Bởi thứ ồn ào là thứ dễ lãng quên,
Quân Tử Chi Giao (hay yêu thì phải nói ra) chương cuối chính văn và phần Phiên ngoại Lam Lâm
“Quân tử chi giao, đạm nhược thủy” Về Nhậm Ninh Viễn và một mối tình không thể giãi bày,
“…
“Khúc Đồng Thu, thôi thì hãy để chuyện quá khứ trôi qua đi. Chúng ta bắt đầu một lần nữa.”
…
“Không, không phải cậu ấy.”
…
Cuối cùng, Nhậm Ninh Viễn vì anh mà viết.
“Đây là một cuộc sống rất dài, rất hạnh phúc.” Khi còn sống, Nhậm Ninh Viễn nợ anh một lời nói dối hữu thủy hữu chung. Sau khi anh mất rồi cũng nên bù lại.
…”
Sau rất nhiều năm, mình vẫn không đủ dũng cảm để đọc lại toàn bộ chính văn của Quân Tử Chi Giao. Cuối cùng, thời gian trôi đi, thứ duy nhất mình tìm đến Lam Lâm như chút an ủi sau cùng về chuyện tình này, lại là chương cuối cùng của chính văn cùng ngoại truyện có độ dài tương đương chính văn. Ấy là sự xoa dịu nỗi lòng của mình, cũng để xoa dịu nỗi lòng của Nhậm Ninh Viễn.
Mình từng đọc rất nhiều bình luận cho rằng, thật ra Quân Tử Chi Giao đã dừng ở chính văn thôi, phần Phiên ngoại ấy chỉ là một cổ tích đầy ảo mộng của Nhậm Ninh Viễn. Rằng sau cùng, ông chủ quán bar Nhậm có thễ mỗi đêm tay ấp đầu gối bên cạnh người mình thương, mỗi chiều tan tầm có thể đợi người kia về nhà ăn cơm cùng. Rằng sau cùng, ông chủ quán bar Nhậm có thể giãi bày những điều trong lòng chưa nói, cũng có thể thẳng thắn nói với người bạn củagã một câu yêu, để hoàn thành lời hứa “một cuộc sống rất dài, rất hạnh phúc”.
Nhưng vì rất đau lòng cho Ninh Viễn, nên mình luôn mong rằng, ấy chẳng phải cổ tích.
Hôm rồi một web trung lập có một post về xếp hạng những tiểu công được yêu mến trong giới đam mỹ. Lướt qua những cái tên rất lạ, hầu như thuộc về truyện đam mỹ đời sau này, mắt mình dừng lại ở một cái tên vừa lạ vừa quen - Nhậm Ninh Viễn. Quen vì ấy là người mình đã mang theo trong tâm tình suốt rất nhiều năm, lạ vì không nghĩ lại thấy cái tên ấy ở đây, còn được ví von như “gà giữa bầy hạc”, giữa những người đàn ông dịu dàng và hy sinh từng chút một, làm tất thảy cho người mình yêu, thì có vẻ như Nhậm Ninh Viễn không có chút gì của một người yêu tiêu chuẩn. Nhậm Ninh Viễn ở đấy như sự hiện diện của đam mỹ cũ, là sự tiếc nuối ngày xưa, mà cũng có thể là sự buồn thương của rất nhiều người còn giữ lại cái tên này trong lòng, như mình đấy thôi.
Lại so với tính chiếm hữu quá cao của Lục Phong (1), Nhậm Ninh Viễn đối với Khúc Đồng Thu lại là một thái độ khác hẳn. Nếu là mình nhiều năm trước, ắt hẳn vẫn nghĩ biểu hiện chiếm hữu của Lục Phong là một thái độ mạnh mẽ nói lên tình yêu, nhưng với sự lạnh nhạt hừng hờ của Nhậm Ninh Viễn thì chưa chắc. Ấy mà càng về sau này, trong chuyện yêu đương, mình lại càng muốn cạnh bên một người trầm ổn, chín chắn, bao dung và tự tin vào bản thân như người nọ. Nghe nói chữ Nhậm trong tên người này có thể hiểu là ‘tùy ý, tự do’ (2). ví von như thể ấy là thái độ của gã đối với Khúc Đồng Thu. Sự dịu dàng của Nhậm Ninh Viễn nhẹ nhàng bình đạm như nước, ấy chính là thái độ dường như không quan tâm gì đến người mình yêu, nhưng ấy lại là sự dịu dàng tuyệt đối, cũng tuyệt tình nhất: để người mình yêu tự do trong tình yêu này.
