1. Thông tin cơ bản
- Tuổi: 36
- Giới tính: Nam
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 17 năm (12 năm làm phục vụ mặt đất, 3 năm làm phi công)
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Tốt nghiệp THPT
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):
- Tham gia đào tạo để có 3 chứng chỉ cơ bản cần có dành cho phi công tại Việt Nam
- Bằng lái máy bay tư nhân (Private Pilot)
- Bằng lái máy bay bằng thiết bị (Instrument Rating Pilot)
- Bằng lái máy bay thương mại (Commercial Pilot)
- Sau khi tham gia đào tạo => Nộp đơn vào hãng hàng không => Đào tạo tại hãng
- Chứng chỉ chuyển loại tàu bay (mỗi phi công thương mại chỉ được lái một loại tàu bay)…
- Khác: Chứng chỉ MCC (Multiple Crew Coordination - chứng chỉ hợp tác làm việc các thành viên tổ lái), CRM (Crew Resource Management - quản lý nguồn lực tàu bay)….
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Đoàn bay 919 (Thuộc Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam) - khoảng 2000 nhân sự
2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?
- Trách nhiệm chính: Lái máy bay, đảm bảo cất cánh và hạ cánh an toàn
- Mang đến GIÁ TRỊ TRỰC TIẾP cho cả hành khách và đơn vị vận chuyển. Khi khách hàng tìm đến một dịch vụ vận chuyển, họ không thể thiếu người vận chuyển.
3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Mình đã làm khai thác mặt đất trong ngành hàng không nhiều năm, đâu đó đã cảm thấy “đủ” với công việc hiện tại.
- Thông qua các mối quan hệ trong công việc, chia sẻ của anh em đồng nghiệp, mình được biết nghề phi công có thu nhập tốt hơn, công việc thú vị hơn, điều kiện sống tốt hơn… Điều đó thôi thúc mình chuyển hướng qua nghề phi công.
- Bản thân mình là người tự quyết định. Ban đầu gia đình không ủng hộ lắm (do mình bắt đầu chuyển nghề phi công khi lớn tuổi, chi phí đào tạo tốn kém…), nhưng vợ mình rất ủng hộ nên mình có niềm tin và chỗ dựa tinh thần lớn.
- Nếu được chọn lại, mình vẫn quyết định theo nghề phi công. Dù đã trải qua những lúc khó khăn, chán nản… nhưng nhìn lại một hành trình thì với mình đây vẫn là một công việc tốt.
4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Do đặc thù công việc không làm theo giờ hành chính nên mình sẽ mô tả hạng mục công việc dựa trên một chuyến bay giả định.
Ví dụ: một chuyến bay từ Sài Gòn đi Hà Nội vào lúc 9h sáng (giờ khởi hành trên vé) và bay ngược về Sài Gòn
06:00
(3 tiếng trước giờ bay)
Thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, ủi đồ…
Đọc tài liệu trước chuyến bay (thông số kỹ thuật, chỉ số dầu, thông tin khí tượng, sân bay…) sẽ được cập nhật trên hệ thống tài liệu chung 3 tiếng trước giờ bay
7:00
(2 tiếng trước giờ bay)
Di chuyển từ nhà ra sân bay (15-20 phút) đến nơi tập trung của phi công 7:30
(1,5 tiếng giờ bay)
Các phi công sẽ thảo luận với nhau trước khi thực hiện chuyến bay
Mình đang là cơ phó, sẽ trao đổi với cơ trưởng hoặc phi công đi cùng (nếu có) để thống nhất các vấn đề như khởi hành thế nào, lấy xăng dầu bao nhiêu, tình hình thời tiết có phải thay đổi gì hay không…
8:00 - 9:00 Có mặt tại tàu bay
Thực hiện các thủ tục: Nhập dữ liệu vào máy tính, kiểm tra thông tin, thảo luận với tổ tiếp viên, trao đổi với bộ phận phục vụ hành khách… Từ đó, thống nhất giờ cho khách ra máy bay
Đợi khách lên tàu bay
Khi khách đã lên đủ, tiếp viên thông báo sẵn sàng và đóng cửa tàu bay
9:00 - 11:30 Trong quá trình bay, nhận thông tin liên tục từ đài kiểm soát không lưu, điều khiển các thông số kỹ thuật trên tàu bay, giám sát hệ thống (chế độ bay tự động) để có gì phát sinh sẽ can thiệp kịp thời
Thực hiện tiếp cận mặt đất, hạ cánh
Cho máy bay di chuyển vào bãi đến
Cho hành khách rời khỏi tàu bay
Lặp lại quy trình trên cho chuyến bay từ Hà Nội về Sài Gòn Trở lại Sài Gòn Trở lại địa điểm tập trung của tổ bay như ban đầu
Hoàn trả các thiết bị: iPad, công cụ, tài liệu
Di chuyển về nhà, kết thúc ngày làm việc
Ghi chú: Thời gian làm việc phụ thuộc vào số lượng hành khách và sản lượng khai thác chuyến bay
VD: Cao điểm hè, trung bình một tuần làm 4-5 ngày, mỗi ngày làm 6-7 giờ bay (giờ bay chỉ tính kể từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh), không tính thời gian chuẩn bị, di chuyển…
Những yếu tố ảnh hưởng đến sự đúng giờ của tàu bay: Kỹ thuật (an toàn là trên hết), thời tiết (có trường hợp thời tiết xấu, máy bay có thể vẫn được cất cánh nhưng tiếp tục chờ trên trời), điều kiện khai thác sân bay (sân bay quá tải, sân bay gặp sự cố… máy bay không hạ cánh được, phải chờ), điều kiện sức khỏe (phi công, nhân sự gặp vấn đề sức khỏe -> phải đổi tổ bay -> hoãn thời gian bay; hoặc hành khách gặp vấn đề sức khỏe nguy hiểm -> bắt buộc phải cho hành khách ở lại -> hoãn chuyến), điều kiện an ninh, an toàn (phát hiện ra hành khách có những yếu tố có thể gây nguy hiểm -> hoãn chuyến bay để ổn định…)
5. Anh/chị thích và không thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Điểm thích nhất:
- Làm theo một quy trình, khung nhất định
- Phi công vẫn có thể có những cách bay khác nhau nhưng vẫn phải dựa trên một quy trình khung -> mọi thứ phải chuẩn chỉnh
- Cơ hội đi đến nhiều nơi, trải nghiệm “view tầm cao” mà không phải ai cũng có cơ hội thấy (ngắm mây, ngắm núi, ngắm trời, ngắm sao, ngắm trăng…)
- Thu nhập tương đối dễ sống
- So với công việc phục vụ mặt đất trước đó: Lương cao hơn nhiều ?
