Ảnh: vnad.edu.vn
1. Vài nét về múa hiện đại và múa đương đại
Múa hiện đại
Múa hiện đại dựa trên những yếu tố cơ bản của múa ballet cổ điển, thông qua múa tân cổ điển, được phát triển vào cuối TK XIX, thường được biểu diễn bằng chân đất và kéo dài tới những năm 1950 TK XX.
“Múa hiện đại được tạo ra bởi những người đã mệt mỏi vì những hạn chế của Ballet” (1). Vào đầu những năm 1900, hai diễn viên múa người Mỹ, Isadora Duncan (1878-1927) và Ruth St. Denis (1879-1968) cùng diễn viên múa người Đức, Mary Wigman (1886-1973) bắt đầu phản đối những quy tắc khó của múa ballet cổ điển. “Họ tạo ra các bước mới theo ý thích của họ... lấy các vị trí và bước múa của ballet cơ bản và thay đổi chúng... Múa hiện đại cho phép tạo ra các bước của riêng mình...” (2). Những người tiên phong giai đoạn đầu múa hiện đại đã tập trung vào sự sáng tạo của bản thân trong cách thể hiện hơn là vào những kỹ thuật cao.
Tại châu Âu, Đức, một số biên đạo múa đã sáng tạo ra hay cố gắng phát minh ra một dòng múa phá vỡ mọi quy tắc của dòng múa cổ điển. Điển hình trong số họ là biên đạo múa - sư phạm múa Kurt Jooss (1901-1979) và diễn viên múa - biên đạo Mary Wigman. Trong đó, Kurt Jooss quan tâm đến các vấn đề xã hội và những vấn đề của thời đại trong những năm 20, 30 TK XX như tham nhũng, chính trị và chính sách quân sự. Ông sử dụng các yếu tố của ballet cổ điển trong tác phẩm múa của mình như độ mở, độ dài rộng, độ quay... nhưng ông không sử dụng đi trên giày mũi cứng và những tính năng thể hiện kỹ thuật điêu luyện. Sự duyên dáng, thanh tao, lịch lãm... của ballet cổ điển đã được ông loại bỏ. Ông được biết đến với phong cách “bản chất luận”, tức là diễn viên múa trong tác phẩm của ông cần nắm bắt bản chất của mỗi chuyển động hoặc các tạo hình, dáng đứng và động lực bên trong qua những động tác. Còn Mary Wigman truyền đạt một sự độc lập nhất định trong di chuyển các bước múa, trong chuyển động. Bà được xem là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử múa hiện đại và là người tiên phong múa theo chủ nghĩa biểu hiện...
Múa hiện đại phản ánh một phong cách mới, bác bỏ những quy tắc cơ bản của ballet cổ điển, loại bỏ các thói quen có cấu trúc và tập trung vào tự do giải thích nguồn gốc từ những cảm xúc bên trong. Diễn viên múa thể hiện múa hiện đại trên đôi chân trần, ngôn ngữ có xu hướng thoải mái, trang phục đa dạng với nhiều màu sắc được pha trộn, nhẹ nhàng, hỗ trợ cho sự di chuyển của các động tác múa.
Trên thế giới có một số hệ thống kỹ thuật và theo đó là những trường phái múa hiện đại khác nhau, nhưng tập trung hơn cả là bốn hệ thống kỹ thuật. Ba kỹ thuật mang tên người phát minh: Martha Graham (1894-1991, người Mỹ), Merce Cunningham (1919-2009, người Mỹ), Jose Limon (1908-1972, người Mexico) và một kỹ thuật Release có nghĩa là “thả lỏng”.
Kỹ thuật Graham tập trung vào những động tác, kỹ thuật trên mặt sàn, sử dụng quy ước giữa phần bụng và hông, sự thả lỏng, ngã và phục hồi.
Kỹ thuật Cunningham chú trọng về nghệ thuật tạo hình trong không gian, chú trọng đến tiết tấu và sự ăn khớp của các động tác cũng như với diễn viên múa. Sử dụng những đường nét trên cơ thể để nêu lên sự thoải mái, tự nhiên.
