Sỏi thận là khối rắn cứng được hình thành từ các khoáng chất dư thừa tích tụ bên trong thận. Sỏi thận có thể nhỏ và không gây ra vấn đề gì, nhưng có thể lớn đến mức lấp đầy cấu trúc rỗng bên trong thận. Sỏi thận gây ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiết niệu từ thận đến niệu đạo.
1. Sỏi thận là gì?
Thận là một cơ quan quan trọng trong hệ tiết niệu, đóng vai trò là bộ lọc máu tự nhiên của cơ thể, có nhiệm vụ loại bỏ urê và các khoáng chất dư thừa ra khỏi máu theo niệu quản đến bàng quang để thải ra ngoài. Khi một lượng lớn các khoáng chất này tích tụ trong thận tạo thành những khối rắn dạng tinh thể được gọi là sỏi thận.
Sỏi thận thường bắt nguồn từ thận, hình thành ở một hoặc cả hai bên thận. Tuy nhiên, sỏi có thể phát triển và di chuyển đến bất kỳ bộ phận nào khác của đường tiết niệu như niệu quản, bàng quang (bọng đái) và niệu đạo.
Sỏi thận hình thành với nhiều kích thước khác nhau, từ nhỏ cho đến kích thước của một trái banh nhỏ. Hầu hết sỏi sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
Sỏi nhỏ thường không gây ra triệu chứng nào cho đến khi chúng di chuyển vào niệu quản. Đối với trường hợp sỏi lớn hơn nằm trong thận hoặc đường tiết niệu gây đau cần được điều trị bằng cách phá vỡ hoặc loại bỏ, tránh biến chứng như nhiễm trùng hoặc tổn thương thận.
2. Sỏi thận có những loại nào?
Tùy thuộc vào loại khoáng chất tích tụ trong thận hình thành nên sỏi mà người ta phân sỏi thận thành các loại: sỏi canxi, sỏi axit uric, sỏi struvite và sỏi cystine.
a. Sỏi canxi
80% những người bị sỏi thận là sỏi canxi. Sỏi canxi hình thành khi một lượng lớn canxi mà cơ thể không sử dụng được tích tụ ở thận. Canxi kết hợp với các chất thải khác tạo thành sỏi, thường là canxi oxalat. Ăn ít thực phẩm giàu oxalat có thể làm giảm nguy cơ phát triển loại sỏi này.
Mặc dù sỏi thận được tạo thành từ canxi, nhưng bổ sung đầy đủ canxi lại có thể ngăn ngừa hình thành sỏi và kể cả loãng xương.
b. Sỏi axit uric
Sỏi axit uric thường là kết quả của việc cơ thể thiếu nước. Khi không đủ nước để pha loãng axit uric trong nước tiểu, nồng độ axit trong nước tiểu sẽ tăng lên. Loại sỏi này thường gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Người bị gout hoặc đang trong giai đoạn hóa trị có thể bị sỏi axit uric. Bên cạnh đó, chế độ ăn giàu purine cũng sẽ làm tăng nồng độ axit trong nước tiểu.
c. Sỏi struvite
Sỏi struvite có thể hình thành sau nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs), với thành phần bao gồm magie và amoniac. Những viên sỏi này khi lớn có thể gây tắc nghẽn đường tiểu. Điều trị nhiễm trùng có thể ngăn ngừa sự phát triển của sỏi struvite.
d. Sỏi cystine
Sỏi cystine phát triển khi cystine - một loại axit tự nhiên trong cơ thể, tích tụ trong nước tiểu. Đây là loại sỏi rất hiếm gặp, có thể xảy ra ở cả nam và nữ có rối loạn di truyền cystin niệu.
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây sỏi thận
Yếu tố nguy cơ lớn nhất của sỏi thận là uống ít nước. Tức là cơ thể tạo ra ít hơn 1 lít nước tiểu mỗi ngày. Sỏi thận rất dễ xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 40 - 60 và trẻ sinh non có vấn đề về thận, xảy ra ở nam nhiều hơn nữ.
Một người từng bị sỏi thận có ít nhất 50% nguy cơ sẽ bị sỏi thận trong 5 - 7 năm tới. Một người có tiền sử thành viên trong gia đình bị sỏi thận cũng có thể bị sỏi thận, mặc dù trường hợp này khá hiếm gặp.