Mình vẫn hay nói, bi kịch tình yêu trong chính văn của Quân Tử Chi Giao nào đâu chỉ giày vò Khúc Đồng Thu. Chẳng phải kẻ khốn khổ nhất trong tình yêu ấy là Nhậm Ninh Viễn hay sao, cả chính văn dài đằng đẵng như vậy mà thậm chí một lần thôi, Lam Lâm cũng chẳng cho người đó cơ hội nào để biện bạch lòng mình, cuối cùng chỉ dồn nén cảm xúc qua một câu chẳng bao nhiêu chữ khi khép lại chuyện: “Khi còn sống, Nhậm Ninh Viễn nợ anh một lời nói dối hữu thủy hữu chung. Sau khi anh mất rồi cũng nên bù lại”. Biết là không nên so sánh nỗi đau với nỗi đau, nhưng chẳng công bằng chút nào khi nói rằng Đồng Thu khổ sở và buồn bã trong chuyện tình cảm này, còn Ninh Viễn chưa từng bỏ ra điều gì, hy sinh điều gì, đau lòng vì điều gì cả.
Mãi đến tận bây giờ, mình vẫn nhớ đến từng chữ một khi Nhậm Ninh Viễn hạ bút viết nên câu tựa trên bia mộ của Khúc Đồng Thu. Khi trả lại lời nói dối mà gã đã âm thầm đèo bồng suốt cả đời, không lượng sức mình để thành gánh nặng hóa bi kịch cho tình yêu này, thành áp lực đẩy Khúc Đồng Thu đến cái chết, Nhậm Ninh Viễn cũng thác mình theo người ấy. Nếu không có câu chuyện cổ tích ở ngoại truyện, đám tang của Khúc Đồng Thu cũng là cái chết của Nhậm Ninh Viễn, ngôi mộ của người ấy đã chôn vùi gã rồi, chôn vùi tình yêu của gã, tâm hồn của gã, trái tim của gã và toàn bộ con người của gã.
Thế nên, sau rất nhiều năm, mình nghĩ, những người đọc năm ấy đã bao dung cho Nhậm Ninh Viễn theo một cách như vậy, để tưởng nhớ tình yêu sai cách đã chết đi của gã.
“Nếu tên của anh và cậu không thể cùng viết lên một tấm thiệp hồng, thì có thể cùng khắc lên một tấm bia mộ cũng khiến anh vui lòng rồi.”
Nhưng sau cùng, Lam Lâm đã viết một phiên ngoại “rất dài, rất hạnh phúc” để Nhậm Ninh Viễn có thể bày tỏ lòng mình. Nếu bi kịch trong tình yêu mà Sói Mẹ vẫn thường dùng nhất là sự im lặng khiến đôi người hiểu lầm rồi trở nên xa cách, đôi người vì ngại ngần không nói mà dò đoán lòng nhau, thì mình nghĩ phiên ngoại của Quân Tử Chi Giao chính là biểu hiện tinh tế nhất, vừa ngọt ngào vừa cay đắng để thể hiện ngòi lột tả từng ngóc ngách nơi lòng người của Lam Lâm. Sau cùng, từng chút một tình cảm mà Nhậm Ninh Viễn và Khúc Đồng Thu có thể giãi bày với đối phương, cũng là giãi bày với chính lòng mình, cũng được thẳng thắn nói ra rồi. Thời gian trôi đi, cuối cùng thì hai người họ cũng có thể ở cạnh bên nhau, nhưng ngay cả khi bên nhau rồi, họ vẫn không ngừng dò đoán lòng nhau, không ngừng lo được lo mất và hoài nghi tình cảm của người còn lại. Không phải Khúc Đồng Thu không tin “lão đại” của mình, hay Nhậm Ninh Viễn không đặt lòng mình nơi người kia, chỉ là họ không dám tin qua cả thảy chuyện, đôi bên đều có thể có được hạnh phúc và an ổn sống bên nhau đến hết đời, cho đến tận khi già đi. Họ tin vào tình yêu, nhưng không dám tin vào hạnh phúc, họ truy cầu tình yêu, nhưng không dám truy cầu quả ngọt sau cùng.
Cứ thế, cứ thế, họ lại dè dặt yêu nhau lần nữa, và làm lại từ đầu một lần nữa, như lời Nhậm Ninh Viễn hạ mình van vỉ Khúc Đồng Thu khi đó. May mà lần này không ai bước chệch đường nữa rồi.
Mình thích Nhậm Ninh Viễn nhất trong phiên ngoại Trang Duy trở về vì biết Đồng Thu “sống lại”, Đồng Thu hỏi Ninh Viễn rằng mình có nên đi gặp “cố nhân” hay không, người đàn ông ấy ôn tồn bảo tất thảy là do cậu quyết định. Không quan tâm, là dịu dàng của anh.
Tất cả bạn tiểu công mà mình thích trong đam mỹ đều rất dịu dàng, mà sự dịu dàng ấy thường đi đôi với tự do phóng túng, để người yêu làm gì thì làm. Nếu so với Ivan đại ca (3) phóng túng kiểu được nước lấn tới, Nhậm Ninh Viễn khác lắm đó.
Ninh Viễn có lo được lo mất không? Có chứ. Ninh Viễn có sợ hãi và e ngại không? Có chứ.
