Hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày rằm tháng 7

Ngày nay, các lễ tiết Trung nguyên, Vu Lan, Xá tội vong nhân vào ngày rằm tháng 7 đã trở thành sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của nhiều người Việt.

Trong nghi thức cúng lễ của người Việt, rằm tháng 7 âm lịch là một trong những ngày lễ lớn trong năm. Rằm tháng 7 còn được gọi là Lễ Vu Lan, Ngày Xá tội vong nhân, tết Trung Nguyên. Vậy Lễ Vu lan, Xá tội vong nhân, Tết Trung nguyên có phải là một? Cùng tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ và ý nghĩa của các nghi lễ này.

Trung Nguyên được cho là một tiết khí của văn hóa Đạo giáo vào ngày 15 tháng 7 nông lịch hay còn gọi là lịch mặt trăng. Đạo giáo quan niệm, một năm chia làm ba tiết gọi là "Tam Nguyên" là ngày giáng trần của "Tam quan": Thượng nguyên tiết là vào rằm tháng Giêng; Trung nguyên tiết vào rằm tháng 7 và Hạ nguyên tiết vào rằm tháng 10. Ba tiết nhật này là ba ngày quan trọng trong một năm của văn hóa Đạo giáo và ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa Á Đông.

Lễ hội Vu lan xuất phát từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn. Theo kinh Vu Lan Bồn, Lễ Vu Lan phát xuất từ thời Đức Phật; Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên - một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật.

Xá tội vong nhân là tục lệ có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian. Theo phong tục của một số nước Á Đông, ngày rằm tháng 7 là ngày mở cửa địa ngục ân xá cho các vong linh không nơi nương tựa. Vì thế để các linh hồn lang bạt không quấy nhiễu cuộc sống dương gian người ta thường dâng cúng lễ vật vào ngày rằm tháng 7 để cầu mong sự bình yên.

Như vậy, có thể thấy nguồn gốc của các lễ tiết trong ngày rằm tháng 7 là khác nhau: Tết Trung nguyên có nguồn gốc từ Đạo giáo. Vu lan có nguồn gốc từ Phật giáo. Còn ngày Xá tội vong nhân lại mang màu sắc dân gian.

Xét về ý nghĩa, Trung nguyên vốn là tiết đánh dấu kết thúc nửa đầu của năm âm lịch. Ban đầu giới tu hành lấy ngày đó để chay tịnh và thiết đàn tế tự, sau dần trở thành ngày lễ dân gian cúng chay và đốt mã để dâng tiến gia tiên.

Hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày rằm tháng 7 - Ảnh 1.
Hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày rằm tháng 7 - Ảnh 2.

Đại lễ Vu Lan của Phật giáo chủ trương là "Mùa Báo hiếu", xuất phát từ câu chuyện kể về sự hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Theo lời Phật dạy ông đã cung thỉnh chư tăng mười phương hợp sức chú nguyện để cứu độ cho mẹ. Đức Phật thấu cảm lòng thành của ông cùng chư tăng đã cho khai mở lễ này hàng năm vào ngày rằm tháng bảy và dần trở thành truyền thống báo hiếu cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Trong khi lễ Vu Lan đề cao sự báo hiếu thì lễ Xá tội vong nhân lại đề cao sự ban phước, bố thí cho các cô hồn chưa được siêu thoát còn lưu luyến ở trên trần gian. Theo tín ngưỡng dân gian, từ những ngày đầu tháng Bảy Âm lịch cho đến ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch là ngày "mở cửa địa ngục", các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vất vưởng khắp nhân gian tùy theo nghiệp tội mà họ được về sớm, về với nhân gian nhiều ngày hay ít ngày. Vì vậy, mọi người đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… để bố thí cho các cô hồn không nơi nương tựa và mong ước họ được bữa cơm, bữa cháo cho bớt khổ và cũng mong họ sớm được siêu sinh.

Vì vậy xét về ý nghĩa các lễ này mặc dù không cùng nguồn gốc nhưng cũng có mối tương quan nhất định, đều lấy ngày rằm tháng bảy để thiết tế chay đàn, phóng sinh, bố thí và hướng về các điều phước thiện, thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với các bậc sinh thành, đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí. Đây chính là sự thể hiện tính nhân văn của con người Việt Nam, luôn hướng về tổ tiên uống nước nhớ nguồn và báo hiếu đấng sinh thành.

Ngày nay, các lễ tiết Trung nguyên, Vu Lan, Xá tội vong nhân vào ngày rằm tháng 7 đã trở thành sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Đồng thời Đại lễ Vu Lan đã được hiểu với ý nghĩa rộng hơn: Kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là: Tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; tri ân thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.

Hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày rằm tháng 7 - Ảnh 3.
Hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày rằm tháng 7 - Ảnh 4.
Hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày rằm tháng 7 - Ảnh 5.

Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/index.php/ram-thang-7-la-ngay-gi-a75995.html