1. Quá phát cuốn mũi là bệnh gì? - Quá phát cuốn mũi là hậu quả của bệnh viêm mũi kéo dài, những cơn sung huyết tái diễn thường xuyên. - Trong giai đoạn đầu chỉ có tổ chức cương bị giãn, cuốn mũi nở ra, niêm mạc đỏ. - Sang giai đoạn thứ hai, tổ chức liên kết dưới niêm mạc phát triển mạnh, các tuyến tiết nhầy nở ra, niêm mạc trở nên xám nhạt và có hạt lổm nhổm.
2. Nguyên nhân gây bệnh quá phát cuốn mũi là gì? - Cục bộ: Vẹo vách ngăn, VA ở vòm,… - Toàn thể: Dị ứng, suy gan, rối loạn tiêu hóa,…
3. Những triệu chứng của bệnh quá phát cuốn mũi? - Nghẹt mũi. - Đau đầu và có những cơn khó ngủ về đêm.
Nghẹt mũi, đau đầu, khó thở về đêm có thể là những triệu chứng của quá phát cuốn mũi
4.Quá phát cuốn mũi nếu không điều trị có thể dẫn tới biến chứng gì? Bệnh không có biến chứng nguy hiểm tới tính mạng nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống và có thể đưa tới những hệ quả như: - Suy giảm khứu giác do viêm nghẽn. - Suy giảm thính lực do cuốn mũi quá phát gây viêm tắc vòi nhĩ. - Viêm xoang cấp tính cũng như mạn tính: Do dịch mũi không thoát ra hết, chảy ngược vào xoang. - Khó thở. - Tổn thương não bộ, giảm thông khí lên não. - Ngoài ra, bệnh nhân có khả năng bị những hậu quả như thủng khí phế quản, hen suyễn, cũng như các bệnh lý ở hệ hô hấp, hệ tuần hoàn do thiếu oxy.
5.Hướng điều trị nào cho bệnh quá phát cuốn mũi? - Điều trị toàn thể (điều trị nguyên nhân) rất quan trọng trong bệnh này. - Điều trị cục bộ có mục đích là làm nhỏ cuốn mũi lại để giải quyết vấn đề lưu thông không khí bằng việc phẫu thuật cắt bỏ một phần cuốn mũi.
6.Biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật điều trị bệnh là gì? - Chảy máu là thường gặp nhất. - Tổn thương hốc mắt, bầm tím mi mắt. - Dính niêm mạc mũi. - Hoại tử niêm mạc mũi. - Trĩ mũi hiếm xảy ra, tùy thuộc vào phương pháp chỉnh hình cuốn. - Không cải thiện tình trạng nghẹt mũi (ít xảy ra).
7.Thời gian điều trị phẫu thuật mất bao lâu? - Bệnh nhân nhập viện được phẫu thuật ngay trong ngày khi có đầy đủ xét nghiệm tiền phẫu nằm trong giới hạn bình thường cũng như tình trạng sức khỏe toàn thân ổn định. - Thời gian phẫu thuật mất khoảng 45-60 phút. Sau phẫu thuật bệnh nhân nằm viện theo dõi trong thời gian 3 ngày, xuất viện khi tình trạng sức khỏe ổn định.
8.Những điều cần biết trước phẫu thuật 8.1. Những thông tin chung - Ước lượng chi phí điều trị - Cung cấp thông tin cho nhân viên y tế: + Cung cấp thẻ BHYT/BHCC nếu có để đảm bảo quyền lợi trong điều trị. + Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống. + Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải như: Tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi). + Cung cấp thông tin thuốc đang sử dụng: Thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn,… + Nếu bệnh nhân là nữ cần cung cấp thông tin về vấn đề kinh nguyệt, nghi ngờ mang thai.
8.2. Những điều bệnh nhân cần thực hiện trước phẫu thuật để đảm bảo an toàn -Trong thời gian điều trị, nếu muốn sử dụng các lọai thuốc, thực phẩm chức năng ngoài y lệnh cần phải xin ý kiến của bác sỹ. - Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trước mổ như: Công thức máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, chụp phim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim,… - Phải nhịn ăn uống hoàn toàn trước mổ (kể cả uống nước, sữa, café, kẹo cao su) ít nhất 6h, để tránh biến chứng trào ngược thức ăn gây sặc, ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình mổ. Nếu đã lỡ ăn uống thì phải báo lại nhân viên y tế. - Cởi bỏ tư trang cá nhân, răng giả, kính áp tròng, lông mi giả (nếu có) giao cho người nhà giữ hoặc nếu không có người nhà có thể ký gửi tại phòng hành chính khoa. - Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay chân (nếu có), búi tóc gọn gàng đối với nữ, cạo râu sạch sẽ đối với nam. - Đi tiểu trước khi chuyển mổ. - Không xóa ký hiệu đánh dấu vị trí vết mổ.
