Chào đón xuân mới Giáp Thìn 2024, cảng Chân Mây đứng trước nhiều cơ hội lớn, vận hội lớn để đánh thức và phát huy những tiềm năng, thế mạnh của mình tạo bước phát triển mới. Nhìn lại năm 2023 từ kết quả hoạt động kinh doanh đến những nhận định, đánh giá của các cấp lãnh đạo, cơ quan ban ngành cho thấy Cảng Chân Mây đã và đang phát triển đúng hướng, xứng tầm là một cảng tổng hợp quốc gia.
Cảng Chân Mây khai trương bến số 2
Báo Nhân Dân, số thứ tư, ngày 06/12/2023 có bài viết “Tạo đà để cảng Chân Mây bứt phá” cho biết: “Trong những năm gần đây, bằng những quyết sách và chủ trương đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt, tỉnh Thừa Thiên Huế tạo cơ hội và động lực để cảng Chân Mây chuyển mình và bứt phá”. Theo đó, để phát huy lợi thế cảng Chân Mây, năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi vào lĩnh vực xuất nhập khẩu qua cảng, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ mỗi năm khoảng 18 tỷ đồng cho các hãng tàu, đại lý hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi, đến cảng Chân Mây. Cụ thể, với tần suất mỗi tháng tối thiểu 02 chuyến trả hoặc bốc hàng tại cảng, các hãng tàu, đại lý hãng tàu sẽ được hỗ trợ 210 triệu đồng mỗi chuyến. Tính từ đầu năm 2023 đến tháng 11/2023, cảng Chân Mây đã thông qua 15 chuyến tàu container quốc tế và 38 chuyến nội địa với lượng hàng container 5.660 teus; tổng hàng thông qua gần 9,3 triệu tấn, đạt doanh thu 166,5 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, cảng Chân Mây cũng đón 12 chuyến du lịch với 13.430 khách. Hãng tàu biển Royal Caribbean đã quyết định ứng vốn đầu tư để nâng cấp, tăng cường thêm các trụ neo, nạo vét khu nước, hệ thống đệm va tại cầu cảng số 1,... để đủ tiêu chuẩn và khả năng tiếp nhận các tàu du lịch quốc tế cỡ lớn trong tương lai. Ngày 24/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, cảng Chân Mây được điều chỉnh mở rộng lên 702 ha và đầu tư 750 tỷ đồng xây dựng đê chắn sóng cảng giai đoạn 2. Hiện nay, giai đoạn 2, đê chắn sóng cảng Chân Mây dài 300m đang được xây dựng kết nối với 450m đê biển hiện có, để tạo thành tuyến đê biển dài 750m, bảo đảm an toàn và nâng cao năng lực khai thác hàng qua cảng Chân Mây, dự kiến năm 2023 đạt hơn 10 triệu tấn.
Chủ tịch Cảng Chân Mây Dương Bá Hoà phát biểu chúc mừng và chỉ đạo Đại hội Công đoàn Công ty
Chủ tịch HĐQT Cảng Chân Mây Dương Bá Hoà và TGĐ Huỳnh Văn Toàn tặng hoa và quà kỷ niệm cho nguyên Chủ tịch HĐQT Cảng Chân Mây Nguyễn Hữu Thọ
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Thừa Thiên Huế được quy hoạch là cảng biển loại 1, nằm trong nhóm cảng biển số 2 kéo dài từ tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Khu vực này có chiều dài bờ biển khoảng 400 km, nhưng chỉ có cảng Chân Mây là cảng nước sâu tự nhiên thuận lợi cho tàu lớn ra vào. Cảng Chân Mây được quy hoạch có khả năng tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 teus hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết: Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định đến năm 2030 quy mô phát triển cảng Chân Mây từ 8 - 10 cầu cảng với tổng chiều dài lên đến 3.231m, năng lực thông quan từ 19,12 - 22,92 triệu tấn, trong đó hàng container từ 0,2 triệu teus đến 0,4 triệu teus. Xây dựng khu bến Chân Mây bao gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận; tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương quốc Thái Lan. Với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đúng hướng, đồng bộ, hiện đại và ban hành một số cơ chế chính sách thoáng mở, hiệu quả trong lĩnh vực phát triển kinh tế hàng hải, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt nhiều kỳ vọng sẽ phát triển logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, trong đó, cảng biển được xem là yếu tố cung ứng quan trọng nhất trong chuỗi dịch vụ logistics. Sự phát triển của cảng Chân Mây sẽ góp phần gắn kết với sản xuất hàng hóa, phát triển hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin và thúc đẩy Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phát triển, làm “đầu tàu” dẫn dắt nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh, bền vững trong tương lai. Sự vươn mình của cảng Chân Mây đã và đang góp phần tạo nên chuỗi giá trị kinh tế cao trong hệ thống cảng biển miền trung.
