Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2022, thế giới có khoảng 729.833 ca mới mắc và 343.817 ca tử vong do ung thư trực tràng. Tại Việt Nam, ung thư trực tràng đứng thứ 4 trong những loại ung thư thường gặp. Vậy dấu hiệu ung thư trực tràng là gì? Bác sĩ chẩn đoán và điều trị ung thư trực tràng ra sao? Bài viết dưới đây của bác sĩ CKI Nguyễn Chí Thanh, khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải đáp thắc mắc về triệu chứng ung thư trực tràng và một số cách phòng ngừa cho người bệnh.
Ung thư trực tràng là gì?
Ung thư trực tràng là loại ung thư khá phổ biến của hệ thống tiêu hóa, xảy ra khi các tế bào trong lớp niêm mạc của trực tràng bị đột biến và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Nguy cơ mắc ung thư trực tràng thường tăng dần theo tuổi tác, độ tuổi trung bình được chẩn đoán mắc ung thư trực tràng là 50 tuổi , ở cả nam lẫn nữ, nhưng chủ yếu ở nam giới. (1)
Ruột già hay đại tràng là phần gần cuối trong hệ thống tiêu hóa của con người, chia thành 3 phần:
- Manh tràng
- Kết tràng
- Trực tràng
Trực tràng là đoạn cuối cùng của ruột già trước khi ra ngoài, kết nối khung đại tràng với hậu môn. Tuy nhiên, ung thư trực tràng có thể được tầm soát, ngăn ngừa và phát hiện sớm bằng cách khám thường xuyên, thay đổi lối sống (tập thể dục, ăn nhiều chất xơ và rau tươi, chế độ ăn ít thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, giảm sử dụng rượu bia, bỏ hút thuốc,…).
Dấu hiệu ung thư trực tràng tuy dễ nhận biết nhưng cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Vì vậy người bệnh nên thường xuyên tầm soát ung thư để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu ung thư trực tràng dễ nhận biết
Các dấu hiệu ung thư trực tràng bao gồm: (2)
1. Thay đổi thói quen đại tiện
Dấu hiệu ung thư trực tràng dễ nhận biết nhất là sự thay đổi thói quen đi đại tiện, bao gồm: táo bón hoặc không hết cảm giác mót rặn dù đã đi tiêu nhiều lần, tiêu chảy.
Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây
2. Phân có hình dạng hẹp
Sự thay đổi hình dạng phân cũng là dấu hiệu nhận biết ung thư trực tràng. Tình trạng phân nhỏ, dẹt do có khối u làm cho phân bị chặn lại. Nếu phân nhỏ, dẹt như chiếc bút chì hoặc có hình lá lúa, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám và xác định nguyên nhân chính xác. (3)
3. Chảy máu hậu môn
Đi tiêu ra nhầy máu, máu đỏ tươi, nhỏ thành giọt hoặc máu lẫn trong phân cũng là dấu hiệu ung thư trực tràng. Bên cạnh đó, các tổn thương như nứt hậu môn hoặc bệnh trĩ (các bệnh lành tính) cũng có triệu chứng đi tiêu ra máu. Tuy nhiên, đi tiêu ra máu do trĩ, nứt hậu môn thường là máu tươi, còn ung thư trực tràng thường có máu lẫn với nhầy. Chính vì vậy, điều quan trọng là xác định nguyên nhân gây chảy máu có phải do ung thư trực tràng hay không.
4. Mệt mỏi, suy nhược
Mệt mỏi và suy nhược là một trong những biểu hiện của bệnh ung thư trực tràng. Nguyên nhân gây mệt mỏi của ung thư trực tràng thường do mất máu trong phân, mất nước vì tiêu chảy. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, kèm theo đó là sự suy nhược cơ thể nhanh chóng nhưng không rõ nguyên nhân. (4)
5. Giảm cân bất thường
Ung thư trực tràng biểu hiện bằng việc giảm cân bất thường. Nghĩa là sự sụt giảm đáng kể về khối lượng của cơ thể, xảy ra ngay cả khi người bệnh không cố gắng giảm cân. Giảm cân bất thường không do tập luyện hay do ăn kiêng có thể là dấu hiệu của ung thư trực tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác ở đường tiêu hóa.
Người bệnh cần làm gì khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư trực tràng ?
Khi gặp các nghi ngờ bản thân có dấu hiệu ung thư trực tràng, người bệnh cần đến gặp bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu để được khám và xác định chính xác tình trạng bệnh. Đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác về bệnh sử để tìm hiểu các yếu tố nguy cơ, hỏi về các dấu hiệu nghi ngờ ung thư trực tràng (triệu chứng xuất hiện, từ khi nào, kéo dài trong bao lâu,…) và tiền sử bệnh của gia đình.
Tiếp theo, các bác sĩ sẽ khám trực tràng bằng tay (DRE = Digital Rectal Exam). Trong quá trình này, bác sĩ sẽ đưa 1 ngón tay đeo găng được bôi trơn vào trực tràng, sờ vào xung quanh thành trực tràng để phát hiện các bất thường như khối u, xác định lòng trực tràng có bị hẹp không, rút găng ra có dính máu không.