Kỹ thuật Limon thiên về sức mạnh. Dùng sức mạnh làm việc với sức nặng trong lúc ngã, lúc bật dậy, phục hồi và treo lửng.
Kỹ thuật Release, như tên gọi của nó, chú trọng đến sự thả lỏng của các khớp, cơ bắp, tạo cho những động tác thoải mái, thư giãn. Kỹ thuật này tìm sự nhẹ nhàng, giảm thiểu sự căng thẳng trong những động tác có sức mạnh, cũng như trong hơi thở.
Bên cạnh đó, trong múa hiện đại còn có kỹ thuật múa ngẫu hứng mà sau này là nền tảng cho kỹ thuật tương tác ngẫu hứng trong múa đương đại.
Mặc dù các kỹ thuật múa hiện đại khác nhau, nhưng múa hiện đại có những đặc trưng chung, đó là khuyến khích diễn viên múa sử dụng những cảm xúc và tâm trạng của mình để thiết lập các bước múa và trình tự của nó. Sử dụng có chủ ý của trọng lực cũng như sử dụng trọng lượng của cơ thể để tăng cường vận động trong các động tác múa. Một đặc trưng dễ nhận thấy trong múa hiện đại là những động tác ngã xuống mặt sàn và những động tác múa trên mặt sàn.
Múa đương đại
Múa đương đại phát triển từ múa hiện đại, còn múa hiện đại dựa trên những yếu tố cơ bản của múa cổ điển châu Âu làm nền tảng.
Trong TK XX, nghệ thuật múa đã trải qua các cuộc cách mạng văn hóa liên tiếp ở nhiều châu lục. Tại Mỹ, Merce Cunningham đã cách mạng hóa cách tiếp cận về nghệ thuật múa trên toàn thế giới. Lịch sử múa đương đại cho rằng Merce Cunningham là biên đạo múa đầu tiên tuyên bố chống lại những quan niệm thành lập của múa hiện đại, thậm chí phản bác hệ thống kỹ thuật múa hiện đại của chính ông và phát triển một thái độ độc lập đối với các tác phẩm nghệ thuật.
Quan điểm sáng tác múa đương đại của ông là tác phẩm múa phải trừu tượng, không cần chủ đề, chuyển động phải có biểu cảm, không cần kể câu chuyện mà hãy để khán giả thoải mái tự nhìn nhận, tự hiểu bằng kiến thức của mình. Không chỉ sáng tác múa bằng cảm hứng mà tác phẩm cần mang tính triết lý và xuất phát từ nhịp đập nội tâm của cá nhân biên đạo, của diễn viên múa. Múa và âm nhạc độc lập với nhau, múa trong khoảng lặng cũng là một yếu tố thẩm mỹ. Diễn viên múa thể hiện để truyển tải hơi thở, hồn múa như là sự di chuyển nhận thức bên trong chứ không phải để khán giả đánh giá, phân tích. Họ có khả năng múa với tốc độ nhanh, thay đổi tiết tấu, thay đổi phướng hướng, thích ứng trong mọi trường hợp. Cunningham sử dụng kỹ thuật phần chân của múa ballet cổ điển trong sáng tác.
Ở châu Á, cụ thể là Nhật Bản, có sự ra đời của một thể loại múa mới - Butoh. Tatsumi Hijikata (1928-1986) được coi là người đã sáng lập ra Butoh. Ông đã dựa trên tính triết lý của múa đương đại phương Tây và kịch Nô của Nhật Bản. Tiết mục múa đầu tiên của Hijikata vào năm 1959 đã tạo ra một vụ bê bối và bị cấm bởi sự lên án của xã hội vào thời điểm đó. Sau này, ông đã được chào đón nồng nhiệt ở phương Tây, đặc biệt ở châu Âu trong những năm 1970. Đến những năm 80 của thế kỷ trước, Butoh đã được đón nhận ở Nhật Bản và có thành công lớn, nổi trội lên là sự quan tâm đến việc tìm kiếm bản sắc dân tộc trong nghệ thuật múa. Thập niên 90 của thế kỷ trước, Butoh Nhật Bản đã được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới và là tài liệu quý giá về văn hóa Nhật Bản.
