Viết giữa những chuyến bay

Lần gần nhất tôi về Việt Nam là tháng 6/2017. Chặng bay khá trúc trắc, tôi phải bay một chuyến nội địa Mỹ từ State College đến Chicago, đợi ở Chicago 8 tiếng mới có máy bay tới Hongkong, và đợi ở Hongkong khoảng 5 tiếng nữa mới có máy bay về Hà Nội. Chuyến bay đầu tiên từ sân bay State College là 6 giờ 30 phút sáng. Tôi dậy từ 3 giờ 30 để kiểm tra lại hành lý và lên đường ra sân bay sớm nhưng trời mưa như trút nước, sấm chớp đùng đùng, đường từ nhà đến sân bay thì tối nên tới gần 5 giờ tôi mới vào được sân bay. Đây là sân bay địa phương nên rất nhỏ, lúc đó chỉ có một vài hành khách bay sớm và 2-3 nhân viên. Tôi tới quầy làm thủ tục check-in nhưng không có ai, đang ngó nghiêng thì một cô người Mỹ da trắng tầm 40 tuổi từ đằng xa, mặc áo mưa màu vàng, chân đi ủng đen, bước nhanh đến chỗ tôi. Gương mặt cô ấy thoáng nhìn đã biết là đang không vui vẻ gì cho lắm.

“Cô làm thủ tục bay?” - Cô ấy lớn tiếng hỏi.

“Vâng đúng” - Tôi nói và đưa cho cô ấy lịch trình bay

“Trời ạ! Tất nhiên rồi! Tất nhiên rồi!” - Cô ấy gần như hét lên rồi lắc đầu cười mỉa mai - ” Tất nhiên là cô sẽ đi Hongkong”

“Xin lỗi. Có vấn đề gì vậy ạ?” - Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, hỏi một cách lịch sự

“Để TÔI nói cho cô biết nhé!” - Cô ấy vừa nói vừa huých khủy tay xô tôi ra và bắt đầu làm thao tác tại quầy check-in tự động - “Các chuyến đi quốc tế như thế này cô phải đến sân bay ÍT NHẤT 2 tiếng, cô có hiểu không? Tôi không nghĩ là hãng cho cô check-in đây này. Cô GẶP MAY thì còn được!” - Cô ấy gằn giọng, nhấn mạnh câu chữ, cố tình cho tôi thấy sự không hài lòng.

“Tôi thực sự xin lỗi. Tôi lấy làm tiếc là mình đã …” - Tôi nói, nhận ra là mình đến muộn khoảng 30 phút.

“TÔI mới gọi là làm tiếc…”- Cô ấy cắt lời tôi, tiếp tục gằn giọng xuống, - “… TÔI lấy làm TIẾC nếu CÔ lỡ chuyến bay này”

Bắt đầu có nhiều người ở sân bay hơn, mọi con mắt đều đổ dồn vào hai chúng tôi. Tôi im lặng, hít một hơi dài. Tôi hiểu mình đến muộn 30 phút nhưng không thể không băn khoăn rằng liệu 30 phút đó nghiêm trọng đến thế không, và quan trọng hơn, có đến mức để cô ấy cao giọng, mỉa mai, và xô đẩy tôi như vậy không? Tôi im lặng, thở ra một hơi dài.

Vài giây sâu, vé lên máy bay được in ra, tôi đã hoàn thành thủ tục check-in. Tôi vừa với tay lấy tờ vé, chưa kịp phản ứng gì thì “BỤP”, cô ấy giằng chiếc vali kéo từ tay tôi và huých vào vai phải của tôi một cái. Cứ thế cô ấy chẳng nói chẳng rằng quay lưng bước đi luôn với vali của tôi.

Nhưng tôi cũng không còn thời gian mà để ý hành động của cô ấy nữa. Tôi bước nhanh đến nơi kiểm tra an ninh, hơi hồi hộp một chút vì sợ mình lỡ chuyến. Nhưng khi đến nơi, người soát vé nói vẫn còn hơn 1 tiếng nữa mới gọi vào máy bay nên tôi cứ ngồi chờ. Ha. Còn những hơn 1 tiếng nữa!