Từ các dấu hiệu ung thư trực tràng trên, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư trực tràng như: (5)
- Nội soi đại trực tràng toàn bộ: một kỹ thuật dùng để khảo sát bên trong lòng đại tràng và trực tràng. Một ống soi có đèn ở đầu, có kết nối để đưa hình ảnh ra màn hình bên ngoài, được đưa qua hậu môn, vào trực tràng và đại tràng để phát hiện các khối u hoặc bất thường (như polyp, túi thừa…). Thông qua nội soi, bác sĩ dùng thiết bị lấy mẫu mô bất thường ở trực tràng để làm sinh thiết.
- Sinh thiết: mẫu mô hoặc tế bào bất thường sẽ được bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát dưới kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.
- Siêu âm ổ bụng: được sử dụng để tìm khối u trong bụng và xác định tình trạng lan rộng của ung thư nếu có.
- Chụp CT cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): nhằm xác định đặc điểm, hình dạng, kích thước và mức độ xâm lấn của khối u, đồng thời giúp phát hiện sự lan tràn của ung thư đến các cơ quan khác trong cơ thể.
- Xét nghiệm đột biến gen: các tế bào ung thư trong mô sinh thiết có thể được kiểm tra các đột biến gen trên khối u như: KRAS, NRAS, BRAF và xét nghiệm xác định tình trạng mất ổn định vi vệ tinh (MMR). Những kết quả này sẽ giúp bác sĩ quyết định được các phương pháp điều trị thích hợp (liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch…).
Từ những dấu hiệu ung thư trực tràng và kết quả các xét nghiệm kể trên, bác sĩ có thể xác định tình trạng của người bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Cách phòng ngừa ung thư trực tràng
Người bệnh có thể phòng ngừa ung thư trực tràng bằng cách:
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ: việc khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các triệu chứng sớm của ung thư trực tràng. Đặc biệt, những người có yếu tố nguy cơ cao hoặc tiền sử gia đình có liên quan đến bệnh ung thư đại trực tràng, được khuyến cáo kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn. Nội soi đại trực tràng sau 45 tuổi hoặc sớm hơn nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh ung thư đại trực tràng là một trong những cách phòng tránh ung thư trực tràng hiệu quả.
- Luôn giữ một chế độ ăn uống lành mạnh: ăn uống giàu protein từ thực phẩm thiên nhiên như: trái cây, rau, ngũ cốc, thịt cá, lòng trắng trứng,… Đồng thời, hạn chế ăn các món chế biến sẵn, thực phẩm giàu năng lượng và chất béo. Ngoài ra nên hạn chế thức uống có cồn, gas…
- Tích cực vận động, tập thể dục: tập thể dục ít nhất mỗi ngày khoảng 30 phút để cải thiện thể lực, đồng thời giảm nguy cơ gây béo phì và ung thư trực tràng.
- Giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng: việc luôn giữ một tinh thần lạc quan có vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống bệnh ung thư. Người bệnh nên duy trì một suy nghĩ tích cực, chiến đấu với bệnh và kèm theo đó là sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và bác sĩ.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố do mỗi người bệnh ung thư trực tràng là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai. Vì vậy, người bệnh và gia đình cần thông báo và chủ động trao đổi với bác sĩ khi có những dấu hiệu ung thư trực tràng. Từ đó bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Tầm soát các biểu hiện ung thư đại tràng ác tính tại BVĐK Tâm Anh
Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM được định hướng theo tiêu chuẩn quốc tế, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến, với phương pháp điều trị đa dạng và cá nhân hóa cho người bệnh ung thư.
Khoa Ung Bướu hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh trong việc tư vấn, tầm soát và điều trị ung thư, giảm bớt gánh nặng và áp lực lên hệ thống y tế công cộng.
Với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm, Khoa Ung Bướu không chỉ cung cấp chăm sóc đặc biệt cho từng người bệnh mà còn kết nối với các chuyên gia y tế quốc tế, đảm bảo phác đồ điều trị đạt chuẩn quốc tế. Khoa cũng đảm nhiệm việc tư vấn, sàng lọc, và điều trị các bệnh lý ung bướu, cũng như phối hợp với các khoa khác để cung cấp một kế hoạch điều trị toàn diện, đa mô thức, nhằm cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Bên cạnh đó, khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM còn:
- Điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối, không còn khả năng điều trị bằng các phương pháp như: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị…
- Tiêm, truyền hóa chất, áp dụng thuốc trúng đích, thuốc miễn dịch trong điều trị ung thư.
- Tham gia nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng những tiến bộ khoa học để phục vụ khám chữa bệnh, phòng bệnh, phục hồi chức năng trong phòng, chống ung thư.
Khoa Ung Bướu BVĐK Tâm Anh TP.HCM hướng đến mục tiêu:
- Không ngừng hoàn thiện quy trình điều trị.
- Nâng cấp hệ thống hỗ trợ thông tin cho người bệnh.
- Triển khai nhiều dịch vụ tầm soát, khám chữa bệnh hợp lý dựa trên những dấu hiệu ung thư trực tràng của người bệnh.
- Học hỏi, cập nhật và ứng dụng các thông tin, kiến thức mới.
- Tiếp tục đào tạo cả trong và ngoài nước để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tăng, cam kết luôn tạo được lòng tin và duy trì sự hài lòng của người bệnh.
Tóm lại, ung thư trực tràng xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển trong trực tràng. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: chảy máu trực tràng hoặc thay đổi thói quen đi đại tiện. Khi nghi ngờ bản thân có dấu hiệu ung thư trực tràng, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám và điều trị sớm.