Nếu bạn lo lắng liệu mình có những triệu chứng như bị nhiễm virus COVID-19 hoặc nghi ngờ mình có tiếp xúc với người nhiễm hay nghi nhiễm COVID-19? Bạn cần làm xét nghiệm COVID-19 và băn khoăn mình cần làm loại xét nghiệm nào?
Hiện nay có 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19 được Bộ y tế cho phép là xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2. Mỗi phương pháp lại có những ưu nhược điểm khác nhau và tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, diễn biến lâm sàng mà sử dụng một hay cả hai loại xét nghiệm trên.
XÉT NGHIỆM NHANH KHÁNG NGUYÊN
Xét nghiệm nhanh kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện nhằm mục đích sàng lọc cho đối tượng có hoặc không có các triệu chứng COVID-19. xét nghiệm kháng nguyên được thực hiện bằng cách dùng tăm bông lấy dịch ở khoang mũi để phát hiện sự hiện diện protein đặc hiệu của virus (hay còn gọi là kháng nguyên) COVID-19 có trong mẫu dịch đường hô hấp. Phương pháp xét nghiệm cho kết quả nhanh chóng trong vòng 20-30 phút - tuy nhiên phương pháp xét nghiệm nhanh này có độ nhạy kém hơn xét nghiệm PCR.
Mức độ hiệu quả của xét nghiệm test nhanh tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm thời gian từ khi phát bệnh, nồng độ vi-rút trong mẫu bệnh phẩm, chất lượng mẫu bệnh phẩm thu được và cách xử lý.
Việc thực hiện xét nghiệm nhanh có thể gặp phải một số trường hợp như người bệnh mới mắc COVID-19, lượng virus chưa nhân lên với số lượng lớn, dẫn tới kết quả test nhanh âm tính trong khi họ đã mắc bệnh. Ngoài ra, nhiều trường hợp xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính giả nếu các kháng thể trên que thử nhận ra các kháng nguyên của virus khác không phải kháng nguyên của COVID-19, như virus gây ra cảm cúm thông thường.
Vì vậy, phương pháp này chỉ dùng để hỗ trợ sàng lọc, giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc COVID-19 ở các vùng có nguy cơ cao và không dùng để xác định bệnh nhân có nhiễm bệnh hay không mà phải dùng phương pháp realtime RT-PCR để khẳng định kết quả.
XÉT NGHIỆM REALTIME RT-PCR
Xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR là phương pháp vàng, có độ chính xác cao giúp xác định sự hiện diện của virus thông qua phát hiện vật liệu di truyền của virus COVID-19. Xét nghiệm realtime RT-PCR được thực hiện bằng cách dùng tăm bông phết dịch họng và dịch tỵ hầu, và cho kết quả sau 24-48 tiếng - đây là nhược điểm duy nhất của phương pháp xét nghiệm này.
Phương pháp này được chỉ định cho người bị phơi nhiễm trong 21 ngày hoặc dùng theo dõi quá trình điều trị các bệnh nhân đã nhiễm Covid-19.