Chạy thận là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối, với tần suất điều trị khuyến nghị là 12 giờ mỗi tuần, tương đương 3 buổi với 4 giờ cho mỗi buổi điều trị. Với tần suất điều trị này, nhiều người cảm thấy lo lắng về chi phí chạy thận 1 tháng khoảng bao nhiêu tiền? Bài viết này, bác sĩ CKII Hồ Tấn Thông, Đơn vị Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 sẽ tư vấn giải đáp thắc mắc.
Chi phí chạy thận 1 tháng khoảng bao nhiêu tiền?
Chi phí chạy thận 1 tháng khoảng 15.000.000 - 25.000.000 đồng/ca bệnh, tuy nhiên đây cũng chỉ là chi phí tham khảo và có thể thay đổi tùy vào từng trường hợp. Ví dụ vẫn có trường hợp chạy thận 2 lần 1 tuần với chi phí mỗi tháng khoảng 12.000.000 đồng. Trung bình, 1 người bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) cần chạy thận 3 lần 1 tuần, mỗi lần chạy thận 4 giờ, 1 tháng cần chạy thận khoảng 12 lần.
Chi phí cho mỗi lần chạy thận sẽ giao động từ 700.000 đến hơn 1.000.000 đồng/lần, nếu được Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, mỗi lần chạy thận 150.000 - 450.000 đồng/ca bệnh, vậy 1 tháng có thể tốn khoảng 1.800.000 - 5.400.000 đồng. Cần lưu ý, chi phí chạy thận ở mỗi trường hợp sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức chi trả của BHYT, số lần chạy thận mỗi tuần, vật tư y tế sử dụng, các dịch vụ y tế đi kèm,… và nhiều yếu tố khác.
Để biết được ở trường hợp của mình chi phí chạy thận 1 tháng khoảng bao nhiêu tiền? người bệnh có thể hỏi bác sĩ điều trị hoặc tính toán dựa trên chi phí của lần chạy thận đầu tiên, từ đó có mức dự trù kinh phí phù hợp.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức tiền chạy thận dự trù trong 1 tháng?
Các yếu tố ảnh hưởng đến mức tiền chạy thận dự trù trong 1 tháng bao gồm:
1. Số lần, tần suất chạy thận
Số lần, tần suất chạy thận ảnh hưởng rất lớn đến chi phí điều trị trong 1 tháng. Những người phải chạy thận thường xuyên hơn sẽ tốn nhiều chi phí điều trị hơn. Ngược lại, những người có tần suất chạy thận ít do chức năng thận còn lại cao, đáp ứng tốt với chế độ dinh dưỡng, đáp ứng điều trị bảo tồn, duy trì được trọng lượng khô tốt,… có thể cần chạy thận ít hơn, 1 hoặc 2 lần mỗi tuần, chi phí điều trị sẽ thấp hơn.
2. Phương pháp điều trị cụ thể
Những người lựa chọn chạy thận bằng máy tại cơ sở y tế, trung tâm lọc máu có thể phải chi trả chi phí điều trị cao hơn do có thêm các dịch vụ đi kèm hoặc phải chi trả thêm các chi phí phát sinh. Ví dụ như chi phí màng lọc, người bệnh chạy thận cần mua màng lọc, có thể sử dụng trong tối đa 3 lần lọc máu.
Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị khác đi kèm trong quá trình chạy thận như điều trị bệnh nền, điều trị các tác dụng phụ, triệu chứng khó chịu khi lọc máu,… người bệnh có thể phải tốn nhiều hơn khoản chi phí kể trên.
Tìm hiểu thêm: 1 tháng chạy thận mấy lần là phù hợp ở bệnh nhân suy thận?
3. Chi phí màng lọc
Khi lọc máu nhân tạo, người bệnh có thể cần chi trả thêm chi phí màng lọc, thường 1 màng lọc sẽ được tái sử dụng trong 3 lần lọc máu. Sau đó, cần thay màng lọc mới. Hiện, có 3 loại màng lọc với chi phí dao động từ 300.000 đến hơn 600.000 đồng/cái. Người bệnh có thể tham khảo chi phí cho các loại màng lọc được sử dụng phổ biến hiện nay, giá được cập nhật vào tháng 02/2025.