Butoh có những tính năng phổ biến mà đã được ghi trong hầu hết các văn bản lịch sử múa đương đại: Phản ánh các chủ đề cấm kỵ, biểu diễn trong môi trường khắc nghiệt hoặc vô lý, biểu diễn có hoặc không có khán giả, các động tác được kiểm soát với sự chuyển động chậm, không có động tác cụ thể và có thể đưa ra tính triết lý mà không cần sự chuyển động. Cơ thể gần như khỏa thân hoàn toàn và được bôi (sơn) màu trắng, khuôn mặt méo mó và đôi mắt được ngước lên, chân và bàn chân xoay vào trong, sử dụng vị trí thai nhi trong ngôn ngữ múa.
Những năm 80 của thế kỷ trước, Pina Bausch (1940-2009, người Đức), người được công nhận là một trong những biên đạo múa đương đại quan trọng nhất cuối TK XX, đã xây dựng một số đặc trưng trong sáng tác múa của mình: Diễn viên cần có kỹ thuật cao và luyện tập ballet cổ điển hằng ngày cùng các tổ hợp múa mang yếu tố thơ. Các buổi biểu diễn có sự hỗn hợp của hòa nhạc, ca kịch và luôn được ứng biến. Đối tượng phản ánh là sự mất mát của con người, mặt trái của sự ngọt ngào trong hệ thống xã hội và bà cho rằng xã hội đó là sự dập khuôn, đạo đức giả. Sự lặp lại và miêu tả những đường cong, không thẳng trong tuyến múa. Bà từ chối việc tạo ra nhân vật sân khấu, nhưng lại sử dụng giọng nói và cử chỉ sân khấu cho diễn viên múa.
Mỗi biên đạo múa đương đại đều có phong cách sáng tác riêng dựa trên nền tảng kiến thức về nghệ thuật, khoa học, đời sống của mình. Có thể nói, kỹ thuật múa đương đại có xu hướng tập trung vào sự chắc chắn, kiểm soát của phần chân trong múa ballet cổ điển và sự thoải mái ở phần thân trên của múa hiện đại cũng như những kỹ thuật trên mặt sàn, ngã - phục hồi và đặc trưng múa ngẫu hứng trong múa hiện đại. Những sự thay đổi nhanh chóng, bất ngờ trong nhịp điệu, tốc độ, phương hướng cũng được múa đương đại sử dụng.
Thông qua sự phát triển từ múa hiện đại đến múa đương đại theo sự biến đổi của xã hội, chúng ta có thể thấy những đặc trưng cơ bản của múa đương đại như sau:
Về nội dung
Múa đương đại có thể có chủ đề, có tính cách nhân vật hoặc không có, nhưng nó phải mang yếu tố triết lý với nhiều tầng ý nghĩa. “Hiểu một cách trực quan thì khi một ai đó thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, tất yếu sẽ nảy sinh một cuộc đối thoại vô hình với tác giả. Trong cuộc đối thoại này, tác giả đưa ra ngôn ngữ biểu đạt của mình và người thưởng thức cảm nhận nó bằng những tư duy và ấn tượng đến từ kinh nghiệm cá nhân” (3).
Qua đây, chúng ta thấy rằng, lứa tuổi, kiến thức, tâm trạng của khán giả quyết định sự khám phá tiết mục, vở múa đương đại.
Về hình thức
Đặc trưng của múa đương đại được thể hiện thông qua các cử chỉ, điệu bộ, toàn bộ cơ thể bằng cảm xúc, xúc cảm tận cùng bên trong của người diễn viên, đem đến cho người xem những trạng thái, phương pháp, quá trình tìm hiểu và sự tận hưởng tiết mục, tác phẩm múa khác nhau. Ngoài ra, yếu tố song song của chân cũng dễ nhận ra cùng những động tác múa được sáng tạo bởi biên đạo hoặc bởi diễn viên múa.