Tàu khách cập Cảng Chân Mây
Báo Thừa Thiên Huế ngày 11/12/2023 của tác giả Hàn Đăng lại có những phân tích về “Cơ hội mới từ cảng Chân Mây”. Bài báo đã đưa ra ví dụ Hãng tàu RCL (Regional Container Lines) đến từ Thái Lan mở tuyến vận chuyển container quốc tế qua cảng Chân Mây vào tháng 12/2023 và đặt câu hỏi: “Điều gì khiến một hãng tàu đang sở hữu và vận hành 36 tàu container đi 170 điểm đến tại 28 quốc gia như RCL lại chọn cảng Chân Mây của Thừa Thiên Huế để mở tuyến đường biển mới trong kế hoạch triển khai tàu vào miền Trung Việt Nam, thay vì cảng Tiên Sa hay cảng Đà Nẵng?”.
Để trả lời câu hỏi này, bài báo cho biết: Sau gần 1 năm triển khai dịch vụ hàng container, cảng Chân Mây đã tiếp nhận và xếp dỡ 65 chuyến tàu container cập cảng (21 chuyến tàu ngoại, 44 chuyến tàu nội) với sản lượng thông qua là 7.370 TEU, tương đương 110.640 tấn hàng hóa. Dự kiến đến cuối năm 2023, sẽ có thêm 12 chuyến nội địa và 4 chuyến quốc tế với sản lượng lên 1.716 TEU, tương đương khoảng 28.350 tấn hàng hóa.
Tàu hàng cập Cảng Chân Mây
Trích dẫn lời ông Huỳnh Văn Toàn - Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây, bài báo cho hay: “Bên cạnh năng suất xếp dỡ container, cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị,… yếu tố quan trọng là lãnh đạo, các ban, ngành, chính quyền luôn đồng hành với đơn vị, với các doanh nghiệp (DN), cũng như chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh mang lại hiệu quả rất lớn trong thúc đẩy, phát triển cho cảng Chân Mây, qua đó, tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất, nhập khẩu thuận lợi”. Ngoài ra, những cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với Nghị quyết riêng cho phát triển cảng Chân Mây đã khuyến khích, thu hút các hãng tàu container, các DN có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây. Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay đã có một số hãng tàu, DN được hưởng chính sách hỗ trợ, như: Công ty TNHH Vận tải container Hải An (hãng tàu Hải An), Công ty CP Đầu tư A&B Việt Nam, Công ty TNHH Baosteel Can Making (Huế), Công ty CP Frit Phú Xuân… với tổng số tiền được hỗ trợ gần 8 tỷ đồng. Và ước tính, ngân sách chi hỗ trợ cho các hãng tàu, DN có hàng hóa vận chuyên bằng container qua cảng đến hết năm 2023 khoảng 18 tỷ đồng.
Cho nên, “với việc hãng tàu RCL mở tuyến vận chuyển container quốc tế qua cảng Chân Mây, điều này không chỉ nói lên tiềm năng, lợi thế, mà còn là động lực, là chất xúc tác để thu hút ngày càng nhiều hơn các DN nội địa, quốc tế, các hãng tàu lớn về cảng Chân Mây, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nói riêng, tỉnh Thừa Thiên nói chung”.