- Điểm không thích nhất:
- Giờ giấc không ổn định -> phải hy sinh nhịp sống ổn định của gia đình
- So với công việc phục vụ mặt đất trước đó: Ít được tiếp xúc, mở rộng các mối quan hệ hơn
6. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Kiến thức:
- Kiến thức cơ bản: Toán, Lý, Kỹ thuật, Tiếng Anh, Địa Lý
- Kiến thức chuyên ngành: Tham gia đào tạo và đạt được những chứng chỉ theo quy định.
- Kỹ năng:
- Quản lý công việc: Việc nào xong việc đó, làm đúng theo quy trình.
- Quản lý áp lực: Thực hiện nhuần nhuyễn quy trình sẽ giúp bạn giảm được áp lực (đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp như thời tiết thay đổi, thông số kỹ thuật thay đổi, đài không lưu chuyển đường bay không như lộ trình đã báo trước đó, v.v. -> nắm được quy trình xử lý sẽ không bị rối)
- Chăm sóc bản thân: Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thân (đặc biệt không sử dụng chất kích thích, rượu bia, v.v. trước giờ bay)
- Thái độ:
- Nghiêm túc, tập trung (trong lúc bay cũng sẽ có những lúc được thư giãn để đầu óc minh mẫn, tỉnh táo hơn, nhưng vẫn phải tập trung, giám sát theo quy định, quy trình)
- Cẩn thận, tỉ mỉ (liên tục kiểm tra lại, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng)
- Từ tốn, điềm đạm, bình tĩnh
- Nguồn tài liệu, kênh thông tin giúp bạn tìm hiểu về nghề phi công:
- Facebook: Diễn đàn Hàng không
- Website của các đơn vị đào tạo phi công (Trường phi công Bay Việt, Trung tâm Huấn luyện bay của Vietnam Airlines, Trung tâm Huấn luyện bay của Vietjet. v.v.)
Nếu muốn thăng tiến trong công việc, em cần phải liên tục trau dồi kiến thức (vừa làm vừa học rất nhiều vì lĩnh vực hàng không liên tục cập nhật hiện đại và phát triển), phát triển kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần.
7. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Hiểu lầm 1: Phi công rất giàu
Đối với mình, “giàu” chỉ khi nào bạn bỏ sức ra ít mà kiếm được nhiều tiền. Phi công là công việc rất vất vả, nên mức thu nhập chỉ là phù hợp với những gì bạn đã bỏ ra.
- Hiểu lầm 2: Phi công rất sướng
Nhiều người cho rằng máy bay chế độ lái tự động nên phi công rất sướng. Thực tế, phi công phải liên tục giám sát các thông số kỹ thuật, vì chỉ cần một sai sót xảy ra sẽ ảnh hưởng cả dây chuyền và có thể gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng
Giờ giấc không ổn định, làm đêm hôm, di chuyển qua nhiều vùng lãnh thổ với múi giờ, thời tiết khác nhau… -> rất mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần
- Hiểu lầm 3: Phi công mua được vé máy bay giá rẻ ?
Rất nhiều người nhờ mua vé nhưng thực chất mình không giúp gì được.
8. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
- Công việc này bạn bắt buộc mất một thời gian mới có chính thức có thu nhập..
- Học phi công sẽ tốn một khoản phí rất lớn (4-5 tỉ).
- Có người sẽ làm nghề khác để xoay xở nuôi dưỡng giấc mơ làm phi công, nhưng cũng có nhiều bạn trẻ gia đình có điều kiện sẵn thì sẽ đỡ vất vả hơn.
9. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Phải có đam mê: Nó là động lực để mình cố gắng, vượt qua những khó khăn, trở ngại
- Phải có nền tảng tài chính để đầu tư học tập
- Năng lực chỉ cần tốt nghiệp THPT, nhưng em phải có kiến thức nền tảng, tổng hợp và quan trọng nhất là giỏi tiếng Anh.
- Bộ phim truyền cảm hứng (dựa trên câu chuyện có thật): Sully