Hẹp van động mạch phổi thường là bệnh tim bẩm sinh. Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ diễn tiến nặng, dẫn đến suy tim phải. Phương pháp điều trị có tỷ lệ thành công khá cao cho trường hợp này là nong van động mạch phổi, giúp cải thiện tình trạng bệnh, giảm nguy cơ gặp các tai biến không mong muốn.
Nong van động mạch phổi là gì?
Nong van động mạch phổi là kỹ thuật được chỉ định điều trị tình trạng hẹp van động mạch phổi ở mức độ vừa đến nặng.
Van động mạch phổi là vách ngăn giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Hẹp van động mạch phổi xảy ra khi van không thể mở hết hoàn toàn, khiến cho lượng máu đến phổi bị giảm. Tâm thất phải bơm máu khó khăn hơn, buộc phải bơm mạnh hơn để đưa máu lên phổi, lâu dần tâm thất phải dày lên.
Các triệu chứng hẹp van động mạch phổi bao gồm: Đau ngực, hụt hơi, đánh trống ngực, mệt mỏi, chán ăn, ngất xỉu,… Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh hoạt động gắng sức. (1)
Lợi ích của nong van động mạch phổi
Đối với bệnh nhân bị hẹp van động mạch phổi đơn độc thì nong van động mạch phổi là phương pháp điều trị được lựa chọn đầu tiên. Kỹ thuật này đem lại kết quả tốt cho người bệnh, giúp giảm tới 75% chênh áp qua van. Nong van động mạch phổi giúp người bệnh có thể tránh được những biến chứng nguy hiểm của bệnh hẹp van động mạch phổi như: nhiễm trùng trong tim, suy tim, loạn nhịp tim,…
Đối tượng được chỉ định nong van động mạch phổi
Nong van động mạch phổi được chỉ định cho một số đối tượng, trường hợp như:
1. Chỉ định cho trẻ sơ sinh
Hẹp khít van động mạch phổi với tuần hoàn phổi phụ thuộc hệ thống (nhiều trường hợp chênh áp thấp do suy thất phải và/hoặc áp lực động mạch phổi chưa giảm), thiểu sản thất phải, và luồng thông phải-trái, cần điều trị cấp cứu. (2)
2. Chỉ định nong van ở trẻ nhỏ và người lớn
Những trường hợp người lớn bị hẹp van động mạch phổi được chỉ định nong van động mạch phổi bao gồm:
- Chênh áp tâm thu trên siêu âm tim > 64mmHg (tương ứng > 30-40mmHg đo bằng thông tim).
- Chênh áp tâm thu trên siêu âm tim < 64mmHg (tương ứng < 30mmHg đo bằng thông tim), có chỉ định can thiệp khi có 1 hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau (IIaC):
- Triệu chứng do hẹp phổi.
- Chức năng thất phải giảm và hoặc hở van 3 lá tiến triển tối thiểu mức độ trung bình.
- Áp lực tâm thu thất phải > 80mmHg.
- Luồng thông phải-trái qua thông liên nhĩ hoặc thông liên thất.
Chống chỉ định trong những trường hợp nào?
Không phải tất cả các trường hợp hẹp van động mạch phổi đều được chỉ định điều trị bằng nong van. Một số trường hợp chống chỉ định bao gồm:
- Hẹp van động mạch phổi ở mức độ nhẹ, chưa có triệu chứng;
- Hẹp van động mạch phổi kèm theo các tổn thương phức tạp khác cần điều trị phẫu thuật bao gồm: Hẹp vòng van, hẹp kèm theo hẹp đường ra, kèm thông liên thất, tứ chứng Fallot,…;
- Người bệnh đang bị nhiễm trùng nặng, gặp các rối loạn nặng về tình trạng đông máu;
- Van động mạch phổi đã bị vôi hóa nhiều, xơ hóa. (3)
Phương pháp chẩn đoán cho người cần nong van động mạch phổi
1. Siêu âm tim thai nhi
Siêu âm tim thai là kỹ thuật giúp chẩn đoán dị tật tim ở thai nhi. Đánh giá được tình trạng tim mạch của thai nhi như: Nhịp tim, cấu trúc, chức năng tim. Thông qua đó, bác sĩ có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của tim thai, có sự chuẩn bị tốt trong việc điều trị cho bé sau khi chào đời.