Tôi ngồi đợi trên ghế băng, ngạc nhiên khi thấy mình hoàn toàn thư giãn. Nếu như chuyện vừa rồi xảy ra chỉ 3 năm trước đây thôi, tôi sẽ vô cùng giận dữ và lo lắng. Có lẽ tay chân tôi sẽ cuống cuồng lên, miệng sẽ lắp bắp không nói được lời nào, tim sẽ đập loạn xạ, và sẽ tự cho rằng mình bị đối xử thô lỗ, phân biệt bất công. Nhưng lần này thì khác, tôi hoàn toàn bình thường. Nghĩ đến cô nhân viên check-in ban nãy, tôi đột nhiên cảm thấy đồng cảm. Có thể cô ấy đã phải bắt đầu ca làm của mình từ rất sớm, từ 2-3 giờ sáng, dưới cơn mưa tầm tã, phải làm thủ tục cho nhiều hành khách, phải xách nhiều vali lên băng chuyền… Tôi đã chẳng làm được gì cho cô ấy cảm thấy tốt hơn, lại còn tăng thêm căng thẳng và mệt mỏi cho cô ấy vì đến muộn 30 phút. Đừng hiểu lầm, tôi không phải là thiên sứ thân thiện, cũng chẳng phải ngồi đây để viết ra những lời đạo đức giả. Hơn ai hết, tôi hoàn toàn không hài lòng với thái độ giao tiếp có phần giữ dằn, mỉa mai và cách cô ấy xô đẩy, va chạm thể chất vào khách hàng. Nhưng trước hết, tôi là người sai. Và sau nữa, có thể cô ấy có một công việc không lấy gì làm yêu thích, có thể một hành khách nào trước đó đã làm gì tệ hại với cô ấy nên cô ấy mới thể hiện sự khó chịu với tôi, hoặc có thể gia đình cô ấy đang có điều gì không vui… Có hàng trăm, hàng vạn lý do dẫn đến một lời nói, một hành động tưởng như vu vơ thường ngày. Tôi nghĩ lan man như thế một lúc và càng nghĩ, càng cảm thấy bình tâm hơn và bớt phán xét hơn.

Trên chuyến bay từ State College đến Chicago, tôi nhớ lại rất nhiều kỷ niệm của mình trên từng chuyến bay. Lần đầu tiên tôi lên máy bay là năm 19 tuổi, bay lần đầu nhưng lại là một trong những chuyến đi xa nhất - hơn 18 tiếng ngồi máy bay sang Mỹ và Peru. Kể từ đó, suốt gần 10 năm qua, cuộc đời tôi gắn bó với các chuyến bay. Tôi bay rất nhiều, đa phần một mình, và thường đi những chặng dài. Bởi vậy, tôi có nhiều thời gian suy nghĩ, lắng nghe, quan sát con người và sự việc xung quanh. Tôi nhận ra rằng, mình đã học được rất nhiều điều thú vị giữa những chuyến bay.

1. Tôi học được rằng sân bay là một xã hội thu nhỏ, nơi ta có thể quan sát con người đến từ nhiều nơi trên thế giới, ở nhiều tầng lớp xã hội, với nhiều màu da, chủng tộc, trình độ học thức, văn hoá…

Nếu để ý cách mỗi người thể hiện bản thân và giao tiếp với người khác tại sân bay, bạn có thể biết được khá nhiều về cuộc đời và lý do chuyến đi của họ. Mọi người thường ngồi đợi ở sân bay vì họ chờ đón một chuyến đi mới. Có những chuyến đi rất phấn khích, như một gia đình nọ cả vợ chồng, con nhỏ, và cặp ông bà (cùng rất nhiều thú nhồi bông) chơi với nhau trong khi chờ máy bay đến “thiên đường của trẻ em thế giới” - Disney Land. Có những chuyến bay lại rất buồn, như người đàn ông tóc hoa râm kia ngồi trầm ngâm một mình, lau nước mắt, đợi lên máy bay đi chịu tang mẹ. Không có nhiều nơi trên thế giới mà tất cả những người xa lạ, đủ mọi giai tầng, hoàn cảnh đều đứng cùng một vị trí, chờ đợi cùng một thứ giống nhau như thế.

2. Tôi học được rằng tất cả mọi người ở trong hoàn cảnh không như ý đều căng thẳng, giận dữ, và mệt mỏi. Nhưng cách tốt nhất để vượt qua khó khăn là thông cảm cái khó của mỗi bên, cùng hành động giải quyết, hoặc kiên trì chờ đợi giải pháp tốt hơn.

Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng chỉ có hàng không Việt Nam là hay chậm trễ, tôi bị chậm, lỡ, và bỏ chuyến rất nhiều lần với hàng không Mỹ. Tôi từng bị trễ không chỉ nhiều giờ mà còn nhiều ngày liền. Có lần máy bay huỷ chuyến chỉ báo 30 phút trước giờ bay. Có lần chậm trễ kéo dài quá hãng hàng không phải gửi tôi đến một nhà nghỉ gần đó ngủ một đêm để chờ. Và có ít nhất 3 lần tôi vừa lên máy bay, thắt dây an toàn là thiếp đi ngủ ngay 2-3 tiếng, tỉnh dậy thấy máy bay ở dưới mặt đất, mọi người lục đục lấy hành lý, tôi tưởng máy bay đã tới nơi và hạ cánh rồi. Hoá ra vì máy bay trục trặc kỹ thuật không cất cánh được nên cứ để hành khách ngồi bên trong chờ hàng tiếng đồng hồ. (Yeppp, vẻ ngơ ngác khi tỉnh ngủ và sốc lúc nhận ra sự thật của tôi từng cho các hành khách xung quanh một trận cười nghiên ngả). Tôi bị trục trặc khi bay nhiều đến mức đang ngồi chờ mà thấy được gọi vào sớm rồi cất cánh đúng giờ là lại ngỡ ngàng không hiểu mình đang tỉnh hay mơ ?.

Vì có nhiều “kinh nghiệm” với chậm, lỡ, huỷ chuyến bay như vậy, tôi nhận ra rằng để có thể “đi đến nơi, về đến chốn”, khách hàng phải hết sức bình tĩnh và tôn trọng những nhân viên sân bay đang xử lý sự cố cho mình. Họ là những người chịu áp lức vô cùng lớn từ hãng, từ khách hàng, và từ vô vàn các yếu tố không thể kiểm soát được như thời tiết, đường bay, tổ bay…. Khi sự cố xảy ra, bạn đừng vội than phiền, to tiếng, nhưng cũng đừng bỏ cuộc, hãy cứ kiên nhẫn chờ đợi và thúc đẩy để được lên chuyến bay sớm nhất. Thông thường, khi sự cố xảy ra, hành khách tập trung rất đông ở quầy soát vé; họ lớn tiếng than phiền, giận giữ gào lên trong điện thoại, hoặc mất kiên nhẫn bỏ đi khỏi hàng. Điều này dễ hiểu thôi vì ai chẳng căng thẳng, khó chịu, bực bội khi mọi việc không theo ý mình. Nhưng tin tôi đi, đừng bao giờ bỏ cuộc, hãy cứ bình tĩnh, lịch sự, và kiên trì. Tôi luôn là một trong những người cuối cùng đứng chờ trong hàng, kể cả khi phải chờ tới vài giờ đồng hồ. Khi bị nhiều khách hàng giận dữ “quây” lại, nhân viên hãng/sân bay sẽ mong muốn tản khách ra, mong khách tự tìm ra được giải pháp (ví dụ: liên hệ hãng máy bay khác qua điện thoại, lái xe ô tô thay vì bay…). Đôi khi vì chính những nhân viên này cũng chưa tìm được giải pháp nào tốt nhất cho khách, họ cố gắng xoa dịu khách trước khi có thời gian để giải quyết vấn đề. Tôi luôn luôn đứng trong hàng, gọi điện thoại thương lượng với hãng máy bay khác cũng trong hàng, mà bàn kế hoạch di chuyển bằng phương tiện khác cũng trong hàng. Kể cả khi nhân viên nói: “Sẽ có một chuyến mới buổi chiều, mọi người cứ đi ăn sáng rồi quay lại sẽ có vé cho chuyến mới!” hay “Việc này tôi chưa biết hướng xử lý, mọi người có thể đứng sang bên và gọi vào số này”, tôi vẫn đứng trong hàng. Tôi chưa bao giờ dời đi, ít nhất là cho đến khi có được một giải pháp chắc chắn.

