Đảng và Nhà nước ta luôn coi sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và toàn xã hội. Bảo vệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo vệ nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Sức khỏe của mỗi cá nhân liên quan trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng, của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Mỗi người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi người dân khỏe mạnh tức là cả nước mạnh khỏe. Luyện tập bồi dưỡng sức khỏe là bổn phận của người dân yêu nước. Sức khỏe không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản chung, tạo nguồn sức khỏe không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm cộng đồng”. Bác còn nói “Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “sức khoẻ là sức sống, là lao động sáng tạo, là tình yêu và hạnh phúc”.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) “Sức khoẻ là một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ không có bệnh hay thương tật”.
Như vậy, có thể hiểu sức khoẻ gồm 3 mặt: sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ xã hội.
Sức khoẻ thể chất thể hiện ở sự sảng khoái và thoải mái về thể chất. Càng sảng khoái, thoải mái, càng chứng tỏ là người khoẻ mạnh, nó được thể hiện ở các khả năng sau đây:
Khả năng hoạt động của cơ bắp mạnh, có sức đẩy, sức kéo, sức nâng cao… khi làm công việc chân tay một cách thoải mái như mang vác, điều khiển máy móc, sử dụng công cụ… đó là sức lực của con người
Khả năng phản ứng của chân tay nhanh nhậy, đi lại, chạy nhảy, làm các thao tác kỹ thuật nhẹ nhàng, thoải mái.. Đó là sự nhanh nhẹn trong các hoạt động của cơ thể.
Khả năng làm việc hoặc hoạt động chân tay tương đối lâu và liên tục mà không cảm thấy mệt mỏi.. đó là sự dẻo dai, bền bỉ.
Khả năng chống đỡ được các yếu tố gây bệnh như ít ốm đau, nếu có bệnh cũng nhanh chóng khỏi, chóng hồi phục.
Khả năng chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như chịu nóng, lạnh, thời tiết thay đổi đột ngột.
Cơ sở của sức khỏe thể chất chính là trạng thái thăng bằng của mỗi hệ thống và sự thăng bằng của 4 hệ thống: Tiếp xúc, vận động, nội tạng và điều khiển của cơ thể.
Sức khoẻ tinh thần là hiện thân của sự thoả mãn về mặt giao tiếp xã hội, tình cảm và tinh thần. Thể hiện ở sự sảng khoái; ở cảm giác dễ chịu, cảm xúc vui tươi, thanh thản; ở những ý nghĩ lạc quan, yêu đời; ở những quan niệm sống tích cực, dũng cảm, chủ động; ở khả năng chống lại những quan niệm bi quan, lối sống không lành mạnh.
Có thể nói: Sức khoẻ tinh thần là nguồn lực để sống khoẻ mạnh; là nền tảng cho chất lượng cuộc sống, giúp cá nhân có thể ứng phó một cách tự tin và hiệu quả với mọi thử thách, nguy cơ trong cuộc sống. Sức khoẻ tinh thần cho ta khí thế để sống năng động, để đạt được mục tiêu đặt ra trong cuộc sống và tương tác với người khác với sự tôn trọng và công bằng.
Sức khoẻ tinh thần chính là biểu hiện nếp sống lành mạnh, văn minh, có đạo đức.
Bà Elizabeth H. Blackurn, người đạt giải Nobel sinh học đã chỉ ra rằng người ta sống thọ hay khỏe mạnh 50% là do giữ được tâm lý cân bằng, còn ăn uống điều độ chiếm 25%, các hoạt động trong cuộc sống chiếm 25%! Một người hay nổi giận, sẽ phát sinh những hormone độc tính. Y học chứng minh cho thấy các bệnh như ung thư, xơ cứng động mạch, loét hệ tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt, có từ 60 - 90% triệu chứng liên quan tới áp lực tâm lí. Có thể nói đó là một dạng bệnh tâm thể (tổn thương tâm lí đưa đến tổn thương cơ thể).
Cơ sở của sức khoẻ tinh thần là sự thăng bằng và hài hoà trong hoạt động tinh thần giữa lí trí và tình cảm.
Sức khoẻ xã hội là sự hoà nhập của cá nhân với cộng đồng. Như Mác nói: “Con người là sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Sức khoẻ xã hội thể hiện ở sự thoải mái trong các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp giữa thành viên: gia đình, nhà trường, bạn bè, xóm làng, nơi công cộng, cơ quan, doanh nghiệp… Nó thể hiện ở sự được chấp nhận và tán thành của xã hội. Càng hoà nhập với mọi người, được mọi người đồng cảm, yêu mến càng có sức khoẻ xã hội tốt và ngược lại.
Một nghiên cứu trong vòng 20 năm của hai nhà tâm lí người Mỹ đã cho thấy trong số các nhân tố quyết định tuổi thọ, sức khỏe, đứng số 1 là quan hệ tốt giữa người với người.