Ngoài ra, các yếu tố sau đây có thể khiến một người dễ bị sỏi thận hơn:
- Chế độ ăn uống nhiều protein, muối hoặc đường
- Ít vận động
- Thừa cân béo phì
- Bệnh tiểu đường
- Huyết áp cao
- Phẫu thuật đường tiêu hóa (ví dụ phẫu thuật cắt dạ dày)
- Bệnh gout làm tăng nồng độ axit uric
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Cường tuyến cận giáp
- Bệnh thận đa nang hoặc thận có cấu trúc bất thường
- Bệnh viêm ruột (ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ canxi)
- Tiêu chảy mạn tính do thiếu hụt citrate
- Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu triamterene, thuốc chống động kinh và thuốc kháng axit dựa trên canxi, cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận do chúng hình thành các tinh thể trong nước tiểu hoặc thay đổi thành phần của nước tiểu.
4. Nhận biết các triệu chứng và dấu hiệu của sỏi thận
Khi sỏi còn nhỏ bạn có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào, kể cả khi nó đi qua đường tiết niệu. Nhưng khi sỏi lớn hơn có thể gây tắc bể thận hoặc di chuyển xuống niệu đạo gây ra những cơn đau dữ dội, quặn thắt.
Cơn đau thường ở một bên lưng hoặc bụng, đôi khi có thể lan đến vùng bẹn, kéo dài từ 20 - 60 phút. Bên cạnh đó, bạn có thể gặp các triệu chứng khác của sỏi thận như:
- Đau hoặc buốt rát khi đi tiểu
- Cần đi vệ sinh gấp hoặc thường xuyên hơn bình thường
- Tiểu ra máu là triệu chứng thường gặp ở những người bị sỏi đường tiết niệu. Nước tiểu có thể màu đỏ, hồng hoặc nâu.
- Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
- Mỗi lần chỉ đi tiểu một lượng nhỏ
- Buồn nôn và nôn mửa
- Sốt và ớn lạnh thường là dấu hiệu thận hoặc một vị trí khác của đường tiết niệu bị nhiễm trùng
5. Sỏi thận có thể gây ra biến chứng gì?
Khi sỏi làm tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu có thể dẫn đến ứ nước. Thận ứ nước là một biến chứng nguy hiểm vì sự hiện diện của nhiễm trùng có thể gây nhiễm trùng máu (ngộ độc máu) tiến triển nhanh và tử vong. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính. Nhưng sỏi thận không phải lúc nào cũng nằm trong thận. Chúng có thể di chuyển xuống niệu quản và bàng quang.
Niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận vào bàng quang, kích thước niệu quản rất nhỏ và mỏng manh, những viên sỏi quá lớn không thể đi thẳng xuống bàng quang mà mắc kẹt lại niệu quản, có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Trong đó, sỏi niệu quản tắc nghẽn và nhiễm trùng đường tiểu trên có thể gây ra các biến chứng bao gồm áp xe quanh thận, ứ nước tiểu và đe dọa tính mạng.
Khi một viên sỏi lớn đi qua được niệu quản và tới bàng quang, nó có thể bị mắc kẹt trong niệu đạo gây bí tiểu đau đớn.
Có thể tổng hợp lại các biến chứng nghiêm trong của sỏi thận là:
- Hình thành áp xe
- Suy giảm chức năng thận
- Hình thành lỗ rò tiết niệu
- Gây sẹo và hẹp niệu quản
- Gây sẹo thận và tổn thương thận, dẫn đến suy thận vĩnh viễn
- Thủng niệu quản
- Thoát mạch
- Nhiễm trùng thận nghiêm trọng và nhiễm trùng máu
- Khi thận mất chức năng cần phải cắt bỏ thận
6. Khi nào nên đi khám sỏi thận?
Nếu bạn gặp các triệu chứng như đau một bên lưng và lan xuống vùng bụng, tiểu buốt, việc đi tiểu không giống bình thường, nước tiểu có màu bất thường thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán.
Các triệu chứng trên có thể cung cấp cơ sở nhưng không đủ để chẩn đoán bệnh. Vì vậy, tùy vào tình trạng mà bạn cần thực hiện một vài hoặc toàn bộ các xét nghiệm dưới đây:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ các khoáng chất, đánh giá chức năng thận và xác định các biến chứng
- Phân tích nước tiểu để phát hiện máu trong nước tiểu, dấu hiệu nhiễm trùng và kiểm tra những viên sỏi thoát ra ngoài thuộc loại sỏi nào.