Rất nhiều lần, khi phần đông khách hàng đã tản ra các nơi hết, họ mới “đột ngột” thông báo: “Ồ! Có một chuyến bay khác cùng đến một nơi với chuyến của mọi người. Chuyến này vẫn còn một vài chỗ [vô cùng ít ỏi] và sắp cất cánh. Mọi người nhanh chân đi đến cổng XXX để lên máy bay”. Ha. Đương nhiên chỉ có số ít những người còn trong hàng là nghe thấy và kịp chạy đến cổng máy bay kia. Thậm chí có một lần, sau khi thấy tôi kiên trì đứng đợi trong hàng, kéo 2 cái vali to từng chút một chờ đến lượt giải quyết, người quản lý hãng hàng không mới gọi tôi lại. Ông ấy đưa cho tôi một vé đi taxi miễn phí (trị giá hơn 100 usd) từ State College đến Harrisburg và vé bay mới để đi ngay hôm đó từ Harrisburg về Hà Nội. Ông ấy thì thầm: “Mong cô giữ bí mật! Đừng cho ai biết. Chúng tôi không đủ điều kiện hỗ trợ tất cả hành khách ở mức độ này”. Vậy đấy. Hãy tin tôi, đừng bao giờ bỏ cuộc, luôn kiên nhẫn chờ đợi và thúc đẩy với tất cả sự tôn trọng và cảm thông.

3. Tôi học được rằng năng lượng tiêu cực là một loại vi-rút truyền nhiễm với tốc độ chóng mặt, còn năng lượng tích cực là một ngọn đèn nhỏ le lói mà phải để ý rất kỹ ta mới chạm vào được.

Khi bạn phải xếp hàng rất lâu trong một hoàn cảnh căng thẳng, nếu để ý quan sát, bạn sẽ nhận thấy con người có những hành vi rất giống nhau. Sẽ luôn có những gia đình giận dữ — vợ, chồng, con cái nhăn nhó, gắt gỏng lẫn nhau vì mọi chuyện không theo đúng kế hoạch. Sẽ luôn có những người đàn ông bận rộn — tay trái xách cặp da, tay phải mở laptop, một vai ghếch lên giữ điện thoại di động bên tai - họ tranh thủ làm nhiều việc một lúc và liên hệ nhanh để làm sao lên được chuyến bay sớm nhất cho kịp cuộc họp. Và đặc biệt, sẽ luôn có những “quý cô” du lịch theo nhóm nhỏ hoặc một mình đứng cạnh nhau, lắc đầu lia lịa, mắt đảo liên tục, luôn miệng than phiền về mọi thứ trên đời. Nếu là một người trẻ, đi một mình, và có nhiều điều “bức xúc”, bạn sẽ dễ thấy đồng cảm và muốn nhảy vào “góp vui” với họ. Nhưng tin tôi đi, đừng làm vậy! Than phiền và đưa chuyện sẽ chẳng giải quyết được gì, chỉ làm tăng thêm sự tiêu cực mà thôi. Thay vào đó, hãy tìm những người tích cực để chia sẻ - họ thường là những người nhìn thoải mái, thư giãn, và vui vẻ nhất.

Tôi từng gặp một người hệt như thế 3 năm trước khi đang xếp hàng chờ máy bay. Hôm đó, tất cả hành khách đều xếp hàng chờ giải quyết sau khi máy bay buộc hạ cánh vì vấn đề kỹ thuật (chúng tôi đã lên máy bay ngồi đợi một lúc lâu rồi sau đó lại phải xuống máy bay). Mọi người vô cùng giận dữ. Tôi cũng chẳng vui vẻ gì, chỉ có mỗi 2 ngày cuối tuần để đến thăm bạn trai mà đã mất đứt đi nửa ngày ở sân bay mà chưa đi được đến đâu cả. Nhưng khi tôi vừa định mở điện thoại lên than vãn thì bắt gặp ngay ánh mắt ấm áp và nụ cười hiền hậu của một bác gái đứng bên cạnh. Bác ấy là người đầu tiên trong ngày mỉm cười với tôi. Bác ấy kể rằng mình đến sân bay từ rất sớm nhưng chuyến bay đầu tiên bị hủy và hãng chuyển cho bác ấy xuống chuyến này. Rồi chuyến này cũng có trục trặc nốt! Từ sáng đến giờ bác ấy còn chưa kịp ăn gì. Tôi tròn mắt: “Trời đất, chắc bác bực mình lắm nhỉ?”. Tôi tưởng đâu bác ấy sẽ tuôn một tràng dài than vãn. Nhưng bất ngờ thay, bác ấy cười nói: “Không, tôi không bực đâu. Tôi thà đợi một chút còn hơn lên một cái máy bay hỏng. Như thế này tốt hơn. Họ làm cẩn thận đấy. Tôi cũng không vội.” Đó là một lời giải thích đơn giản mà dễ chịu nhất tôi được nghe trong ngày. Nghe vậy, tôi mỉm cười đáp lại và lập tức cảm thấy nhẹ nhõm, bình an hơn hẳn. Tôi ước một ngày nào đó mình có được cái tâm an lành như bác ấy.