Đối với tình trạng hẹp van động mạch phổi, rất khó để chẩn đoán ở thời kỳ sớm của thai kỳ. Nếu có hở van ba lá nên được khảo sát kĩ tim thai ở giai đoạn này. Tùy theo độ tuổi của thai nhi mà mẹ bầu sẽ được chỉ định siêu âm 2D, 3D hoặc 4D. Thai ở tuần thứ 18-24 là thời điểm thích hợp nhất để thực hiện siêu âm sàng lọc các dấu hiệu bất thường của tim thai, trong đó có tình trạng hẹp van động mạch phổi.
Siêu âm tim thai rất an toàn, đến nay chưa ghi nhận tác dụng phụ của phương pháp này đến sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu nguy cơ, bác sĩ có thể tiến hành siêu âm nhiều lần để đưa ra nhận định chính xác hơn.
2. Siêu âm tim
Phương pháp này giúp xác định chẩn đoán, khảo sát vị trí hẹp van động mạch phổi tại van, dưới van (phễu) hay trên van (thân, nhánh). Đo kích thước vòng van động mạch phổi, thân và các nhánh. Đồng thời, giúp đánh giá tính chất van và mức độ hẹp của van. Ghi nhận có sự khác biệt giữa siêu âm tim và thông tim với chênh áp ngang van trên siêu âm tim thường cao hơn 25-40% thông tim.
3. Điện tâm đồ (ECG)
Xét nghiệm này cho ra kết quả nhanh chóng và không gây đau. Các tín hiệu điện trong tim được ghi lại, thông qua các miếng dán điện cực ở ngực, tay và chân bệnh nhân, hiển thị trên màn hình máy tính được kết nối.
- Đối với tình trạng hẹp van động mạch phổi nhẹ: ECG không thay đổi
- Hẹp trung bình: trục lệch phải và dày thất phải.
- Hẹp nặng: giãn nhĩ phải và dày thất phải.
- Hẹp khít ở trẻ sơ sinh: giãn thất trái do thiểu sản thất phải và thất trái lớn.
4. Chụp X-quang
Kỹ thuật chụp X-quang cho ra kết quả hình ảnh rõ nét, giúp chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến xương khớp, hô hấp, tim mạch. Chẩn đoán hẹp van động mạch phổi thông qua chụp X-quang cho ra kết quả:
- Bóng tim bình thường, nhưng thân động mạch phổi có thể phồng khi hẹp tại van.
- Tuần hoàn phổi giảm khi có hẹp phổi nặng.
- Hẹp khít ở trẻ sơ sinh: giảm tưới máu 2 phế trường với bóng tim to nhiều mức độ.
5. Thông tim
Bằng cách sử dụng ống thông, luồn vào động mạch hoặc tĩnh mạch ở bẹn, cổ hoặc cánh tay, luồn qua mạch máu đến tận tim. Thông qua đó, bác sĩ có thể thực hiện nhiều kỹ thuật khác nhau, giúp kiểm tra lưu lượng máu qua tim, xác định được mức độ nghiêm trọng của hẹp van động mạch phổi,…
Các bước tiến hành nong van động mạch phổi
Hầu hết các trường hợp hẹp van động mạch phổi ở mức độ vừa và nặng, có thể được điều trị bằng phương pháp nong van. Các bước tiến hành phẫu thuật nong van động mạch phổi bao gồm:
- Trước tiên, người bệnh sẽ được sát trùng da rộng rãi ở khu vực tạo đường vào mạch máu;
- Bác sĩ sẽ đưa một ống thông, đầu có gắn bóng, di chuyển đến tim với sự hỗ trợ của dây dẫn;
- Trong quá trình di chuyển ống thông và dây dẫn, có sự hỗ trợ từ tia X đặc biệt để xác định đường đi;
- Khi đầu ống thông đi đến vị trí van động mạch phổi bị hẹp, phần bóng sẽ được cho mở bung ra làm cho van được mở rộng hơn;
- Sau đó, bóng sẽ được làm xẹp và ống thông, bóng sẽ được lấy ra;
- Bác sĩ sẽ khâu 1 mũi lại vị trí đường vào tĩnh mạch để cầm máu. (4)
Các cách chăm sóc theo dõi người bệnh sau khi nong van động mạch phổi
Bệnh nhân sau khi được phẫu thuật nong van động mạch phổi, cần được theo dõi khả năng phục hồi cũng như kịp thời phát hiện các biến chứng.