Về ngôn ngữ
Đó là sự kết hợp giữa các yếu tố của các dòng múa, đặc biệt là sự phát triển đặc trưng từ múa hiện đại như sự co và dãn của cơ thể hay múa với sức nặng, múa trên mặt sàn cùng những động tác lăn... Có thể thấy rõ, ngôn ngữ trong múa đương đại có sự tìm tòi, sáng tạo của các biên đạo và mang yếu tố cá nhân của bản thân họ. Họ tạo ra những hình dáng bất thường, những luật động, động tác trôi chảy, bất ngờ. Thông qua đó, họ tạo ra phong cách riêng của mình. Nhiều khi ngôn ngữ múa lại do chính diễn viên múa sáng tạo với sự ngẫu hứng, tương tác ngẫu hứng bằng những tư tưởng, yêu cầu của biên đạo múa. Có những biên đạo có phong cách giống nhau, nhưng thủ pháp, xử lý trong tiết mục múa thì không giống nhau.
Sự liên kết với nhau giữa các hình thức múa trong múa đương đại
Múa đơn, múa đôi, múa ba người, nhóm múa ít người, đông người đều được kết nối với nhau, không tách rời, riêng biệt như trong múa ballet cổ điển hay trong múa hiện đại. Sự kết nối ấy không chỉ bằng ánh mắt, những gì nhìn thấy mà bằng cả phần sau của cơ thể hay có thể nói, đó là sự cảm nhận và liên kết của toàn bộ cơ thể với đa dạng về khoảng cách. Các mối quan hệ trong múa đương đại không nhất thiết nữ phải múa với nam mà nam múa với nam hoặc nữ múa với nữ.
Sử dụng đa dạng về không gian trên sân khấu
Cùng một lúc các diễn viên thể hiện múa ở các địa điểm, vị trí khác nhau, không phải múa ở địa điểm, vị trí này trước rồi đến địa điểm, vị trí khác. Thậm chí, múa trên mặt sàn của sân khấu và múa trên không của sân khấu.
2. Sự tương đồng và khác biệt giữa múa hiện đại và múa đương đại
Từ những đặc trưng cơ bản trên, có thể thấy múa hiện đại và múa đương đại có sự tương đồng và có sự khác biệt qua bảng so sánh cụ thể dưới đây:
3. Kết luận
Từ múa cổ điển châu Âu đến múa hiện đại rồi múa đương đại cho chúng ta thấy sự phát triển của nghệ thuật múa nói chung. Mặc dù mỗi dòng múa có những đặc trưng riêng, phát triển theo bối cảnh của xã hội và sức mạnh nội tại của bản thân chúng nhưng chúng đều liên quan đến nhau. Dòng múa ra đời trước là nền tảng cho dòng múa sau. Múa hiện đại đã hình thành những hệ thống kỹ thuật phổ biến, là cơ sở cho múa đương đại tìm tòi, sáng tạo. Những quan điểm sáng tác múa đương đại của Merce Cunningham, người được mệnh danh là nghệ sĩ múa đương đại đầu tiên trên thế giới, cũng như một số đặc trưng trong sáng tác múa của Pina Bausch và những tính năng phổ biến của múa đương đại Butoh là căn cứ để rút ra những đặc trưng của múa đương đại ở các phương diện nội dung và hình thức đi cùng những tương đồng và khác biệt với múa hiện đại.
Múa đương đại đã phát triển theo nhiều phong cách đa dạng và đang tiếp cận chuyển động từ những góc độ khác nhau, thích ứng với thế giới rộng lớn, năng động. Công nghệ và khoa học, môi trường xã hội, toàn cầu hóa là chủ đề mà múa đương đại hướng đến với công nghệ mới và các triết lý mới.
______________________
1, 2. Ballet and modern dance (Múa ballet và hiện đại), oocities.org.
3. The handy e-book of Contemporary dance history (Sách e-book Lịch sử Múa đương đại), contemporary-dance.org.
Tài liệu tham khảo
1. Stephen Barber, Hijikata: Revolt of the Body (Hijikata: Cuộc nổi dậy của cơ thể), Solar Books, 2010.
2. Royd Climenhaga, Pina Bausch, Routledge, 2009.
3. Philippe Noisette, Talk about Contemporary Dance (Bàn về múa đương đại), Flammarion, 2011.
4. Phạm Trần Lê, Một hành trình của nghệ thuật đương đại thế giới, tiasang.com.vn, 15-12-2008.
TS LÊ HẢI MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024
Link nội dung: https://vinaenter.edu.vn/index.php/mua-hien-dai-la-gi-a74523.html