Ảnh minh họa.
Pháp luật hiện nay không cấm giáo viên xăm hình. Xăm hình là quyền riêng tư của mỗi cá nhân, không ai có quyền can thiệp. Tuy nhiên, giáo viên không nên để lộ hình xăm trên cơ thể. Bởi giáo viên là hình mẫu để cho các em học sinh học tập và làm theo. Giáo viên ở Việt Nam hiện nay làm việc theo hai chế độ, hoặc là được tuyển dụng vào làm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, hoặc là làm việc theo hợp đồng lao động. Trường hợp giáo viên là viên chức thì chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức. Nếu giáo viên làm việc theo hợp đồng lao động thì chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Cả hai nhóm đối tượng này đều chịu sự điều chỉnh của Luật Giáo dục.
Theo nội dung tại Điều 19 Luật Viên chức năm 2010, được sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì xăm hình không thuộc vào nhóm, những việc mà viên chức không được làm. Bộ luật Lao động năm 2019 cũng không có quy định nào cấm người lao động xăm hình. Tương tự như vậy, Điều 67 Luật Giáo dục 2019 quy định về tiêu chuẩn của nhà giáo và Điều 69 quy định về nhiệm vụ của nhà giáo cũng không quy định, cấm giáo viên xăm hình.
Như vậy, có thể nói, pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm giáo viên xăm hình lên cơ thể. Tuy nhiên, ngoài quy định của pháp luật thì giáo viên còn có trách nhiệm thực hiện điều lệ của nhà trường và quy tắc ứng xử của nhà giáo. Điều lệ do Nhà trường quy định và ban hành. Do đây là văn bản nội bộ nên mỗi trường có một quy định khác nhau, không thống nhất.
Những điều lệ, quy tắc này là văn bản dưới luật, không mang tính quyền lực Nhà nước buộc người dân phải tuân thủ. Các giáo viên có trách nhiệm tuân theo điều lệ do trường học nơi mình làm việc ban hành. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định trong nội quy, quy chế của Nhà trường. Có thể nói, việc xăm hình là quyền riêng tư của mỗi cá nhân, không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, giáo viên là một nghề cao quý được cả xã hội tôn trọng. Mỗi việc làm của giáo viên như là một tấm gương định hướng suy nghĩ và hành động của người học. Do đó, việc giáo viên xăm hình có thể sẽ khiến học trò thực hiện theo, ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ.
Việc xăm hình lên cơ thể vẫn chưa được số đông cộng đồng dân cư chấp nhận bởi nó không phù hợp với lối sống giản dị, thanh lịch của người Việt Nam truyền thống. Việc giáo viên xăm hình về mặt bản chất là không sai, cũng không xấu. Tuy nhiên, ở độ tuổi chưa có hiểu biết toàn diện và ý thức đầy đủ về hậu quả của hình xăm thì việc “học trò học giáo viên” rồi xăm hình đôi khi lại là một lỗi lầm của người làm nghề giáo.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều em học sinh lỡ xăm hình, sau đó bị mất cơ hội để được vào học tại các trường công an, quân đội, khiến các em không thể theo đuổi đam mê chỉ vì chưa có hiểu biết đầy đủ. Có những em sau khi xăm hình thì bị xã hội chỉ trích, bị bạn bè xa lánh bởi những quan điểm truyền thống. Nhiều em bị mất hạnh phúc cá nhân khi cha mẹ người bạn đời của mình không thể chấp nhận một hình xăm trên cơ thể của con.
Còn đó rất nhiều những hệ lụy xấu mà một hình xăm có thể mang lại cho cuộc sống của mỗi người. Khi mà những em học sinh vẫn chưa có những hiểu biết đầy đủ về hậu quả của việc xăm hình thì giáo viên không nên thể hiện những hành vi đồng thuận với sự việc đó. Thực tế hiện nay có không ít những giáo viên xăm hình lên cơ thể. Thay vì lên án hay phê phán hành vi xăm hình của giáo viên. Hãy tôn trọng quyền riêng tư của người giáo viên đó và cung cấp đủ kiến thức cho trẻ về hậu quả của việc xăm hình. Xã hội ngày càng phát triển, mọi người sẽ sống với nhau chân thành và cởi mở hơn, những định kiến sẽ dần bị xóa bỏ. Tôi mong sẽ có một ngày nào đó, xã hội chấp nhận những khác biệt, những quyền tự do riêng của mỗi người. Khi đó, giáo viên cũng sẽ được sống theo cá tính và sở thích của chính mình.
Luật sư NGUYỄN THỊ KIỀU TRANG
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
2 phương án khai thác trở lại các chuyến bay nội địa
Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/index.php/giao-vien-co-duoc-xam-hinh-khong-a74694.html