4. Tôi học được tầm quan trọng của du lịch gọn nhẹ (travel light)

Tôi vốn là người có thói quen mang thừa thãi đồ đạc khi đi du lịch nhưng kể từ khi gặp nhiều sự cố hành trình, tôi mới thấu hiểu tầm quan trọng, cả về thể chất lẫn tinh thần, của du lịch gọn nhẹ. Mang càng ít đồ, bạn sẽ càng thoải mái, càng cơ động, và càng dễ ứng phó với những tình huống xấu. Chẳng thích thú gì khi phải đặt lên, rồi dỡ xuống những hành lý xách tay cồng kềnh khi máy bay không khởi hành được, rồi kéo lê những chiếc vali nặng trịch đi xếp hàng, rồi chạy cuống lên tìm cửa máy bay mới, đó là còn chưa kể những hành lý đã ký gửi vào băng chuyền rồi lại phải chờ đợi lấy ra khi chuyến bay bị hủy … — những lúc như thế chỉ muốn vứt hết đồ đạc đi luôn cho rảnh nợ. Ngày nay, với việc mang ít hành lý (thường là 1 va-li xách tay và 1 túi đeo vai), tôi cảm thấy không gì có thể làm khó mình được; tôi có thể đi khắp nơi và giải quyết được mọi vấn đề nảy sinh trên hành trình.

5. Tôi học được cách thư giãn và tận dụng thời gian bay hiệu quả.

Tôi thường phải bay những chuyến dài, nhiều khi lên đến 15 tiếng ngồi máy bay, và điều này thực sự mệt mỏi. Hai năm đầu ở Mỹ, tôi đều về thăm nhà vào đúng thời điểm thi cuối kỳ. Vì quá bận, tôi làm việc điên cuồng tại sân bay, trên máy bay, khi transit chờ nối chuyến; thời đó tôi cứ ước ao có một ngày nào đó được bay về Việt Nam mà không phải chạy cái deadline nào, tha hồ ngủ nghỉ thảnh thơi. Nhưng đợt vừa rồi tôi về Việt Nam giữa mùa hè, không hề có việc gì cấp bách phải làm trên đường đi, vậy mà tôi trằn trọc mãi không ngủ được, cảm thấy thời gian trôi qua chậm vô cùng tận. Lúc đó tôi lại ước mình có việc gì đó để làm cho thời gian qua nhanh hơn.

Sau lần đó, tôi nhận ra rằng thư giãn trên máy bay hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào tâm thế và cái nhìn của mình về thời gian. Đầu tiên phải chấp nhận một sự thật là ghế ngồi máy bay (dù có lên đến hạng thương gia đi chăng nữa) cùng không thể thoải mái như giường chiếu ở nhà được, vì vậy, trước khi lên máy bay, hãy xác định và chuẩn bị cho sự không thoải mái (đồng nghĩa với việc nói không với than phiền!). Sau nữa, hãy lên máy bay với một tâm thế tốt - xác đinh thời gian chờ đợi sẽ dùng để nghỉ ngơi hoàn toàn (ăn uống, ngủ, xem phim…) hoặc làm việc hiệu quả (làm việc, đọc sách, viết lách…) - dù làm gì đi chăng nữa đây cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để tập trung tuyệt đối làm những gì mình thích. Cuộc hành trình có ý nghĩa hay không là do ta tự quyết định; hành trình sẽ buồn chán, mệt mỏi, khó chịu nếu ta cảm thấy tiêu cực; nhưng cũng có thể sẽ vui tươi, nhiều trải nghiệm nếu ta có mắt nhìn tích cực.

Cá nhân tôi giờ rất mong chờ đến đến chuyến bay dài tiếp theo để trải nghiệm :).

6. Tôi học được một câu nói tuyệt vời từ cơ trưởng — câu mà hành khách nào cũng chờ đợi để nghe:

“Cabin crew, prepare for landing”

(Tổ bay, hãy chuẩn bị để hạ cánh)

Be Present,

Chi Nguyễn

*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/index.php/ke-ve-lan-dau-di-may-bay-bang-tieng-anh-a75274.html