Thế mà Ninh Viễn vẫn để Đồng Thu đi, và anh chỉ đứng ngoài gió lạnh, đợi người đó trở về. Trái tim của người kia bao năm rồi anh vẫn chẳng rõ nhiều lắm, anh hiểu được lòng mình còn khó, huống chi là lòng đối phương. Anh chỉ biết rằng Đồng Thu có nhiều lựa chọn khác tốt hơn ở cạnh mình, dẫu khao khát người kia nhường nào, cuối cùng, anh vẫn để người đó chọn lựa. Anh cũng biết rằng hành động của anh có thể ảnh hưởng đến đối phương đấy, thậm chí là đổi trắng thay đen một trăm tám mươi độ, nhưng anh chỉ đơn giản đứng đấy, đợi người nọ trở về.
Có thể anh không tin mình có được Khúc Đồng Thu một cách trọn vẹn nhất, nhưng anh tin rằng bản thân có thể dùng cả kiếp này để dung túng và đợi chờ người đó.
“… Khúc Đồng Thu kéo áo lại, từng bước từng bước chạy về phía Nhậm Ninh Viễn. Từ đây đến chỗ Nhậm Ninh Viễn chỉ cách một đoạn đường ngắn thôi, mà anh chạy mỗi lúc một nhanh, sợ chỉ chậm một bước thì Nhậm Ninh Viễn sẽ chẳng chờ anh nữa. May mắn là Nhẫm Ninh Viễn vẫn đứng đó, kiên nhẫn chờ anh chạy đến mới thôi. …”
Trong truyện cũng có một đoạn mình rất thích, Lam Lâm viết rất ít, tả cũng ít, vẫn keo kiệt chẳng cho Nhậm Ninh Viễn chút đất nào để thể hiện tiếng lòng, nhưng một câu một chữ nhiều khi cũng đủ rồi. Lúc ấy Khúc Đồng Thu xin được chữ ký của một diễn viên đang nổi cho con gái của mình, vì không có giấy nên mãi mới moi được một tờ năm mươi tệ để người ta ký tên lên, về nhà đầu tiên là hào hứng khoe với Nhậm Ninh Viễn. Ông chủ quán bar vừa giàu vừa quen biết rộng lúc ấy đương ngồi trên giường đọc tạp chí, vừa thấy bạn của mình khoe tờ tiền đã cười thật cưng chiều mà đáp rằng “năm mươi tệ hả”, như thể một điều rất tự nhiêu, như thể tất thảy những điều người ấy cho anh coi, những điều người đó chia sẻ với anh, dẫu bình thường nhỏ nhặt thế nào thì anh cũng sẵn sàng dành trọn vẹn thời gian để nghe, và để tán thưởng. Càng nghĩ, mình càng thấy phiên ngoại này quá đỗi dịu dàng, dịu dàng đến mức không thật. Người ngoài cuộc yêu đã cảm thấy như thế, huống gì người trong cuộc nửa ngờ nửa tin niềm hạnh phúc lớn lao này đến nhường nào nữa.
“Anh hy vọng em có thể lấy anh. Mãi cho đến tận khi già, vẫn ở cạnh bên anh.”
Mình thành thật mong cả hai hạnh phúc.
Mình có đọc bình luận của một bạn trong topic nói về Nhậm Ninh Viễn, đại khái nói người như Nhậm Ninh Viễn thật thâm sâu khó lường, nhưng vừa khéo một kẻ thật thà đến đơn giản như Khúc Đồng Thu lại hợp với gã. Mà mình nghĩ, chữ ‘vừa khéo’ ấy lại hợp với câu chuyện nhỏ theo mình năm tháng, như thể tóm gọn câu chuyện đều nằm ở đấy. Ừ, Nhậm Ninh Viễn và Khúc Đồng Thu đều từng bước sai hướng mà chệch đường lẫn nhau, nhưng may làm sao, sau tất thảy mọi chuyện, họ vẫn chọn đi tiếp. Bởi biết đâu, đi tiếp sẽ đúng đường.
Ghi chú: (1) Lục Phong. một tra công khác trong truyện của Lam Lâm. :”) (2) được bạn admin chú thích cụ thể luôn nè: xD
(3) Ivan là một bạn seme mà mình rất thích trong series SEVEN của Triệt Dạ Lưu Hương.
Sau rất nhiều năm, mình cũng có thể trọn vẹn viết cho Nhậm Ninh Viễn hai ngàn chữ :”D. Đương nhiên là không đầy đủ lắm, nhưng mình nghĩ có rất nhiều điều về người này mà mình muốn nói, nhưng thôi thì, hẹn một dịp khác vậy. Đương nhiên có Nhậm Ninh Viễn rồi thì sẽ có version Khúc Đồng Thu :”>. Mình dùng cả ngôi xưng “gã” và “anh” cho Nhậm Ninh Viễn, vì mình vẫn đinh ninh theo góc nhìn của chính văn thì Nhậm Ninh Viễn là “gã”, còn theo góc nhìn của ngoại truyện, chữ “anh” gần gũi với con người này hơn.
:”D Nếu cậu còn có tình với nhân vật này, thì mong cậu đọc vui.