8.3. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ thực hiện cho bệnh nhân trước phẫu thuật - Bệnh nhân hoặc người nhà > 18 tuổi (gồm ba/mẹ/vợ/chồng) được giải thích và hướng dẫn ký cam kết trước mổ. - Truyền dịch nuôi dưỡng giúp bệnh nhân đỡ đói và khát trong thời gian nhịn ăn chờ mổ. - Tiêm kháng sinh trước mổ (nếu có). - Nhân viên y tế vận chuyển xuống phòng mổ bằng xe lăn.
9.Những điều cần lưu ý trong thời gian nằm viện điều trị sau phẫu thuật 9.1. Những biểu hiện bình thường diễn ra sau phẫu thuật - Đau tức vùng mặt - mũi, chảy nước mắt, nghẹt mũi phải thở bằng miệng dẫn tới khô họng. Sau 48h meche mũi sẽ được rút và tình trạng này sẽ hết. - Chảy máu lượng ít, máu chỉ thấm vào gạc. - Đau đầu, chóng mặt do áp lực của meche nhét cầm máu tại mũi.
9.2. Các biến chứng cần theo dõi và báo nhân viên y tế -Đau nhiều vết mổ quá sức chịu đựng. -Chóng mặt nhiều, buồn nôn và nôn. -Chảy máu tươi ướt ướt thẫm toàn bộ băng trước mũi. -Tụt meche ra trước hoặc xuống họng. -Dị ứng nổi mề đây, tức ngực khó thở sau dùng thuốc.
9.3. Chế độ dinh dưỡng, vận động, sinh hoạt, chăm sóc vết thương -Chế độ dinh dưỡng: Sau mổ 6h nếu bệnh nhân đã hết cảm giác buồn nôn có thể ăn uống bình thường. -Chế độ vận động: + Đi lại nhẹ nhàng trong phòng bệnh hoặc sớm hơn khi hai chân hết tê hoàn toàn. + Tránh vận động mạnh, chạy nhảy, khuân vác đồ nặng. -Chế độ sinh hoạt: + Mặc quần áo bệnh viện và thay hằng ngày để đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm trùng vết mổ. + Tắm rửa vệ sinh răng miệng bình thường. -Chăm sóc vết thương: + Sau mổ bệnh nhân sẽ được nhét meche để cầm máu. Vì vậy bệnh nhân không được tự ý rút meche, 48h sau mổ nhân viên y tế sẽ rút meche cho bệnh nhân.
10. Những điều cần biết sau khi ra viện 10.1. Theo dõi bệnh - Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện. - Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: Ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở,… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí. - Tái khám sau khi hết thuốc hoặc sớm hơn nếu có các triệu chứng bất thường như: +Chảy máu. +Nghe mùi hôi ở mũi. +Nghẹt mũi tăng lên.
10.2. Chế độ dinh dưỡng, chăm sóc vết thương - Chế độ dinh dưỡng: +Uống nhiều nước 2.5 l/ngày, bổ sung thêm nước cam, chanh.
+ Ăn uống bình thường, tăng cường dinh dưỡng và rau, củ, quả. + Tránh các chất kích thích như thức ăn quá cay nóng, rượu, bia, thuốc lá (vì các thực phẩm này làm chậm lành vết thương và giảm tác dụng của thuốc điều trị). - Vệ sinh mũi sau mổ: + Xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý ngày 3 lần. + Tránh hỉ mũi mạnh trong 7 ngày đầu sau mổ. + Không dùng tay ngoáy mũi. + Tránh môi trường khói bụi, đeo khẩu trang khi đi ra đường.
11. Phòng bệnh quá phát cuốn mũi như thế nào?
Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên bảo vệ bạn khỏi một số tác nhân gây bệnh
- Đeo khẩu trang bảo vệ. - Hạn chế dùng chất kích thích. - Điều trị nguyên nhân nếu có như: Vẹo vách ngăn, viêm mũi dị ứng, VA vòm,… - Tập thể dục, tập hô hấp, tránh táo bón.