Tàu container cập Cảng Chân Mây
Một số kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023
- Sản lượng hàng hóa thông qua năm 2023 ước đạt 4.000.000 tấn, tăng 15,3% so với cùng kì năm 2022 (3.469.639 tấn)
- Tổng doanh thu năm 2023 đạt 229.629 triệu đồng, tăng 23,8% so với cùng kì năm 2022 (184.205 triệu đồng).
- Tổng số lượt tàu ra vào cảng đạt 618 lượt tàu, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 59,7% (năm 2022 đạt 387 lượt tàu). Trong đó, tàu container đạt 75 lượt, tàu du lịch đạt 24 lượt với 51.512 lượt du khách và thuyền viên (năm 2022, tàu du lịch đạt 4 lượt cập Cảng với 848 lượt du khách và thuyền viên)..
- Thu nhập bình quân của người lao động đạt 11,76 triệu đồng/người/tháng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh, để khai thác ngày càng hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, từng bước xây dựng cảng Chân Mây xứng tầm là cảng tổng hợp quốc gia, tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, vận động các DN trong và ngoài tỉnh luân chuyển hàng container qua cảng Chân Mây; rút giảm các chí phí liên quan; nghiên cứu mở thêm các tuyến hàng container trong nước/quốc tế; rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét gia hạn thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ cho hãng tàu, DN xuất nhập hàng container qua cảng Chân Mây; hoàn chỉnh hạ tầng logistics,… Thừa Thiên Huế cam kết luôn nhất quán chủ trương “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” cùng cộng đồng DN với phương châm “Luôn hướng đến và lấy DN là trung tâm, là động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững, tự chủ của tỉnh nhà.
Tàu container đang làm hàng tại Cảng Chân Mây
Tạp chí Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 30//11/2023 có bài “Cảng Chân Mây trở thành điểm trung chuyển của tàu container quốc tế: Nút thắt cần gỡ” của tác giả Đại Phong - Nhân Tâm đã nhìn nhận, “để có thể thu hút thêm các tàu hàng container trong tương lại thì cảng Chân Mây cần giải quyết nhiều vấn đề: Một trong số đó là một số doanh nghiệp đã quen xuất nhập hàng container tại Đà Nẵng nên ngại thay đổi. Việc thay đổi cảng xuất, nhập khẩu hàng container còn phụ thuộc vào điều kiện thương mại đã ký kết với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng container bày tỏ mong muốn cập cảng Chân Mây để rút ngắn khoảng cách, thời gian vận chuyển để giảm chi phí. Tuy nhiên, họ kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế có chính sách ưu đãi để thu hút tàu container đến làm hàng tại cảng Chân Mây, cần duy trì mức hỗ trợ và gia hạn thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ hiện nay. Hơn nữa, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng như công tác đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị xếp dỡ hàng container tại cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh cần kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics, cảng ICD, kho bãi, dịch vụ hậu cần để cùng với doanh nghiệp khai thác cảng thu hút các hãng tàu quốc tế được thuận lợi,…”.
Hiện nay, cảng Chân Mây đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng gồm kho ngoại quan diện tích 2.500 m2, bãi tập kết hàng container. Dự kiến quý IV/2024, giai đoạn 2 đê chắn sóng (tổng mức đầu tư 757 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương) sẽ hoàn thành, nâng tổng chiều dài đê chắn sóng của cảng lên 750 m, tăng năng lực khai thác hàng hóa. Bên cạnh đó, theo kế hoạch, năm 2024 khu cảng Chân Mây sẽ bổ sung công năng tiếp nhận, khai thác tàu container cho bến số 1, mở rộng kho bãi, đầu tư thêm thiết bị chuyên dụng phục vụ làm hàng container. Ngoài ra, cảng cũng sẽ mời gọi thêm hãng tàu mở tuyến hàng container quốc tế qua cảng Chân Mây.
Nguyễn Văn Học