dụng khai báo y tế càng tốt, giúp người dân dễ nhận diện, đỡ hoang mang, cơ quan chức năng dễ thống nhất quản lý”, PGS, TS Trần Quý Tường chia sẻ thêm.
Người dân quét mã QR giấy đi đường tại Hà Nội/ Ảnh minh họa/TTXVN.Sớm có giải pháp để đồng bộ các ứng dụng
Ứng dụng khai báo y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là vô cùng cần thiết, thậm chí là bắt buộc. Tuy nhiên, để tránh sự chồng chéo, rối loạn khi sử dụng, nhiều người dân đã đặt ra câu hỏi: Tại sao không đồng bộ tất cả các App thành một để tiện cho việc theo dõi và khai báo y tế?
Để giải quyết bất cập này, sáng 11-9, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm…); kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Thủ tướng yêu cầu thống nhất dùng một App trong phòng, chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân.
Trên thực tế, việc liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng đã bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 5-2021, hiện vẫn được trong quá trình phát triển để phục vụ các phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch tại Việt Nam. Nhờ sự liên thông này, người dùng chỉ cần một mã QR. Mã này sẽ liên thông với toàn bộ dữ liệu của các ứng dụng phòng, chống dịch, từ check-in, khai báo y tế, xét nghiệm, tiêm chủng và tiến tới là công tác khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, bao giờ thì sự liên thông này hoàn tất vẫn còn để ngỏ. Hiện tại người sử dụng vẫn cứ phải loay hoay với các ứng dụng tải đầy trong điện thoại, mà khi sử dụng thì vẫn phải khai báo bằng giấy bút, ví dụ như đi tiêm hay xét nghiệm Covid-19...Trong mấy tuần vừa qua, Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã nhận được hàng nghìn phản ánh, kiến nghị của người dân đề nghị khắc phục lỗi không cập nhật "thẻ xanh", "thẻ vàng" sau khi tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 nhưng đến nay những bất cập này vẫn chưa được xử lý rốt ráo.
TRẦN YẾN