Màng lọc Low Flux Khoảng 300.000 đồng/cái Màng lọc Middle Flux Khoảng 400.000 đồng/cái Màng lọc High Flux Hơn 600.000 đồng/cái4. Chi phí thuốc điều trị
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, người bệnh khi lọc máu có thể phải sử dụng thêm thuốc tạo hồng cầu, thuốc điều trị bệnh nền như: thuốc huyết áp, đái tháo đường,… thực phẩm chức năng, thuốc bổ sung thêm dinh dưỡng cho các trường hợp bị suy dinh dưỡng. Ước tính, các loại thuốc này chiếm khoảng 20% tổng chi phí chạy thận.
5. Phí dịch vụ bổ sung trong quá trình chạy thận
Trong quá trình chạy thận, tùy thuộc vào lựa chọn, nhu cầu của người bệnh sẽ có các dịch vụ y tế bổ sung như phòng chạy thận VIP với các tiện ích như wifi, tivi thông minh, không gian riêng tư, ghế hoặc giường massage,… sẽ có mức chi phí cao hơn.
6. Tình trạng bệnh nhân và mức độ suy thận
Người bệnh bắt đầu chạy thận khi chức năng thận còn lại chỉ duy trì ở mức 10% - 15% so với thận bình thường, người bệnh không có bệnh nền nghiêm trọng, không có tình trạng quá tải chất lỏng,… thì bác sĩ có thể cân nhắc lọc máu với liền lọc tần suất ít hơn bình thường để điều trị bảo tồn chức năng thận tốt hơn.
7. Chính sách BHYT và hỗ trợ khác
Chính sách từ BHYT và các khoản hỗ trợ khác đã giúp người bệnh chạy thận nhân tạo có thể giảm nhẹ gánh nặng chi phí rất nhiều. Theo quy định tại Thông tư 22/2023/TT-BYT, BHYT sẽ chi trả tối đa 567.000 đồng/lần/ca chạy thận nhân tạo. Các khoản hỗ trợ khác nếu người bệnh thuộc diện chính sách, được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật.
Giải đáp chi tiết: Bệnh nhân chạy thận có được trợ cấp không?

Tham khảo chi phí trung bình cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo
Để giúp người bệnh dễ hình dung hơn về việc chi phí chạy thận 1 tháng khoảng bao nhiêu tiền? dưới đây là chi phí trung bình cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể tham khảo để dự trù kinh phí tốt hơn cho các đợt điều trị sau này.
1. Chi phí trung bình cho 1 lần chạy thận nhân tạo
Chi phí trung bình cho 1 lần chạy thận nhân tạo là 700.000 đến hơn 1.000.000 đồng/ca bệnh. Tuy nhiên, chi phí này có thể thay đổi, tùy thuộc vào cơ sở y tế mà người bệnh lựa chọn để chạy thận là bệnh viện công hay bệnh viện tư, khung giờ chạy thận và nhiều yếu tố khác. Cụ thể:
- Chi phí trung bình cho 1 lần chạy thận nhân tạo tại bệnh viện công lập khoảng 700.000 - 1.000.000 đồng/ca bệnh (chưa áp dụng BHYT).
- Chi phí trung bình cho 1 lần chạy thận nhân tạo tại bệnh viện/phòng khám tư nhân khoảng 700.000 - 1.300.000 đồng/ca bệnh (chưa áp dụng BHYT).
2. So sánh chi phí giữa các khu vực
Giữa các vùng, khu vực khác nhau, chi phí chạy thận cũng sẽ có sự chênh lệch nhất định. Thông thường, dịch vụ y tế ở khác khu vực nông thôn, vùng cao, vùng kinh tế khó khăn chi phí chạy thận thường sẽ thấp hơn so với khu vực thành thị. Hơn nữa, mức chênh lệch về cơ sở vật chất cũng khiến giá dịch vụ y tế có sự chênh lệch đáng kể.
Các giải pháp giảm gánh nặng về mức chi phí cho bệnh nhân chạy thận
Chạy thận là quá trình điều trị kéo dài có khi đến cuối đời, gây khó khăn cho người bệnh trong việc lựa chọn tiếp tục điều trị. Thấu hiểu được điều này, hiện tại ở nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng tài chính, tiếp thêm sức mạnh giúp người bệnh vượt qua nỗi đau bệnh tật.
1. Bảo hiểm y tế (BHYT)
Theo Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản pháp luật có liên quan, người mắc bệnh thận mạn phải điều trị bằng lọc máu nhân tạo thuộc diện bệnh hiểm nghèo, được BHYT chi trả từ 80% - 100% chi phí điều trị. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn và thiết thực đối với người bệnh chạy thận, giúp giảm chi phí điều trị xuống còn khoảng 1.800.000 - 5.400.000 đồng mỗi tháng, tương đương 150.000 - 450.000 đồng/lần điều trị.