Cơ sở của sức khoẻ xã hội là sự thăng bằng giữa hoạt động và quyền lợi cá nhân với hoạt động và quyền lợi của xã hội của những người khác; là sự hoà nhập giữa cá nhân, gia đình và xã hội.
Có nhiều yếu tố tác động quyết định đến sức khỏe con người, đó là:
Những đặc điểm di truyền của cơ thể trong đó có những đặc điểm phản ánh về sức khoẻ như: màu da, màu tóc, chiều cao, cân nặng, tuổi thọ… và cả một số bệnh tật đều có thể do các thế hệ trước truyền lại (cha mẹ, ông bà, thậm chí còn xa hơn). Bệnh di truyền ở người là bệnh gây nên do rối loạn cơ cấu di truyền bao gồm rối loạn nhiễm sắc thể và rối loạn gen. Việc chữa trị các bệnh và tật di truyền đang là vấn đề khó khăn và tốn kém, vì vậy cần coi trọng vấn đề phòng bệnh để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh di truyền trong quần thể, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình và cộng đồng góp phần cải tạo nòi giống cho mỗi dân tộc, mỗi quốc gia..
Môi trường là hoàn cảnh xung quanh cơ thể sống. Con người lấy thức ăn, nước uống và ôxy từ môi trường và thải ra môi trường các chất cặn bã (phân, nước tiểu, mồ hôi…).
Đồng thời cơ thể cũng chịu tác động của nhiều yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm của không khí, gió, mưa… Ngoài môi trường tự nhiên con người còn chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội gồm biết bao mối quan hệ phức tạp giữa cá nhân, gia đình và cộng đồng như: giá trị, niềm tin, luật pháp, văn hoá, chính trị, kinh tế, tôn giáo, y tế, giáo dục… Mỗi con người đều có hai mặt: Con người sinh vật học chịu sự chi phối của môi trường tự nhiên và con người xã hội chịu sự chi phối của môi trường xã hội.
Môi trường tác động đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Có thể coi môi trường là con dao hai lưỡi và việc sử dụng nó như thế nào là do con người quyết định.
Hành vi và lối sống bao gồm tất cả các mặt sinh hoạt của con người về tinh thần và vật chất như tư duy, tình cảm, ăn uống, lao động, học tập, nghỉ ngơi, hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi, văn hoá… Hành vi và lối sống lành mạnh, văn minh thì sẽ có lợi cho sức khoẻ, trái lại nếu hành vi và lối sống không lành mạnh, lạc hậu sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như của gia đình và cộng đồng xã hội. Khi xã hội càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần càng tăng cao, chăm sóc y tế ngày một tốt hơn thì sức khoẻ của mỗi người và cộng đồng chủ yếu do hành vi và lối sống bản thân mỗi người và cộng đồng đó quyết định.
Chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe có ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng sức khỏe của mỗi người dân và cộng đồng. Chất lượng điều trị và chăm sóc; số lượng và chất lượng thuốc chữa bệnh có đầy đủ hay không; khả năng tiếp cận với dịch vụ của người dân (chi phí, khoảng cách từ nhà đến cơ sở y tế, thời gian chờ đợi,..); thái độ của cán bộ y tế đối với người bệnh; tính chất của hệ thống chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng (y tế nhà nước hay tư nhân; doanh nghiệp sản xuất, phân phối, cung cấp thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế…), tình trạng tiêu cực của hệ thống chăm sóc sức khỏe đều có ảnh hưởng đến sức khỏe của từng người dân và cộng đồng.
Bốn yếu tố trên liên quan chặt chẽ với nhau, cùng tác động lên sức khỏe. Di truyền quyết định giới hạn thể hiện của các đặc điểm, còn môi trường, hành vi và lối sống, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe quyết định mức độ thể hiện có thể của mọi đặc điểm trong giới hạn do di truyền quy định. Nó là sự thăng bằng, hài hoà của tất cả
những khả năng sinh học, tâm lý và xã hội của con người. Nó là cơ sở quan trọng của hạnh phúc con người.
Với trình độ khoa học hiện nay việc tác động được trực tiếp lên bộ máy di truyền của mỗi người để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, mỗi cá nhân và cộng đồng có thể chủ động tác động lên môi trường (chống ô nhiễm và làm suy thoái môi trường), chủ động thực hành các hành vi vệ sinh, xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh (tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí…), nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm phát huy tới mức cao nhất các vốn di truyền về sức khoẻ để đạt càng gần giới hạn càng tốt.
Như đã trình bày ở trên, 4 yếu tố quyết định sức khỏe thì có 3 yếu tố môi trường, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hành vi lối sống liên quan đến ý thức, sự hiểu biết và thái độ của mỗi người dân, của cộng đồng đối với việc rèn luyện, bảo vệ, nâng cao sức khỏe.
Nếu mỗi người, gia đình và cộng đồng hàng ngày bảo đảm được chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ gây bệnh tật, kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế… chắc chắn sẽ góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
PGS.TS.BSCKII Nguyễn Võ Kỳ Anh