- Người bệnh cần được nằm nghỉ ngơi, nằm ngửa từ 4-6 giờ sau khi thông tim. Phần chân bên thực hiện thủ thuật cần được bất động, giữ yên trong tối đa 24 giờ;
- Bệnh nhân có thể ăn uống lại sau 4 giờ hoặc sau khi đã hoàn toàn tỉnh táo.
- Chế độ ăn uống cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Người thân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân sau khi thực hiện phẫu thuật;
- Sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được kiểm tra vị trí đường vào động mạch, tĩnh mạch thường xuyên, đo huyết áp và siêu âm tim, để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường, kịp thời xử trí;
- Thông thường, người bệnh có thể được xuất viện sau 1 ngày nếu không có bất kỳ triệu chứng nào khác, khả năng hồi phục tốt;
- Bệnh nhân nên nghỉ ngơi nhiều, đi lại, vận động nhẹ nhàng, tránh căng thẳng, áp lực;
- Bệnh nhân cần kiểm tra lại theo định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Nếu tốt, nên kiểm tra mỗi 1-2 năm.
Các tai biến có thể xảy ra và cách xử trí sau khi nong van động mạch phổi
Thông tim nong van động mạch phổi mặc dù có tỷ lệ thành công cao, nhưng vẫn có thể tồn tại một số ít nguy cơ tai biến. Do đó, cần chọn cơ sở uy tín có đội ngũ chuyên gia bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại; đồng thời theo dõi chặt chẽ sau can thiệp và có hướng xử trí kịp thời.
- Rối loạn nhịp tim: Thường thoáng qua, không cần can thiệp. Trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc, sốc điện,…;
- Chảy máu: Băng ép cầm máu;
- Huyết khối mạch máu đùi: Chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc kháng đông;
- Hở van động mạch phổi sau khi thực hiện nong van: Người bệnh chỉ cần được theo dõi và can thiệp nếu cần thiết;
- Bị vỡ đường ra thất phải gây tràn máu màng tim: Bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu;
- Co thắt đường ra thất phải gây tụt áp và thiếu oxy: Xử trí tình trạng này bằng cách cho truyền dịch và dùng thuốc chẹn beta giao cảm;
- Một số tai biến khác có thể gặp như: Hở van ba lá do đứt dây chằng,… cũng cần được theo dõi.
Nong van động mạch phổi là một thủ thuật điều trị hẹp van động mạch phổi đơn thuần an toàn và có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn cơ sở điều trị uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch giàu kinh nghiệm, thiết bị hiện đại để hỗ trợ cho phẫu thuật diễn ra thành công.
Hiện nay, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ được nhiều người tin tưởng đến khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về tim mạch, mạch máu, lồng ngực nhờ:
- Có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa trong lĩnh vực tim mạch hàng đầu Việt Nam như: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, BS.CKI Vũ Năng Phúc…
- Cơ sở thiết bị hiện đại, được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu như: Hệ thống máy chụp, can thiệp mạch (DSA) cánh tay robot xoay 360 độ; máy chụp CT 768 lát cắt, máy chụp MRI 1.5-3T, máy siêu âm tim và mạch máu 4D,…
- Hệ thống phòng khám, phòng phẫu thuật đảm bảo an toàn, vô khuẩn.
- Được hỗ trợ tư vấn và hướng dẫn các thủ tục nhanh chóng.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ theo thông tin:
Nong van động mạch phổi giúp cải thiện tình trạng hẹp van động mạch phổi và giảm nguy cơ các biến chứng cho người bệnh. Sau khi được thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân cần theo dõi và tái khám theo lịch của bác sĩ để kịp thời phát hiện và xử trí các bất thường nếu có.