Những trường hợp thuộc diện gia đình khó khăn có sổ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng,… có thể được Ngân sách Nhà nước trợ giá từ 75% - 100% chi phí khi tham gia BHYT. Ngoài ra, các trường hợp tham gia BHYT bắt buộc hoặc tự nguyệt khác đều được BHYT thanh toán các chi phí chạy thận nhân tạo theo quy định hiện hành. (1)
2. Nhà nước và chính quyền địa phương
Nhà nước và chính quyền địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người bệnh chạy thận nhân tạo, người mắc bệnh tim, ung thư,… và các bệnh hiểm nghèo khác nói chung. Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg đã nêu rõ các đối tượng thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách,… theo quy định hiện hành sẽ được hỗ trợ tối thiểu 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày và các chi phí ăn uống, đi lại khác trong quá trình chạy thận.
3. Các quỹ từ thiện và tổ chức phi chính phủ (NGOs)
Các quỹ từ thiện ở địa phương, bệnh viện, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đã có những chương trình hỗ trợ thiết thực, kịp thời, giúp giảm bớt phần nào gánh nặng về chi phí điều trị, chia sẻ khó khăn, giúp người bệnh chạy thận nhân tạo có thêm sức mạnh, tiếp tục điều trị và vượt qua bệnh tật.
4. Bệnh viện
Tại các bệnh viện mà người bệnh điều trị cũng có những chương trình hỗ trợ người bệnh chạy thận có hoàn cảnh khó khăn bằng các khoản hỗ trợ chi phí lọc máu, thuốc men, vật tư y tế,… cho người bệnh, giúp họ giảm bớt phần nào gánh nặng điều trị bệnh thận mạn.
5. Các chương trình khác nếu có
Các chương trình hỗ trợ vì cộng đồng khác trong nhiều năm qua cũng đã hỗ trợ rất nhiều trường hợp mắc bệnh thận mạn tiếp tục lọc máu điều trị như các Quỹ khám chữa bệnh vì người nghèo, Quỹ từ thiện tại các địa phương,… đã giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng tài chính, an tâm điều trị.

Lời khuyên cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo lâu dài
Đối với những trường hợp cần chạy thận nhân tạo lâu dài dự trù ngân sách phù hợp và cân nhắc về các điều trị khác nhau sẽ cần thiết, dưới đây là một số lời khuyên hữu ích người bệnh có thể tham khảo.
1. Lập kế hoạch tài chính dài hạn
Sau khi trao đổi với bác sĩ điều trị và biết được chi phí chạy thận 1 tháng khoảng bao nhiêu, người bệnh nên lập các kế hoạch tài chính dài hạn cho bản thân, phân chia các loại chi phí khác nhau như chi phí sinh hoạt, chi phí điều trị,… để có thể cân nhắc chi tiêu hợp lý, có khoảng dành riêng cho điều trị.
2. Lựa chọn điểm điểm chạy thận tối ưu chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng
Chạy thận vào cuối tuần, buổi tối có thể tốn kém nhiều hơn, nên người bệnh có thể lựa chọn lọc máu ở các trung tâm lọc máu, cơ sở y tế trong giờ làm việc để giúp tối ưu chi phí hơn. Mặc khác, nếu vẫn phải làm việc, người bệnh có thể lựa chọn lọc máu cuối tuần để không phải gián đoạn công việc nhiều và ảnh hưởng đến thu nhập.
Như vậy, chi phí chạy thận 1 tháng sẽ phụ thuộc vào tần suất điều trị, vật tư tiêu hao, phương pháp điều trị cụ thể, mức độ suy thận giai đoạn cuối,… người bệnh tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ điều trị để có lựa chọn điều trị phù hợp, giúp tối ưu chi phí hoặc có kế hoạch tài chính phù hợp để điều trị trong tương lai.
Hy vọng với những thông tin bài viết vừa chia sẻ đã giúp giải đáp thắc mắc về chi phí chạy thận 1 tháng khoảng bao nhiêu tiền? Yếu tố ảnh hưởng đến chi phí điều trị là gì? Cũng như những thông tin hữu ích khác giúp người bệnh quản lý tốt ngân sách trong quá trình điều trị.