- Siêu âm được sử dụng để phát hiện hầu hết các loại sỏi thận, bao gồm xác định vị trí, kích thước sỏi và sự tắc nghẽn đường tiết niệu
- Chụp X-quang hệ tiết niệu
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) bụng
- Chụp MRI bụng và thận
7. Phương pháp điều trị sỏi thận
Những viên sỏi nhỏ có thể di chuyển đến bàng quang trong vài ngày hoặc vài tuần, sau đó thoát ra ngoài theo đường nước tiểu mà không cần điều trị.
Đối với những viên sỏi nhỏ gây đau đớn, bạn cần uống thuốc giảm đau, uống nhiều nước, vận động vừa phải và đợi cho viên sỏi đi qua.
Thuốc đẩy nhanh quá trình di chuyển của sỏi (thuốc chẹn alpha hoặc thuốc chẹn kênh canxi) có thể được sử dụng để giúp sỏi đi qua.
- Phần lớn các viên sỏi có đường kính < 5 mm sẽ tự thải ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu.
- Gần 50% các viên sỏi có đường kính từ 5 - 10 mm cũng có thể thoát ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu. Còn lại cần được xử lý.
- Những viên sỏi có đường kính > 10 mm cần phải can thiệp.
Những viên sỏi lớn hơn bị kẹt trong niệu quản gây đau dữ dội và có nguy cơ biến chứng cần được phá vỡ hoặc phẫu thuật. Chẳng hạn như nội soi tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng siêu âm (ESWL), nội soi niệu quản hoặc phương pháp tán sỏi qua da (PCNL). Chọn phương pháp điều trị nào sẽ tùy thuộc vào kích thước, loại sỏi và vị trí của sỏi trong hệ tiết niệu.
Thời gian phục hồi sau sỏi thận sẽ phụ thuộc vào cách nó biến mất. Nếu sỏi thoát ra ngoài tự nhiên hoặc ít phải can thiệp bằng thuốc, cơn đau sẽ giảm đi rất nhanh.
Nếu thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể, bạn chỉ cần điều trị ngoại trú và có thể về nhà ngay trong ngày. Trong quá trình thực hiện cần gây mê nhẹ. Nhưng nhìn chung thời gian phục hồi nhanh và phụ thuộc một phần vào loại thuốc gây mê mà bác sĩ sử dụng.
Nếu cần phải phẫu thuật, bạn cần nằm viện 1-2 ngày và có thể hoạt động trong vòng 01 ngày sau khi phẫu thuật. Nếu có đặt stent niệu quản, cần tránh hoạt động cường độ cao cho đến khi nó được tháo ra.
8. Cách phòng ngừa sỏi thận
Có đến 50 trong số 100 người sau khi điều trị sỏi thận 5-7 năm sẽ bị sỏi thận một lần nữa, vì vậy các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng. Sự kết hợp giữa chế độ ăn uống và thay đổi lối sống có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị sỏi thận, bao gồm:
- Uống nước từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Uống đủ nước sẽ giúp thận và gan hoạt động tốt hơn.
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh có thể làm giảm nồng độ axit trong nước tiểu.
- Giảm thức ăn giàu oxalat. Một số thực phẩm giàu oxalat mà bạn cần ăn một cách điều độ là: socola, khoai lang, cà phê, củ cải, đậu phộng, cây đại hoàng, sản phẩm từ đậu nành, cám lúa mì…
- Bổ sung protein vừa đủ. Thực phẩm giàu protein như thịt bò, gia cầm, cá và thịt heo có thể làm tăng nồng độ axit trong nước tiểu.
- Giảm lượng muối. Quá nhiều muối trong nước tiểu khiến canxi không được tái hấp thu từ nước tiểu vào máu, điều này làm canxi trong nước tiểu cao hơn dẫn đến sỏi thận. Bạn cần tránh các thực phẩm giàu natri như thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, gia vị, thực phẩm có chứa natri nitrat và natri bicabonat.
- Ăn đủ thực phẩm chứa canxi theo khuyến nghị.
- Sử dụng thuốc bổ sung vitamin C liều cao trong nhiều năm có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.
Sỏi thận là một tình trạng phổ biến, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng của nào của sỏi thận, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Với sỏi nhỏ, bạn không cần phải làm gì và chờ cho nó tự thoát ra ngoài. Nhưng nếu sỏi lớn hơn, bạn cần được can thiệp để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.