Xyanua là một chất độc mạnh thường được dùng trong công nghiệp, nhưng nó vẫn tồn tại trong tự nhiên qua một số loại thực phẩm như sắn, măng tươi, hạt táo, hạt mơ, hạt đào và hạt mận. Cụ thể chất độc này tồn tại như thế nào trong các loại thực phẩm và cách phòng ngừa chúng khi sử dụng ra sao? Để giải đáp những thắc mắc này, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu khám phá trong bài viết dưới đây nhé!
Xyanua là gì? Dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm Xyanua
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Xyanua là một loại hóa chất cực mạnh, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng ở nhiều dạng hợp chất khác nhau. Xyanua có thể tồn tại dưới dạng khí không màu như Hydro Xyanua (HCN), Xyanua Clorua (CNCl), hoặc dưới dạng tinh thể như Kali Xyanua (KCN), Natri Xyanua (NaCN).
Xyanua được mô tả có mùi giống như "hạnh nhân đắng", nhưng đôi khi lại không có mùi, điều này làm cho việc phân biệt Xyanua với các hợp chất khác trở nên rất khó khăn. Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Xyanua là chất cực độc, chỉ cần tiếp xúc với 50 mg Xyanua đã có thể gây tử vong cho một người. Khi tiếp xúc với Xyanua, chất này sẽ hấp thụ nhanh vào cơ thể và gây ức chế mạnh mẽ đến hệ hô hấp và hệ thần kinh, dẫn đến nguy cơ nguy hiểm tính mạng ngay cả khi chỉ tiêu thụ một lượng rất nhỏ.
Mức độ nguy hiểm do ngộ độc Xyanua sẽ phụ thuộc vào lượng chất này mà cơ thể tiếp xúc, cũng như thời gian và lộ trình tiếp xúc. Khi Xyanua nhập vào cơ thể con người, chất độc này ngăn các tế bào sử dụng oxy, dẫn đến tổn thương và có hại đặc biệt đối với tim và não.
Những thực phẩm tự nhiên chứa Xyanua mà chúng ta nên chú ý
Xyanua thường được áp dụng trong các lĩnh vực công nghiệp như sơn, dệt nhuộm, luyện kim, khai thác vàng và sản xuất thuốc trừ sâu. Ngoài ra, nó cũng có thể được tìm thấy trong khói thuốc lá và khí thải của các phương tiện giao thông. Đặc biệt, trong tự nhiên, Xyanua cũng được phát hiện ở hơn 2.000 loài thực vật. Trong số này, có các loại thực phẩm phổ biến như măng, sắn (khoai mì) và hạt của các loại quả như táo, mơ, đào, lê, mận, anh đào,... Tại những cây này, Xyanua liên kết với các phân tử đường dưới dạng glycoside cyanogen. Ngoài ra, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế, sắn và măng cũng là loại thực phẩm phổ biến có chứa chất độc là acid xyanhydric.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết Xyanua là một chất cực kỳ độc, không nên có trong thực phẩm. Trong tự nhiên, Xyanua được tìm thấy ở hạt của các loại quả như táo, mơ, đào, lê, mận, anh đào,... Tuy nhiên, do các hạt này rất cứng và ít được ăn, vì vậy hiếm khi xảy ra trường hợp ngộ độc. Ngộ độc Xyanua qua thực phẩm thường cũng thường xảy ra khi sử dụng măng, sắn chưa được chế biến đúng cách, vì măng và sắn chứa các hợp chất nhóm Xyanua. Khi hấp thụ vào cơ thể, nó có thể sinh ra acid xyanhidric (HCN) độc hại.
Cách phòng ngừa ngộ độc khi ăn những loại thực phẩm này
Nếu đã biết được các loại thực phẩm tự nhiên chứa Xyanua thì sau đây là cách phòng ngừa ngộ độc khi ăn những loại thực phẩm này. Sắn và măng tươi là hai loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn gia đình, tuy nhiên cũng có nguy cơ ngộ độc Xyanua nếu chế biến không đúng cách. Để đảm bảo an toàn, PGS.TS. Thịnh khuyên rằng cần tuân thủ các biện pháp loại bỏ độc tố khi chế biến hai loại thực phẩm này:
- Đối với măng: Thái măng và ngâm trong nước. Luộc măng và đổ nước luộc đi. Đối với măng khô, ngâm và luộc kỹ trước khi chế biến.
- Đối với sắn: Ngâm sắn trong nước vài tiếng trước khi chế biến để giảm Xyanua. Gọt vỏ sạch, cắt bỏ đầu và đuôi của củ sắn. Luộc sắn trong nước sôi, mở nắp để Xyanua bay hơi. Bỏ đi phần lõi sắn trước khi sử dụng. Tránh ăn các loại sắn cao sản chế biến công nghiệp và không nên ăn khi đói.
Việc nấu chín kỹ các loại thực phẩm tự nhiên chứa Xyanua trong nước sôi có thể giảm bớt độc tính của chúng một cách hiệu quả.
Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên có thể giúp bạn đọc nhận biết được các loại thực phẩm tự nhiên chứa Xyanua, cũng như biết thêm về cách phòng ngừa ngộ độc khi chế biến và sử dụng các loại thực phẩm này.